“Một chiều hóa” là phương thức đã, đang và sẽ còn tiếp tục được ngành chức năng TPHCM chú ý, nếu không muốn nói là ưu tiên lựa chọn khi tổ chức giao thông trên địa bàn, đặc biệt các điểm nóng giao thông.
Các điểm nóng giao thông trên địa bàn quận Gò Vấp là dẫn chứng tiêu biểu. Có thể nói quận Gò Vấp là một trong những địa phương có tình hình giao thông phức tạp thuộc hàng đầu thành phố, nhất là khi quận này nằm ở vị trí địa lý mang tính chất trung chuyển giao thông từ các quận huyện vùng ven như quận 12, Hóc Môn của TPHCM, Lái Thiêu, Thuận An của tỉnh Bình Dương vào trung tâm nội đô và ngược lại.
Chính bởi đặc điểm ấy, mật độ phương tiện giao thông luôn có khuynh hướng tập trung vào các trục chính như đường Quang Trung, Nguyễn Oanh, Nguyễn Văn Nghi, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Nguyễn Kiệm… Từ đó hình thành nên 3 “điểm nóng của điểm nóng” về nguy cơ ùn tắc giao thông, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Đó là khu vực ngã sáu Gò Vấp - nơi hội tụ toàn bộ các tuyến đường trục quan trọng của quận như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi…; khu vực Nguyễn Văn Nghi - Lê Lợi - Nguyễn Văn Bảo - Nguyễn Thái Sơn; và khu vực Lê Quang Định - Trần Quốc Tuấn - Nguyên Hồng - Phan Văn Trị.
Cả 3 điểm nóng này có điểm chung là hiện nay đa phần các tuyến đường trên đó đều có năng lực giao thông đã bị “ngộp” vì quá tải triền miên, đồng thời vị trí kết nối giao thông giữa các tuyến không thuận lợi, lại không có nhiều đường ngang giao cắt dạng bàn cờ để sẵn sàng “chia lửa” khi xảy ra ùn tắc giao thông.
Ngoại trừ đường Nguyễn Kiệm và Phạm Ngũ Lão đã được tổ chức giao thông một chiều đối với tất cả các loại phương tiện và đường Nguyễn Văn Bảo đang áp dụng cấm ô tô lưu thông hướng từ Nguyễn Thái Sơn đến Lê Lai, các tuyến đường còn lại đều là dạng lưu thông hai chiều đối với tất cả các loại phương tiện.
Tại ngã sáu Gò Vấp, tồn tại lớn nhất là tình trạng giao cắt giữa hướng lưu thông từ đường Quang Trung và đường Nguyễn Oanh đổ vào đường Nguyễn Văn Nghi với hướng lưu thông từ đường Phạm Ngũ Lão vào giao lộ. Nhiều ý kiến cho rằng đây là tồn tại gây ra nguy cơ cao về ùn tắc giao thông tại giao lộ huyết mạch thuộc loại hàng đầu quận Gò Vấp. Đã vậy, khả năng thông hành trên đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Văn Nghi quá kém so với lưu lượng xe thực tế vào giờ cao điểm.
Điểm nóng ngã sáu Gò Vấp còn có một điểm “khó” là ngay sát đây lại tồn tại một ngã tư lệch khác, giao lộ Nguyễn Kiệm - Hạnh Thông - Nguyễn Văn Công! Trong khi đó, điểm nóng Nguyễn Văn Nghi - Lê Lợi - Nguyễn Văn Bảo - Nguyễn Thái Sơn chủ yếu do bao quanh chợ Gò Vấp và Trường Đại học Công nghiệp mà bản thân các con đường đều nhỏ hẹp. Đất chật, người đông như nêm cối trong giờ cao điểm, đặc biệt hướng xe hai bánh của sinh viên rẽ trái từ Nguyễn Thái Sơn vào đường Nguyễn Văn Bảo vào giờ cao điểm sáng, nên hệ quả ùn tắc thường xuyên là không tránh khỏi.
Cuối cùng, điểm nóng Lê Quang Định - Trần Quốc Tuấn - Nguyên Hồng - Phan Văn Trị chủ yếu do đi qua khu vực kinh doanh, buôn bán, họp chợ phức tạp; mặt đường nhỏ hẹp trong khi lưu lượng xe nhộn nhịp suốt ngày.
Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 3, ông Võ Khánh Hưng, cho biết, từ thực tế khảo sát, nghiên cứu, khu xác định mấu chốt của phương án tổ chức lại giao thông tại 3 điểm nóng này là một chiều hóa.
“Một cách khái quát, phương án một chiều hóa có ưu điểm là sẽ giải quyết được các giao cắt gây xung đột giữa các hướng giao thông tồn tại ấy, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với các dự án đang hoặc sắp triển khai trên địa bàn như dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi hoặc các dự án thoát nước mà Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đảm trách” - ông Hưng nói thêm.
Theo dự kiến, việc một chiều hóa giao thông tại ngã sáu Gò Vấp sẽ được triển khai như sau: Đường Nguyễn Văn Nghi lưu thông một chiều tất cả các loại phương tiện hướng từ đường Nguyễn Thái Sơn đến ngã sáu Gò Vấp; đường Trần Thị Nghỉ lưu thông một chiều ô tô theo hướng từ ngã sáu Gò Vấp đến đường Phan Văn Trị, xe 2 bánh lưu thông hai chiều; đường Hạnh Thông lưu thông một chiều ô tô theo hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đến đường Nguyễn Kiệm, xe 2 bánh lưu thông hai chiều.
Tại điểm nóng Nguyễn Văn Nghi - Lê Lợi - Nguyễn Văn Bảo - Nguyễn Thái Sơn sẽ tổ chức cho đường Nguyễn Văn Nghi lưu thông một chiều đối với ô tô hướng từ đường Nguyễn Thái Sơn đến đường Lê Lợi. Chỉ cho phép xe buýt loại trung (dưới 30 chỗ) lưu thông hai chiều; đường Lê Lợi lưu thông một chiều đối với ô tô theo hướng từ đường Nguyễn Văn Nghi đến đường Lê Lai, xe 2 bánh lưu thông hai chiều; đường Nguyễn Văn Bảo cấm ô tô lưu thông, hành trình điều chỉnh là Nguyễn Văn Nghi - Lê Lợi - Lê Lai - Nguyễn Thái Sơn.
Trong khi đó với điểm nóng Lê Quang Định - Trần Quốc Tuấn - Nguyên Hồng - Phan Văn Trị thì đường Lê Quang Định lưu thông một chiều đối với ô tô theo hướng từ đường Lê Lợi đến đường Nguyên Hồng, riêng xe buýt loại trung (dưới 30 chỗ) được phép lưu thông hai chiều. Đường Nguyên Hồng lưu thông một chiều ô tô theo hướng từ đường Lê Quang Định đến đường Phan Văn Trị, còn đường Phan Văn Trị lưu thông một chiều ô tô theo hướng từ đường Nguyên Hồng đến đường Trần Quốc Tuấn, riêng xe buýt loại trung (dưới 30 chỗ) được phép lưu thông hai chiều cuối cùng đường Trần Quốc Tuấn lưu thông một chiều ô tô theo hướng từ đường Phan Văn Trị đến đường Lê Quang Định. Cấm ô tô rẽ trái từ đường Phan Văn Trị vào đường Trần Quốc Tuấn.
THIỆN NHÂN