Xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa thành phố

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM vừa gỡ hoàn toàn hàng rào và thông làn 2 chiều cho tuyến Lê Lợi, đoạn từ đường Pasteur đến chợ Bến Thành (quận 1). Cùng với đó, UBND quận 1 có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất nghiên cứu phương án đầu tư phố đi bộ trên đường Lê Lợi nhằm giúp địa phương có thêm sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đô thị nhìn nhận, nếu có thêm phố đi bộ Lê Lợi và kết nối đồng bộ với phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ giống như một quảng trường lớn, phù hợp cho việc vui chơi nơi không gian công cộng của người dân và du khách, cũng như tổ chức những chương trình văn hóa, nghệ thuật ngoài trời và tạo động lực thúc đẩy kinh tế, dịch vụ phát triển.

Tuy nhiên, xây dựng và tổ chức các tuyến phố đi bộ, không gian công cộng ở khu vực trung tâm thành phố, trước hết cần nhìn nhận lại vấn đề mỹ quan đô thị hiện nay. Công viên bến Bạch Đằng đi vào hoạt động cùng với bến tàu thủy và điểm biểu diễn ca nhạc ngoài trời bên sông Sài Gòn thu hút đông đảo người dân và du khách. Tuy nhiên, tình trạng giao thông ngang khu vực này, nhất là cuối tuần và ngày lễ, còn khá lộn xộn, điểm giữ xe bố trí chưa hợp lý; bán hàng rong dọc theo công viên khiến cảnh quan có phần nhếch nhác.

Với đà phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, cả nước đón khách quốc tế trở lại, TPHCM cũng liên tục tung ra những tour du lịch thể hiện bản sắc văn hóa của TP. Tuy nhiên, để thực sự là điểm đến hấp dẫn và tạo tiềm lực cho ngành du lịch, dịch vụ phát triển, những tour tham quan mới, các tuyến phố đi bộ là chưa đủ. Điều cần trước mắt là bộ mặt mỹ quan đô thị, thẩm mỹ và mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng, nhất là khu vực trung tâm. Bởi nó là điểm tiếp cận đầu tiên với cộng đồng, du khách khi đến một địa phương, khu vực và thể hiện rõ trình độ dân trí, sự phát triển của đô thị hay vùng miền. 

TPHCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, là trung tâm kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, dấu ấn thẩm mỹ và mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng vẫn chưa xứng tầm với đô thị nhất nhì trong cả nước. Hiện nay, vấn đề mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng ở đô thị TPHCM vẫn còn rất nhiều bất cập, về sự kết hợp giữa không gian cảnh quan với kiến trúc, điêu khắc, hội họa hay các thiết bị mỹ thuật ứng dụng... 

TPHCM hiện có rất nhiều công viên sở hữu cảnh quan đẹp. Các công viên này, cùng với công trình kiến trúc, những trục đường giao thông mới đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của TP. Bên cạnh đó, việc xây dựng các trung tâm văn hóa, kinh tế, dịch vụ công cộng, giao thông hiện đại... đã góp phần tăng thêm vẻ mỹ quan cho TP, mang dáng dấp của một đô thị hiện đại và thu hút nhiều người dân tham gia vào các hoạt động cộng đồng. 

Tuy nhiên, các công trình trên mới chỉ đảm bảo được yếu tố về công năng sử dụng mà chưa thể hiện được chức năng thẩm mỹ, văn hóa của một công trình công cộng. Các công viên văn hóa của TP đang thiếu bóng dáng của các tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc, hội họa có chất lượng nghệ thuật. Những tác phẩm điêu khắc hiếm hoi ở một số công viên phần lớn là tượng mỹ nghệ, được thực hiện bởi những nghệ nhân chứ không phải bởi các nhà điêu khắc chuyên nghiệp.

Vấn đề xây dựng một môi trường mỹ thuật đô thị văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và những đòi hỏi chính đáng ngày càng cao về một cuộc sống tinh thần phong phú của mỗi người dân, thực sự là vấn đề cấp thiết. 

Cần chấn chỉnh và tổ chức lại không gian công cộng, trả lại mỹ quan cần và phải có, xứng tầm với diện mạo trung tâm của đô thị hàng đầu phía Nam. Đây cũng là một giải pháp tích cực, để phục vụ tốt đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao trình độ thẩm mỹ cộng đồng, góp phần vào việc xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa, con người TP. 

Tin cùng chuyên mục