Trong diễn đàn hôm nay, Báo SGGP trích giới thiệu các ý kiến về việc xây dựng ý thức tử tế với môi trường.
Chế tài nghiêm và ràng buộc rõ trách nhiệm
Lâu nay, rác thải luôn là vấn nạn gây đau đầu cho tất cả mọi người. TPHCM đã đầu tư nghiên cứu, thực hiện các biện pháp xử lý rác thải, song vẫn có nhiều bất cập bởi liên quan tới nhiều vấn đề nan giải như kinh phí, quỹ đất và ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư. Cách xử lý rác thải tối ưu nhất là giải pháp công nghệ, nhưng trong tình thế hiện nay TPHCM vẫn phải thực hiện cả 3 giải pháp: chôn lấp, đốt rác và phương pháp công nghệ sinh học.
Với các chất thải rắn và chất thải lỏng, khá dễ dàng để xác định ra địa điểm phát thải và các đối tượng phát thải (cơ quan, xí nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình, cá nhân). Cần có quy định ràng buộc các đối tượng phát thải, như phải xử lý chất thải hay phải trả phí khi thải ra môi trường. Với chất thải khí, do đặc điểm các nguồn phát thải di động hoặc khó xác định được lượng khí thải và nồng độ các chất độc hại, vì thế việc xác định cụ thể các đối tượng và căn cứ thu phí tương đối hơi khó.
Hiện nay, chúng ta cũng chưa tính toán xác định được các chi phí cho việc xử lý khắc phục các chất thải khí, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến khắc phục các tác hại của khí thải tới môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, không thể quy định mức thu phí để bù đắp chi phí xử lý đối với khí thải, mà chỉ có thể áp dụng thu thuế nhằm tác động đến ý thức và hành vi của đối tượng phát thải (chủ yếu là các đơn vị sản xuất), từ đó ngăn ngừa và hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí.
Với rác sinh hoạt thông thường, cần có giải pháp đồng bộ, từ việc nâng cao ý thức tự giác không xả rác bừa bãi của từng người dân và từng hộ gia đình, kết hợp Quỹ Tái chế chất thải TPHCM (Sở TN-MT) phổ cập kiến thức và bàn biện pháp cụ thể phân loại rác thải từ nguồn (qua các buổi họp tổ dân phố). Phạt nghiêm những cá nhân, đơn vị cố tình không chấp hành quy định và không phân loại rác từ nguồn. Thực hiện nghiêm biện pháp buộc khắc phục hậu quả bằng việc lao động công ích dọn vệ sinh khi phát hiện những trường hợp xả rác bừa bãi.
NGUYỄN SINH (ngsinhtphcm@gmail.com)
Tận dụng để hạn chế rác thải nhựa
Hiện nay, rác thải từ nhựa có mặt khắp nơi, khó phân hủy, gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sống và sức khỏe con người. Cần hạn chế rác thải nhựa, tuy nhiên, đây là vật liệu quan trọng trong sản xuất và đời sống, các sản phẩm tivi, điện thoại, xe máy, ô tô, đồ chơi, máy tính, đồ gia dụng... đều có vật liệu nhựa. Do vậy, cách khả thi là tận dụng để hạn chế rác thải nhựa. Đây là một cách vừa tiết kiệm, vừa thân thiện với môi trường.
Một khi chúng ta hạn chế mua đồ nhựa mới thì rác nhựa trên trái đất ít đi. Như thế cũng là cách bảo vệ môi trường. Chúng ta nên vận động thay thế thói quen tiêu dùng, ít mua đồ nhựa đi, làm cho sức cung sản phẩm nhựa ra thị trường sẽ giảm lại vì ít người mua. Hiện nay, vài siêu thị trong nước đã không bán ống hút hay những mặt hàng nhựa dùng một lần, đây là ý tưởng hay, cần nhân rộng và thực hiện lâu dài.
Việc thực hiện phân loại rác sẽ giúp hạn chế rác thải nhựa. Ở nhiều nước, người dân đã tự giác phân loại rác từ rất lâu, nhờ vậy mà có thể tái chế rác nhựa hoặc có cách xử lý thích hợp thay vì thải rác nhựa ra môi trường. Trong khi ở ta, dù chính quyền tuyên truyền rất nhiều, thậm chí là quy định phạt hành chính, nhưng vẫn chưa thực hiện được việc phân loại rác. Cần đưa việc phân loại rác tại nguồn thành ý thức, thành nghĩa vụ, thành nền nếp văn minh. Khâu thu gom, xử lý rác phải cải tiến thiết bị và công nghệ để đáp ứng được yêu cầu này.
ĐẶNG TRUNG THÀNH (huyện Bình Chánh, TPHCM)
Biến trào lưu sống xanh thành thói quen thường ngày
Để môi trường xanh sạch, nhiều cá nhân, tổ chức đã phát động trào lưu làm sạch đẹp môi trường, như dọn rác, trồng cây, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường... Tuy các trào lưu này được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, nhưng chỉ dừng lại ở chỗ tự khẳng định, đưa hình ảnh lên Facebook, chứ chưa tạo được thành nền nếp. Mặc dù thông điệp của những người khởi xướng rất tâm huyết, nhưng nhiều người hưởng ứng chỉ chạy theo trào lưu, hình thức, chứ chưa quan tâm thực sự đến môi trường.
Gần đây, nhiều siêu thị trong nước đã hưởng ứng cách làm của các siêu thị Thái Lan, tận dụng lá chuối gói hàng nhằm giảm rác thải nhựa. Về mặt an toàn sức khỏe, thân thiện môi trường và tính thẩm mỹ thì lá chuối tốt hơn nhiều so với bịch ni lông.
Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm cho việc môi trường bị ô nhiễm và phải ra sức sửa sai, bảo vệ. Ở nhiều quốc gia, họ đã thay đổi được cách nhìn của người dân với môi trường và họ đang ra sức tử tế với môi trường. Những túi giấy đựng thực phẩm được thay thế túi ni lông, cây xanh được trồng phủ bạt ngàn, gói hàng bằng vật liệu thiên nhiên... là minh chứng cho hành động tích cực đó. Vì thế cần vận động đi vào chiều sâu để biến trào lưu sống xanh thành thói quen hàng ngày.
NGUYỄN THANH VŨ (quận Tân Phú, TPHCM)