Xây dựng nông thôn mới với khí thế mới

Sau 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Long An chung sức xây dựng nông thôn mới” (2010-2020), bộ mặt nông thôn ở Long An đã thay đổi. Ngoài chuyện đường sá, điện đóm, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại hơn, thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng ngày được nâng cao. 

10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo một khí thế mới, khích lệ nông dân hăng say lao động sản xuất, góp phần đưa Long An nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ số xã và số tiêu chí đạt chuẩn NTM.

Vạn sự khởi đầu nan

Ở năm bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (2010), vị thế, tiềm lực kinh tế của tỉnh Long An tuy có được nâng lên so với trước nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường; năng lực cạnh tranh còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh có hạn; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao…

Trước tình hình đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình dựa trên chỉ tiêu xây dựng NTM của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh. Các cấp ủy Đảng và chính quyền đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, triển khai thực hiện nhiều cuộc vận động, phong trào thiết thực có hiệu quả, góp phần tích cực cho xây dựng NTM. Các cơ quan thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, giúp người dân nhận thức rõ hơn về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.

Xây dựng nông thôn mới với khí thế mới ảnh 1 Con đường đất đỏ ngày nào ở xã Hòa Phú (huyện Châu Thành) giờ thành con đường bê tông khang trang, sạch đẹp

Có thể nói, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và tổ chức đoàn thể đã quán triệt, triển khai kịp thời chủ trương, chính sách về xây dựng NTM, qua đó nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của tỉnh.

Trăm hoa đua nở

Có lẽ nhờ thế mà phong trào thi đua “Long An chung sức xây dựng NTM” triển khai mạnh mẽ, được cả hệ thống chính trị và người dân nhiệt tình hưởng ứng trong 10 năm qua. Các phong trào thi đua với nhiều chủ đề, hình thức phong phú đã tạo được sức lan tỏa, như: Xây dựng người công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; xây dựng đơn vị y tế xanh, sạch, đẹp; phong trào Vì an ninh Tổ quốc gắn với khẩu hiệu “Kỷ cương, trách nhiệm, trí tuệ, hiệu quả”; Công an Long An - Tất cả vì sự bình yên của nhân dân; phong trào Cựu chiến binh nêu gương sáng, hiến kế, hiến công xây dựng quê hương đất nước; phong trào Phụ nữ chung sức xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; các phong trào Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh, Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng...

Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, nhiều cách làm hay, sáng tạo và đạt kết quả cao được phổ biến, nhân rộng, góp phần giúp cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương, các ngành chức năng kịp thời điều chỉnh những bất cập về cơ chế, chính sách, công tác tổ chức thực hiện, tạo môi trường thuận lợi đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đến nay toàn tỉnh đã có 88/161 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 54,6% số xã toàn tỉnh (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra là trên 50% số xã đạt chuẩn NTM), 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân mỗi xã của tỉnh đạt 16,6 tiêu chí; toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Hiện tỉnh đã có huyện Châu Thành được công nhận là huyện NTM vào cuối năm 2019. Thành phố Tân An cũng được công nhận là đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đã có nhiều tập thể, cá nhân, hộ gia đình tham gia đóng góp tiền của và công sức cho xây dựng NTM. Như ông Nguyễn Văn Thuộc ở xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) hiến gần 25.000m2 đất; ông Huỳnh Kỳ Tâm ở xã Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), ngoài việc hiến hơn 1.500m2 đất còn vận động nhân dân đóng góp hơn 8.500m2 đất để làm đường. Hay ông Hồ Văn Tắc ở xã Đức Lập Hạ (huyện Đức Hòa), tuy không có đất để hiến nhưng ông tích cực đi vận động người dân mở 3 tuyến đường mới dài 3.900m; ông Nguyễn Công Sang ở xã Lạc Tấn (huyện Tân Trụ) đóng góp 300 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, 100 triệu đồng lắp trạm biến áp cho nhân dân sử dụng điện, 100 triệu đồng xây dựng hệ thống chiếu sáng đường giao thông nông thôn; ông Đỗ Đình Trí ở xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) ngoài việc hiến 3.200m2 đất làm đường giao thông nông thôn bờ Nam kênh 28, ông còn đóng góp 1.200 ngày công tham gia xây dựng nhà tình thương, vận động quyên góp 300 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 80 căn nhà tình thương, quyên góp 3.000kg gạo để tặng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn.

Ông còn tích cực vận động tuyên truyền nhân dân hưởng ứng, đồng thuận và tham gia đóng góp xây dựng NTM, giải quyết công việc cho 10 - 20 lao động/vụ; Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Vĩnh Hưng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà kho, nhà máy xay xát chế biến lúa gạo tại xã Tuyên Bình Tây (huyện Vĩnh Hưng) và liên kết xây dựng cánh đồng lớn, tiêu thụ trên 25.000 tấn thóc/năm cho nông dân, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa; Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã đóng góp cho xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ) trên 25 tỷ đồng để xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn, xây dựng nhà văn hóa xã, làm đường giao thông, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương và hỗ trợ xã Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng) xây dựng trường THCS đạt chuẩn, trị giá 2,3 tỷ đồng…

Tiền đề tiến đến tỉnh nông thôn mới

Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, sau 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Long An chung sức xây dựng NTM”, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt, với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tiếp tục tăng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đặc biệt là chủ trương “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng” được các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc nên dân chủ ở nông thôn được cải thiện và ngày càng phát triển.

Xây dựng nông thôn mới với khí thế mới ảnh 2 Một con đường quê rợp bóng cây ở huyện Tân Trụ. Ảnh: CÔNG TOẠI

“Trong thời gian tới, việc xây dựng NTM cố gắng tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị. Nhất là những xã đã đạt chuẩn NTM sẽ phấn đấu nâng chất, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, tăng thêm huyện NTM”, ông Cảnh nhấn mạnh và cho biết thêm: “Chương trình xây dựng NTM đạt được những kết quả rất khả quan như thế là nhờ tỉnh đã huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc với quyết tâm cao. Đây có thể là tiền đề quan trọng để Long An phấn đấu trở thành tỉnh NTM sớm nhất vào những năm tới”.

Để thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh Long An đã huy động trên 123.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 999,7 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 573 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 103.600 tỷ đồng... Từ nguồn tiền này, toàn tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Qua đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã có điện lưới quốc gia (tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt 99,88%); trên 97% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng từ 15,6 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên gần 50 triệu đồng (2019), tỉnh cố gắng phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt trên 56 triệu đồng/người/năm.

Tin cùng chuyên mục