Xin lỗi dân - Cần thực chất. Bài 3: Hãy gần dân hơn

Việc thực hiện quy định bắt buộc đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TPHCM phải xin lỗi dân nếu hồ sơ đến hẹn mà chưa có kết quả giải quyết đã thể hiện một bước tiến mới trong tiến trình cải cách hành chính và nét đẹp văn hóa ứng xử của công chức, viên chức trong việc xây dựng nền hành chính công theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và vì dân. Tuy nhiên, để quy định này đi vào thực chất, hiệu quả và có tác dụng nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, cũng cần có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, để việc xin lỗi dân trở thành một việc làm thường xuyên, tạo mối quan hệ thân thiện giữa chính quyền và người dân.
Xin lỗi dân - Cần thực chất. Bài 3: Hãy gần dân hơn

Việc thực hiện quy định bắt buộc đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TPHCM phải xin lỗi dân nếu hồ sơ đến hẹn mà chưa có kết quả giải quyết đã thể hiện một bước tiến mới trong tiến trình cải cách hành chính và nét đẹp văn hóa ứng xử của công chức, viên chức trong việc xây dựng nền hành chính công theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và vì dân. Tuy nhiên, để quy định này đi vào thực chất, hiệu quả và có tác dụng nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, cũng cần có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, để việc xin lỗi dân trở thành một việc làm thường xuyên, tạo mối quan hệ thân thiện giữa chính quyền và người dân.

  • Tăng cường giám sát

Thực tế cho thấy quy định bắt buộc xin lỗi dân vì trễ hẹn giải quyết hồ sơ có tác dụng chấn chỉnh đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền các cấp có trách nhiệm hơn khi giải quyết công việc của dân. Theo ông Ngô Văn Bình, Phó phòng TN-MT quận Thủ Đức, thời gian qua lĩnh vực cấp giấy chứng nhận nhà đất chịu áp lực rất lớn về tiến độ giải quyết hồ sơ cho dân. Mỗi tháng quận tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ nhà đất, nhưng tỷ lệ giải quyết đúng hẹn chỉ hơn 90%. Từ năm 2012 đến nay các cơ quan hành chính trong quận chưa xin lỗi người dân nào về sự chậm trễ trong giải quyết hồ sơ hành chính. Do vậy, cần phải có quy chế cụ thể để công khai, giám sát việc xin lỗi dân thì mới hạn chế được tình trạng chậm trễ giải quyết hồ sơ hành chính.

Phòng cấp phép thành lập doanh nghiệp (Sở KH-ĐT) lúc nào cũng quá tải người dân đến làm các thủ tục hành chính. Ảnh: HOÀI NAM

Phòng cấp phép thành lập doanh nghiệp (Sở KH-ĐT) lúc nào cũng quá tải người dân đến làm các thủ tục hành chính. Ảnh: HOÀI NAM

Tại quận Bình Thạnh, ông Phan Văn Định, Chánh Văn phòng UBND quận, xác nhận tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn hiện nay chỉ đạt hơn 70%. Thời gian qua, quận cũng chưa có thư xin lỗi nào gửi đến người dân. Để thực hiện việc xin lỗi dân, quận đang xây dựng quy chế cho từng bộ phận theo một quy trình thống nhất cho từng loại thủ tục hành chính để có cơ sở kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và đơn vị giải quyết hồ sơ chậm trễ. Nguyên tắc trong thực hiện quy chế này là trễ hẹn dù bất cứ nguyên nhân nào đều phải xin lỗi và cá nhân nào, đơn vị nào làm trễ hẹn giải quyết hồ sơ phải trực tiếp đứng ra xin lỗi dân. Nếu tái diễn trễ hẹn nhiều lần sẽ bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật.

Cũng trên tinh thần này, huyện Nhà Bè đặt ra mục tiêu phấn đấu không để xảy ra trễ hẹn trong tất các lĩnh vực hành chính. Ông Hoàng Tiến Thụ, Chánh Văn phòng UBND huyện Nhà Bè, cho biết vào chiều thứ hai hàng tuần, Thường trực UBND huyện họp với các ngành liên quan nghe báo cáo tình hình giải quyết hồ sơ hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Bất kể trường hợp nào trễ hẹn đều phải có thư xin lỗi ngay, sau đó mới chỉ đạo biện pháp khắc phục và kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức làm trễ hẹn dân.

  • Chế tài cụ thể

Trong lĩnh vực thanh tra giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo Thanh tra TPHCM cho biết từ năm 2012 đến nay đã tiếp nhận gần 4.000 đơn, tỷ lệ đơn được giải quyết chiếm gần 90%. Thế nhưng, thời gian giải quyết đúng hẹn theo quy định của pháp luật chiếm chưa đến 50%. Hiện Thanh tra TP đang xây dựng quy chế xin lỗi dân gửi các đơn vị trong ngành để áp dụng bắt buộc cho tất cả các trường hợp giải quyết khiếu, nại tố cáo không đúng thời gian, không đúng luật và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBND quận 1, thư xin lỗi không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa của cán bộ, công chức khi trễ hẹn với dân mà còn có tác dụng kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính được thực thi đến đâu. Khi người lãnh đạo ký thư xin lỗi dân họ sẽ nắm được hồ sơ nào trễ hẹn, nguyên nhân trễ hẹn do đâu để chấn chỉnh. Do vậy, thư xin lỗi dân phải do người đứng đầu cơ quan hành chính ký, kèm với lời xin lỗi là cam kết thời hạn giải quyết cụ thể.

Còn theo Chủ tịch UBND quận 12 Trần Ngọc Hổ, việc xác định trễ hẹn lần 1, lần 2 để có cơ sở quy định việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức ở từng cấp, từng bộ phận gây sự phiền hà, chậm trễ cho người dân. Tới đây, quận 12 sẽ đẩy mạnh việc làm này để chấn chỉnh công tác điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền từ phường đến quận và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức với dân, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực hiện nay.

Tại quận Tân Phú, ông Lê Văn Trung, Chánh Văn phòng UBND quận, cho biết việc thực hiện xin lỗi dân được quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra tình trạng trễ hẹn phải giải trình nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục. Cán bộ, công chức nào thường xuyên giải quyết hồ sơ trễ hẹn sẽ bị xem xét chuyển làm công tác khác. Theo tinh thần này, từ tháng 11-2012 đến nay, quận đã xử lý 3 cán bộ, công chức tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất giải quyết hồ sơ trễ hẹn, gây phiền hà dân. Thời gian tới, quận sẽ duy trì việc xin lỗi dân vì trễ hẹn giải quyết hồ sơ hành chính trên tất cả các lĩnh vực; qua đó tạo sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ theo hướng gần dân, trọng dân và hết lòng phục vụ nhân dân.

"Trung bình mỗi tháng các cơ quan hành chính toàn thành phố tiếp nhận và giải quyết gần 20.000 hồ sơ hành chính các loại. Tỷ lệ giải quyết đúng hẹn chỉ vào khoảng hơn 80%, cá biệt có lĩnh vực chỉ 40% - 50%. Như vậy, mỗi tháng đã có hàng ngàn trường hợp trễ hẹn, trong khi các cơ quan hành chính gửi thư xin lỗi nhiều lắm là vài chục. Điều này cho thấy người dân vẫn còn phiền hà về thái độ phục vụ của các cơ quan hành chính hiện nay"

Ông LÊ HOÀI TRUNG,
Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TPHCM

HOÀI NAM – ÁI CHÂN – VÂN ANH

Xin lỗi dân - Cần thực chất

>> Bài 2: Trễ hẹn - Chuyện thường ngày

>> Bài 1: Mỗi nơi mỗi kiểu

Tin cùng chuyên mục