Qua các vụ việc trên cho thấy, dù đã có quy định niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm. Như đã hằn vào nếp nghĩ của nhiều người rằng vào những ngày lễ, tết rất dễ bị “phụ thu” từ vài chục đến hàng trăm phần trăm; hoặc nếu không phụ thu thì chất lượng hàng hóa, đồ ăn uống cũng rất tệ. Thêm nữa, dịp nghỉ lễ, nhiều khách hàng lại than phiền chất lượng dịch vụ của một số hãng xe tên tuổi, khi khách vừa phải chịu giá cao, vừa lo lắng vì bị nhồi nhét, bít bùng trong xe; hay việc giá vé máy bay tăng gấp đôi so với ngày thường, nhưng không phải ai cũng mua được. Dư luận dường như có phần “cam chịu” tình trạng đồ ăn thức uống trong sân bay cao hơn gấp nhiều lần nếu so với giá bán bên ngoài. Tình trạng tương tự khi giá bán chai nước suối, gói thuốc lá, hay tô phở,… tại trạm dừng chân trên đường cao tốc cũng cao hơn hẳn giá bán bên ngoài.
Cách quản lý hiệu quả nhất với ngành du lịch vẫn là công khai giá hàng hóa, dịch vụ đối với các cơ sở kinh doanh. Cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện doanh nghiệp, người bán không công khai thì phạt nặng. Khi có bảng giá cụ thể, việc ăn món gì, ở đâu là do lựa chọn của khách hàng. Đối với các dịch vụ mang tính độc quyền như máy bay, xe khách, cần có sự can thiệp mạnh hơn của nhà nước. Cần xem xét việc cho tăng giá vé mỗi dịp lễ tết như thế nào là phù hợp; đối với hàng hóa bán tại các trạm dừng chân trên đường cao tốc, bán trong sân bay cũng vậy, cần rà soát lại, dựa trên cơ sở nào để định ra mức giá cao ngất ngưởng.
Việt Nam định hướng là điểm đến thân thiện, thu hút du khách quốc tế; ngành du lịch sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Do vậy, cần phải giải quyết triệt để tình trạng “chặt chém” trên góc nhìn tổng thể, đừng vì cái lợi nhỏ mà quên cả đại cuộc.