Xem tranh kể chuyện vùng cao

Triển lãm EM của họa sĩ Phan Anh Thư diễn ra từ nay đến giữa tháng 8, tại Amanaki Boutique Thảo Điền (10 Nguyễn Đăng Giai, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM), trưng bày 50 tác phẩm được chọn lọc từ hơn 500 bức tranh.
Một trong những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm và có thể được nhà sưu tập mua với mức giá dưới 10 triệu đồng/tác phẩm
Một trong những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm và có thể được nhà sưu tập mua với mức giá dưới 10 triệu đồng/tác phẩm

Mỗi tác phẩm mang một câu chuyện và ký ức riêng, tái hiện những cảnh vật đa dạng từ thành thị đến nông thôn, trải theo chiều dài đất nước qua các địa danh như: Tây Bắc, Hà Nội, Huế, Hội An, TPHCM... Toàn bộ doanh thu từ việc bán tranh tại triển lãm hướng đến việc quyên góp 600 triệu đồng, xây dựng nhà nội trú trong trường học cho các em nhỏ ở vùng núi Tây Nguyên.

Khác với những triển lãm nghệ thuật đơn thuần, tại triển lãm của EM, người tham gia không chỉ cảm nhận cảnh vật qua những bức tranh mà còn đắm chìm trong giai điệu riêng biệt của nơi mà họa sĩ Phan Anh Thư đã trực họa từng bức tranh. Phần âm thanh này do nhà sản xuất âm nhạc VRT hòa âm phối khí và sáng tác.

Là họa sĩ tự học, nhưng các tác phẩm trong triển lãm lần này của Phan Anh Thư không còn dừng lại ở ghi chép, ký họa, mà đã bắt đầu diễn họa, diễn ý và cả công bút, ý bút. Các mảng miếng, đậm nhạt và độ loang của màu được kiểm soát khá tốt, có chủ ý; không cứng nhắc, không tô vẽ. Một số bức đã biết tạo ra hiện thực, nghĩa là không còn nệ thực, thấy gì vẽ nấy, mà lược bỏ, sắp đặt hiện thực theo ý riêng.

Suốt 4 năm qua, Phan Anh Thư cũng thực hiện những chuyến Art-tour, trao những hộp màu đã được quyên góp đến tay các em và kết hợp tổ chức cuộc thi vẽ “Ước mơ của em” cho các em nhỏ tại một số khu vực vùng sâu vùng xa, khó khăn ở Lào Cai, Huế, Gia Lai, Lâm Đồng…

Anh Thư chứng kiến công cuộc “tìm chữ” cùng cuộc sống khó khăn của các em nhỏ ở vùng cao. Các em không thể đến trường hàng ngày vì ở xa và thường xin được ở lại nhà nội trú. Tuy nhiên, nhà nội trú ở đây nhỏ và không đáp ứng đủ số lượng các em. Các em thiếu vật dụng sinh hoạt, còn thức ăn hàng ngày chủ yếu là rau dại và măng rừng… Những câu chuyện góp nhặt được qua các chuyến đi được Anh Thư kể lại qua những bức tranh về cuộc sống và môi trường xung quanh.

Anh Thư chia sẻ: “22 tuổi - một con số rất nhỏ cả về tuổi nghề lẫn tuổi đời nếu so sánh trong môi trường sáng tác hội họa như các bậc tiền bối. Nhưng Thư vẫn luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ có cơ hội trưng bày những câu chuyện mà mình đã ghi chép bằng những bức tranh trên suốt chặng đường rong ruổi. Không mơ mộng gì quá to lớn, Thư chỉ mong những câu chuyện và khoản quỹ của mình sẽ có thể giúp các em được phần nào trong chặng đường tương lai phía trước”.

Tin cùng chuyên mục