Xuất ngoại

Việc chân sút Công Vinh được CLB C.Sapporo của Nhật Bản “ve vãn” với giá 5 tỷ đồng chưa biết kết quả tới đâu, nhưng từ đó lại thấy vui cho cầu thủ Việt giờ được quan tâm thật sự chứ không phải như nhiều vụ áp-phe trước đó. Nó cũng tương tự, mới đây có hai cầu thủ trẻ thuộc đội tuyển U19 VN sang Nhật thử việc chính ở đội bóng này.

Sự kiện C.Sapporo đeo theo chân sút xứ Nghệ mang yếu tố tích cực nằm ở khía cạnh chuyên môn, cũng như có ý nghĩa giúp cầu thủ Việt được chơi trong môi trường bóng đá có tính kỷ luật cao, đồng thời hấp thụ được văn hóa ứng xử của J-League mà V-League không có được.

Nếu gác lại tính thương mại hay PR mà nghĩ đến chuyện đá bóng cũng thấy nhiều cái được nếu như Công Vinh tiếp tục đến Nhật, lẫn sau này các cầu thủ trẻ khác nếu có điều kiện đến đó thi đấu. Cũng nhắc lại, J-League mùa này có quy định cầu thủ VN giống như cầu thủ nội.

Điều đó bắt đầu cho một mối quan hệ mà người Nhật cảm thấy chấp nhận năng lực của cầu thủ Việt chứ không phải như nhiều đội nước ngoài khác tìm đến VN vì những vấn đề ngoài bóng đá. Từ đó có thể thấy người Nhật đã xác định VN là thị trường đích thực.

Ngược lại, cầu thủ Việt dù ở trong nước có giỏi gì đi nữa thì khi đến môi trường J-League cũng phải “nhập gia tùy tục”, nhất là yếu tố kỷ luật và tính chuyên nghiệp tại đây khác xa so với ta. Tức là nhiều cầu thủ có “số” thường không chịu ngồi dự bị, hoặc giả có đi nữa cùng vì lý do bất khả kháng, nhưng khi đến đây thì dễ thấy cầu thủ dù đó là ngôi sao cũng phải chấp hành những quy định do CLB đề ra .

Nói cho ngay, Công Vinh nếu đến với C.Sapporo cũng chưa hẳn giành suất chính, nhưng nơi đó có nhiều thứ mà tại V-League tiền cũng không mua được. Người Nhật dành những ưu tiên cho cầu thủ Việt, ai cũng biết phía sau có mục đích riêng nhưng bù lại cầu thủ của ta được hưởng lợi và có trách nhiệm với bản thân hơn. Thay vì bằng lòng với hiện tại rồi không phấn đấu thêm nhưng khi nhìn ra ngoài lại chẳng bằng ai, đó là cái lợi không thể đo đếm được.

ĐỨC DŨNG

Tin cùng chuyên mục