Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản gắn bao tiêu đầu ra

Hậu Giang đang kêu gọi đầu tư 21 dự án nông nghiệp, trong đó có 7 dự án đầu tư vào Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, 14 dự án nằm ở các khu, cụm công nghiệp tỉnh phục vụ chế biến, vị trí các dự án nằm gần vùng nguyên liệu, giao thông thuận lợi. 
Nông sản của Hậu Giang từng bước được kết nối với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra
Nông sản của Hậu Giang từng bước được kết nối với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra

Sản phẩm OCOP lên ngôi

Tháng 9-2022, nông dân nuôi cá thát lát tại Hậu Giang vui mừng khi giá cá bật tăng cao, được tiêu thụ mạnh. Cụ thể, cá thát lát được thương lái mua với giá từ 95.000-100.000 đồng/kg, tăng 30.000-40.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2022. Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, giá cá thát lát tăng mạnh do sức tiêu thụ trên thị trường tăng cao. Sức tiêu thụ tăng, đặc biệt là sau khi các món ăn từ cá thát lát (tỉnh Hậu Giang), các món ăn từ sen (Đồng Tháp); các món ăn từ cá ngừ đại dương (Phú Yên); các món ăn từ dừa (Bến Tre) được công nhận kỷ lục châu Á vào tháng 8-2022. 

Cá thát lát tại Hậu Giang là loại cá thịt ngọt, thơm ngon và thịt cá có độ dai dẻo gắn với vùng nuôi sinh thái đặc thù bán nhật triều của Hậu Giang. Ngoài tự nhiên, hiện nông dân Hậu Giang nuôi hàng trăm hécta, bán cho nhiều cơ sở kinh doanh và các HTX bán buôn tại ĐBSCL, TPHCM và Hà Nội. Các cơ sở kinh doanh, chế biến, nhà hàng trên địa bàn đã sản xuất đa dạng sản phẩm từ cá thát lát như: cá thát lát rút xương, chả cá thát lát, cá thát lát viên, thát lát muối sả… gắn với các món ăn như: lẩu cá thát lát khổ qua, gỏi cá thát lát, cá thát lát đút lò sốt phô mai, cá thát lát sốt kiểu Singapore… Cái hay của Hậu Giang là các cơ sở chế biến cá thát lát đã đóng gói chuyên nghiệp, hàng chục sản phẩm từ cá thát lát đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) như: cá thát lát rút xương tẩm gia vị, cá thát lát rút xương tẩm vị sả ớt, khổ qua rừng nhân chả cá thát lát, bánh phồng cá thát lát của HTX Kỳ Như đều đạt chuẩn 4 sao. Hậu Giang đã công nhận 105 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm 4 sao; 57 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP là các mặt hàng được chế biến từ cá thát lát.

Trong gần 10 năm qua, UBND tỉnh Hậu Giang và Trường ĐH Cần Thơ đã thực hiện ký kết bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa 2 đơn vị với mục tiêu nhằm chia sẻ tiềm lực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo, tạo sự gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả hơn trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, khai thác tối đa nguồn lực. Tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ tham gia đề xuất, tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh. Các đề tài, dự án thực hiện đã giúp Hậu Giang giải quyết các vấn về giảm thiểu thiệt hại trong canh tác lúa, sử dụng tiết kiệm nước tưới và phân bón, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng được các mô hình cải thiện sinh kế nông hộ vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu…

Kết nối vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến

Hậu Giang đang kêu gọi đầu tư 21 dự án nông nghiệp, kèm theo đó là 8 chính sách ưu đãi, hỗ trợ với các nhà đầu tư: miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản….

Hiện diện tích gieo trồng lúa cả năm của Hậu Giang là 189.000ha, sản lượng đạt trên 1,2 triệu tấn; diện tích cây ăn trái trên 43.000ha, sản lượng đạt 400.000 tấn; 8.100ha nuôi thủy sản, tổng sản lượng đạt 80.000 tấn. Hậu Giang xác định 5 loại nông sản chủ lực cùng 4 loại nông sản đặc trưng để tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư dây chuyền nước ép trái cây tại Hậu Giang. Theo đó, nhà máy Tiến Thịnh giai đoạn 1 có diện tích 3.600m2, gắn với dây chuyền nước ép và cô đặc trái cây Manzini, công suất sản xuất tối đa 10.000 tấn thành phẩm/năm, tương đương 50.000 tấn nguyên liệu/năm cùng với 2 hầm đông gió và kho lạnh có sức chứa 500 tấn. Đây được xem là doanh nghiệp đầu tiên quan tâm đến hệ thống logistics dịch vụ.

Ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, cho hay, hiện doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại để chế biến các loại trái cây thành 3 dòng sản phẩm chính gồm: trái cây tươi, trái cây sấy dẻo và nước ép để cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. Phía doanh nghiệp mở rộng liên kết với các HTX, đại lý thu mua để hướng dẫn quy trình canh tác theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP... gắn với ký kết hợp đồng bao tiêu nguyên liệu. Đây là chiến lược của doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, góp phần phát triển vùng nguyên liệu bền vững; xây dựng chuỗi giá trị chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, từ khâu canh tác, sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp hy vọng, tỉnh sẽ sớm quy hoạch và hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo các tiêu chuẩn để phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang xác định từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn theo thứ tự ưu tiên: thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo”.

Tin cùng chuyên mục