Xem tranh thấy mình

Phòng tranh, theo cách hiểu của một số người chỉ đơn giản là nơi trưng bày và bán tranh, nhưng hơn thế nữa, đó còn là nơi để triển lãm tranh, là không gian trưng bày nghệ thuật…

Sắc màu xoa dịu

Triển lãm tranh với những tác phẩm mang nội dung và màu sắc Phật giáo, chưa bàn về kỹ thuật, bố cục, chất liệu thể hiện của họa sĩ, chỉ riêng chủ đề này đã được xếp vào nhóm kén người xem.

Nhưng triển lãm “Trong cái Không có gì không?” của họa sĩ Trần Nhật Thăng diễn ra vào đầu tháng 6, tại phòng tranh HAKIO - Let’s Art (đường Trần Cao Vân, quận 3, TPHCM), lại thu hút được khá nhiều bạn trẻ, những người muốn tìm các sắc màu xoa dịu chính mình trong bộn bề cuộc sống.

Không gian vừa đủ rộng của phòng tranh và âm thanh trao đổi cũng vừa đủ nghe, để nhường chỗ cho sự tĩnh lặng và thị giác thưởng thức tác phẩm. Hà Lệ Thanh (27 tuổi, nhân viên kỹ thuật phần mềm, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Nếu khoảng 3 năm trước đây, có lẽ tôi sẽ từ chối ngay lời mời đi xem triển lãm tranh, vì tôi thích xem phim điện ảnh hơn. Nhưng sau nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, nhất là sau khoảng thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19, tôi lại thích thưởng thức tác phẩm trong tĩnh lặng, tự mình chiêm nghiệm vẻ đẹp riêng của chúng”.

Khách tham quan triển lãm tại Vy Gallery

Khách tham quan triển lãm tại Vy Gallery

Tìm đến triển lãm sau khi nhận một thông tin không vui trong công việc, Hoàng Tân (25 tuổi, kỹ sư phần mềm, ngụ quận 12, TPHCM) tâm sự: “Công ty tôi ra quyết định kết thúc thời gian thử việc sớm và đợt này không tuyển nhân viên mới. Lúc nhận được thông báo tôi cũng không biết làm gì hơn, ngoài ôm nỗi buồn và ngồi một mình ở quán cà phê. Một người bạn giới thiệu tôi đến triển lãm để khuây khỏa một chút, dân kỹ thuật thì có biết gì về tranh ảnh, nhưng sau buổi xem tranh và trò chuyện cùng họa sĩ, tôi thấy lòng mình dần nguôi ngoai. Vấn đề vẫn do chính mình giải quyết, và tôi cũng nộp đơn ứng tuyển vào 2 công ty khác”.

Nghệ thuật thị giác và tương tác

Hội họa - lĩnh vực vốn trầm lắng so với nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác, nhưng sự quan tâm của công chúng với loại hình này gần đây bắt đầu tăng, thể hiện qua sự có mặt của các phòng tranh quy mô trong thành phố ngày càng nhiều.

Chị Quyên Trần, đại diện phòng tranh Vy Gallery, quận 1, TPHCM, chia sẻ: “Sau dịch Covid-19, nhiều người quan tâm đến hội họa hơn. Có lẽ trong khoảng thời gian mỗi người bị cô lập với xã hội, chúng ta tìm những phương tiện để giải trí, thỏa mãn trí tò mò và quan trọng hơn nâng cao bản thân. Khi đó, các giá trị nghệ thuật vốn quên lãng, được tìm trở lại. Với nghệ thuật, con người thêm hiểu cuộc sống, cảm nhận được các nét đẹp của từng khoảnh khắc sống”.

Nếu trước đây, triển lãm chỉ dừng ở mức một cuộc trưng bày của họa sĩ, người xem chủ yếu là bạn bè trong giới, sinh viên các trường mỹ thuật, thì xu hướng xem triển lãm ngày càng thu hút người trẻ. Và triển lãm cũng không dừng ở việc bày biện tác phẩm là xong, ở đó còn có không gian để người xem tương tác cùng tác phẩm, hay các buổi trò chuyện cùng giám tuyển, nghệ sĩ... được nhiều người quan tâm đăng ký.

Khán giả tìm đến hội họa, ít nhiều đều có gu thưởng thức nhất định, nhưng không ít phòng tranh trong thành phố hiện nay vẫn “thấp thỏm” trong mỗi cuộc trưng bày, bởi bảo hiểm chuyên nghiệp cho tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam hiện vẫn chưa có. Nhiều nơi vẫn dán thông báo, yêu cầu người xem không chạm vào tác phẩm.

“Phòng tranh cũng gặp không ít tình huống khó xử, có thể xuất phát từ lòng hiếu kỳ, các khách tham quan muốn thật sự chạm vào các tác phẩm đẹp, thu hút. Nhưng may mắn chưa đến mức gây thiệt hại, chúng tôi luôn cố gắng quan sát, nhắc nhở và hỗ trợ để mọi người khi đến xem tranh được thưởng lãm một cách thoải mái nhất”, chị Quyên Trần chia sẻ thêm.

Nếu nhìn ở góc độ một tác phẩm nghệ thuật có giá trị khi có người đồng điệu biết thưởng thức, việc nhiều khán giả ngày càng quan tâm đến các phòng tranh, hẳn là tín hiệu mừng trong quá trình nâng cao thẩm mỹ cộng động lẫn phát triển thị trường nghệ thuật.

Nhưng có lẽ niềm vui này cũng còn khoảng cách, khi mức độ quan tâm hội họa, số lượng phòng tranh trong một thành phố, giữa khu vực trung tâm và ngoại thành gần như là một cách biệt. Đơn cử như tại TPHCM, người ta có lẽ khó mà tìm thấy bất kỳ một phòng tranh nào ở khu vực ngoại thành. Điều này cũng dễ hiểu, bởi phòng tranh thương mại hay không gian nghệ thuật phi lợi nhuận đều cần khách tới…

Và khi còn chưa hiểu, thì làm sao người ta thấy hay và chưa thấy hay thì người ta tìm đến quán cà phê, hội chợ lô tô hay đơn giản là ăn vặt ở chợ đêm sẽ thú vị hơn chuyện đứng ngắm một bức tranh. Thế mới thấy, nâng cao thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật trong cộng đồng không phải là chuyện dễ dàng.

Tin cùng chuyên mục