- Tiếp tục giao tranh
Sáng 24-4, Tân Hoa xã đưa tin binh sĩ Thái Lan và Campuchia đã đấu súng hạng nặng qua lại. Đại tá Suos Sothea, chỉ huy quân đội Campuchia tại hiện trường, cho biết hai bên đã nã đạn cối vào nhau. Phía Thái Lan cũng đã xác nhận việc tái bùng phát các vụ đụng độ.
Các cuộc giao tranh mới nhất xảy ra gần một khu đền cách Preah Vihear hơn 100 km. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp xảy ra giao tranh tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Campuchia – Thái Lan. Tính đến chiều 24-4, đã có ít nhất 10 người ở cả hai bên (6 binh sĩ Campuchia và 4 binh sĩ Thái Lan) thiệt mạng trong hai vụ giao tranh ngày 22 và 23-4.
TTXVN đưa tin khoảng 20.000 - 25.000 người dân ở các bản làng thuộc một số huyện tại tỉnh Surin và tỉnh Buri Ram của Thái Lan đã sơ tán khỏi khu vực biên giới, nơi diễn ra cuộc giao tranh. Trong khi đó, nguồn tin từ Ủy ban quản lý thảm họa quốc gia Campuchia cho biết gần 1.450 gia đình người Campuchia đã được sơ tán tới một địa điểm an toàn cách khu vực giao tranh khoảng 30 km.
- Đổ lỗi qua lại
Cho tới nay, hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau về các vụ giao tranh kể trên. Bộ Quốc phòng Campuchia cáo buộc binh sĩ Thái Lan đã bắn hàng trăm quả đạn vũ khí hạng nặng vào các khu vực dân thường và đang cố chiếm đền Ta Moeung trong khu vực. Tuy nhiên, chiều 22-4, các quan chức quân đội Thái Lan lên truyền hình bác bỏ các cáo buộc trên và tố cáo Campuchia đã nổ súng sau khi nỗ lực bao vây khu đền này. Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, sẽ gửi bức thư phản đối Campuchia về việc binh sĩ của họ đã đi vào vùng đất của Thái Lan, dẫn tới các vụ đụng độ.
Bộ Quốc phòng Campuchia cáo buộc binh sĩ Thái Lan sử dụng các loại vũ khí tinh vi như súng hạng nặng, súng máy và súng cối để bắn những quả pháo 105mm, 130mm, 155mm “có chứa khí độc” và thậm chí bom chùm vào lãnh thổ Campuchia.
Campuchia khẳng định có 4 binh sĩ nước này bị thương nặng do nhiễm độc từ loạt đạn pháo hóa học của phía Thái Lan. Bộ Quốc phòng Campuchia đang nghiên cứu vụ việc nghiêm trọng này vì việc sử dụng khói độc có thể bị coi là tội ác chiến tranh. Máy bay Thái Lan còn hỗ trợ các cuộc tấn công, trong đó máy bay do thám “đã bay sâu vào lãnh thổ Campuchia”.
Có tin quân đội Thái Lan đã được đặt trong tình trạng báo động cấp cao nhất và quân tăng viện đang được điều đến vùng giao tranh giữa hai nước. Tại Bangkok, Ngoại trưởng Kasit Piromya đã phủ nhận những cáo buộc trên, kêu gọi Thủ tướng Campuchia Hun Sen “nhanh chóng đưa đất nước trở lại bàn thương lượng”. Ông Kasit khẳng định Thái Lan và Campuchia có những cơ chế đối thoại song phương.
Trước đó, Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya được báo Bangkok Post dẫn lời nói rằng, Thái Lan và Campuchia đang có những cơ chế hiện hành để giải quyết vấn đề tranh chấp như JBC, Ủy ban biên giới chung (GBC) và Ủy ban biên giới vùng (RBC).
- ASEAN, LHQ kêu gọi hai bên kiềm chế
Nguồn tin Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia cho biết, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa sẽ có mặt tại Campuchia trong ngày 25-4 để thảo luận với nước chủ nhà về diễn biến mới nhất của các vụ giao tranh dọc đường biên giới Thái Lan - Campuchia.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong, dự kiến trong ngày 25-4, Ngoại trưởng Indonesia sẽ ký với người đồng cấp Campuchia Hor Namhong thỏa thuận cho phép triển khai các quan sát viên Indonesia ở vùng biên giới Campuchia - Thái Lan. Sau đó, ông Nalalegawa cũng sẽ sang Bangkok để ký thỏa thuận tương tự với Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya.
Các nhà phân tích cho rằng, chuyến công du mới nhất của Ngoại trưởng Natalegawa là nỗ lực mạnh mẽ của Indonesia, nước hiện là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhằm làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột đang có nguy cơ leo thang hiện nay giữa hai nước thành viên ASEAN này.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 23-4 cũng đã hối thúc Campuchia và Thái Lan ký một thỏa thuận ngừng bắn sau các cuộc đụng độ tại biên giới chung.
Hạnh Chi
- Campuchia - Thái Lan tiếp tục đấu súng