Xóa lỗ hổng nhân lực từ cơ sở

Xóa lỗ hổng nhân lực từ cơ sở

Là tỉnh nghèo nhưng Trà Vinh mạnh dạn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH. Đặc biệt, chương trình đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại cấp xã mang lại hiệu quả thiết thực. 4 năm thực hiện chương trình này, về cơ bản Trà Vinh đã xóa được lỗ hổng nhân lực từ cơ sở.

Xóa lỗ hổng nhân lực từ cơ sở ảnh 1

Cử nhân luật Huỳnh Sarên phụ trách công tác tư pháp xã Lương Hòa A.

Cuối 2002, Lý Thị Minh Diệu tốt nghiệp ngành ngoại thương-Đại học Cần Thơ (người đầu tiên của huyện Châu Thành) tình nguyện về xã Lương Hòa công tác theo lời kêu gọi của tỉnh.

Năm 2004, Lương Hòa tách ra thành lập thêm xã mới là Lương Hòa A, Minh Diệu cũng tiên phong về xã mới, phụ trách công tác tài chính, kế toán. Minh Diệu cho biết: “Công việc được bố trí rất phù hợp và phát huy được kiến thức đã học. Mình sẽ bám trụ với xã lâu dài”.

Cùng về xã mới với Minh Diệu là Huỳnh SaRên, cử nhân luật-Đại học Cần Thơ, được phân công phụ trách công tác tư pháp. Anh tâm sự: “Công việc hàng ngày rất nhiều: từ đăng ký khai sinh, chứng thực hồ sơ giấy tờ giao dịch, hòa giải, thi hành án, tư vấn pháp lý cho dân... Nhưng mình rất vui vì những gì đã học được áp dụng vào thực tế”.

Anh Nguyễn Thành Xuân - Chánh văn phòng UBND xã Lương Hòa A cho biết: “Là xã mới chia tách nên công việc rất bộn bề. 4 bạn sinh viên đại học (ngành luật, ngoại thương, nông nghiệp, kinh tế) về gánh vác khối lượng công việc nhiều nhưng hiệu quả vẫn khá cao. Các bạn còn trực tiếp tham mưu, đề xuất kịp thời nhiều sáng kiến hay cho lãnh đạo xã. Hiện tại ngoài Minh Diệu được kết nạp Đảng, Sarên đã tham dự lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, 2 bạn còn lại là những đoàn viên tốt đang được chú ý”.

Kỹ sư nông nghiệp Kim Sô Phan đăng ký về xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang năm 2002 với mong muốn góp phần chuyển hóa vùng đất nghèo khó quê nhà. Gần 4 năm qua, Long Sơn tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Kim Sô Phan đã giúp xã rất nhiều từ việc quy hoạch từng vùng sản xuất, xác định đúng cây trồng, vật nuôi đến, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Sự năng nổ và nhiệt tình của Kim Sô Phan được công nhận và cô kỹ sư trẻ này đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Trên đây chỉ là vài gương mặt trong tổng số 217 sinh viên đại học về xã công tác có nguyện vọng gắn bó lâu dài. Hầu hết giành được sự tín nhiệm của lãnh đạo và nhân dân nơi công tác. Đến nay, có 65 người được bố trí vào các chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 (nay là Nghị định 121/2003 NĐ-CP ngày 21/10/2003), 10 người được kết nạp Đảng, 2 người được bầu làm phó chủ tịch UBND xã…

Tháo gỡ những khó khăn về vấn đề con người, tỉnh Trà Vinh tập trung đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài về tỉnh công tác. UBND tỉnh Trà Vinh ban hành hai quyết định khuyến học, khuyến tài : Quyết định số 41/2001/QĐ-UBT (ngày 13-9-2001) về chính sách đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Quyết định 64/2002/QĐ-UBT, (ngày 21-11-2002) về việc thu hút người có bằng đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn.

Những người có bằng đại học về công tác tại xã, ngoài các chế độ, chính sách theo quy định còn được trợ cấp ban đầu 5 triệu đồng và 600.000 đồng tiền lương/tháng. Qua thời gian công tác khi được sắp xếp vào các chức danh theo Nghị định 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ thì ngoài các chế độ theo quy định, những người này được tỉnh trợ cấp thêm từ 300.000-400.000 đồng/tháng.

Riêng đối với đối tượng có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên đang theo học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ có nguyện vọng về Trà Vinh phục vụ lâu dài sẽ được tỉnh tạo điều kiện về chỗ ở và trợ cấp 35 triệu đồng đối với tiến sĩ và 20 triệu đồng đối với thạc sĩ.

Tuy các chính sách ưu đãi còn khiêm tốn so với một số nơi khác, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của một tỉnh nghèo, nên Trà Vinh mời gọi được những người tình nghĩa về công tác tại tỉnh. Đến nay, Trà Vinh đã có 1 tiến sĩ, hơn 100 thạc sĩ. Đặc biệt, 217 sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành luật, kinh tế, tài chính kế toán, xây dựng, nông nghiệp, công nghệ thông tin, thủy công… về công tác ở 66 xã, 9 phường, 7 thị trấn…
 
“Trà Vinh đã tạo được nguồn lực và sức bật mới từ cơ sở. Lực lượng về công tác ở xã, phường, thị trấn là người trẻ, có học thức, năng nổ, giàu nhiệt tình, làm việc hiệu quả cao. Và điều quan trọng nhất là có “đất dụng võ”, được bố trí công việc hợp lý, phù hợp năng lực chuyên môn” - ông Nguyễn Văn Ngàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh khẳng định.
 

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục