Ngày 31-3, trong hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch” do Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia về du lịch, truyền thông, nhiều hạn chế, yếu kém của hoạt động xúc tiến du lịch đã được đưa ra bàn thảo, tìm lời giải.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chỉ ra dù TCDL có nghiên cứu thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam nhưng số liệu rất chung chung dẫn tới việc triển khai xúc tiến du lịch mờ nhạt, thiếu kết nối dẫn đến tình trạng mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, mạnh doanh nghiệp nào doanh nghiệp đó làm.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Golden tours cho rằng, hiện nay chưa có nghiên cứu thị trường tổng thể nên doanh nghiệp tự mày mò theo kinh nghiệm. Thậm chí, các dữ liệu về bản đồ, hình ảnh du lịch quốc gia, doanh nghiệp du lịch đều phải tự đi mua lẻ trên thị trường. Đáng lẽ những hình ảnh này có trong kho dữ liệu của TCDL. Đại diện các doanh nghiệp cũng dẫn chứng, tại Singapore, dữ liệu về từng thị trường khách, xu hướng thay đổi của từng thị trường đều được cập nhật trên trang web và từ đó các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác để điều chỉnh sản phẩm du lịch cụ thể.
Đồng tình với việc cần phải có chiến lực marketing thống nhất mang tầm quốc gia, tuy nhiên, ông Lê Quốc Vinh, Công ty LeBros với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực truyền thông, cũng lưu ý bên cạnh việc có một cơ quan xúc tiến du lịch cấp quốc gia trách nhiệm quảng bá cho quốc gia thì mỗi địa phương cũng nên chủ động là một điểm nhỏ trong chiến lược quảng bá quốc gia. Tính kết nối còn thể hiện ngay chính chất lượng của chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Có thực tế là khách hài lòng khi ở trong các khách sạn, resort… nhưng khi đi tới các nhà hàng, nơi buôn bán…, họ lại thường nhận được chất lượng dịch vụ không như mong muốn. Vì thế không chỉ cần có cơ sở tốt mà còn phải có cả môi trường du lịch tốt.
Thuê nhân lực, thu hút người tài
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng hiện công tác xúc tiến du lịch mới chỉ dừng ở mức độ truyền thông, trong khi đó, xúc tiến du lịch tại từng thị trường khách gắn với từng sản phẩm cụ thể thì gần như rất yếu. Song để làm công tác xúc tiến du lịch bài bản, nhất thiết phải thuê công ty nước ngoài có những nghiên cứu chuyên sâu từng thị trường với các chỉ số cụ thể. Từ đó mới lập chiến lược, kế hoạch và mục tiêu cụ thể.
Cùng chia sẻ này, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh yếu tố nhân lực khi khẳng định không có người giỏi có thể thuê. Nhiều cơ quan du lịch ở nước ngoài họ đều thuê nhân sự như TCDL Singapore chẳng hạn. Các nước họ thuê là bởi làm quảng cáo không thể giỏi bằng đại lý chuyên hoạt động trong lĩnh vực này, Las Vegas 34 năm thuê một đại lý, TCDL Singapore cũng thuê. Hay như VNA chẳng hạn, họ thuê hẳn một công ty nghiên cứu thị trường, nghiên cứu từng thị trường để đo chỉ số nhận biết thương hiệu của VNA ở mỗi thị trường đó, từ đó thay đổi cách nhận thức quảng bá thương hiệu để gia tăng chỉ số nhận biết của khách hàng… thương hiệu Việt Nam có khi cũng nên làm như thế - ông Vinh đề xuất.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng làm xúc tiến trước hết phải làm sản phẩm và phải đảm bảo chu kỳ ít nhất 5 năm là có sản phẩm mới thì mới có có thể giữ được khách cũ và có khách mới. Ví dụ như 5 năm rồi Singapore tạo ra một resort Sentoza, Mariana bay, tiếp tục thu hút khách cũ và tăng khách mới, tăng trưởng 30%, đạt 30 triệu khách du lịch. Có sản phẩm mới có thể “nuôi” được xúc tiến, quảng bá.
Tiếp thu những ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng TCDL cho biết, do cơ chế dùng ngân sách nên có những hạn chế nhất định trong xúc tiến quảng bá. Để thay đổi điều này, TCDL đang nghiên cứu xây dựng Quỹ xúc tiến du lịch quốc gia trên cơ sở Luật Du lịch. Đồng thời, kế hoạch xúc tiến du lịch cũng được gửi sớm cho địa phương để địa phương căn cứ vào nguồn lực và mục tiêu của từng thị trường để tham gia xúc tiến, quảng bá với TCDL.