Y liệu hộ thân

“Bác sĩ Google” gần như là từ khóa của nhiều bạn trẻ trong việc tư vấn dùng thuốc, chữa bệnh khi gặp trục trặc về sức khỏe, chưa kể những hội nhóm trực tuyến trên mạng xã hội. Không ít người hậu “tra Google” thì mơ hồ trong mớ thông tin từ Tây y sang Đông y.
Bạn trẻ tham quan triển lãm “Y liệu hộ thân”
Bạn trẻ tham quan triển lãm “Y liệu hộ thân”

Lên mạng hội chẩn

Trong nhịp sống 4.0 của những “công dân số”, bạn trẻ mạnh dạn chịu chi cho những sản phẩm, dịch vụ phát triển bản thân, hay chăm sóc sức khỏe. Không chỉ kiến thức y khoa, mà cách dùng dược phẩm phần lớn cũng được tư vấn từ “bác sĩ Google”, hay các hội nhóm chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội. Chỉ cần từ khóa “khỏe” và “đẹp” là người trẻ sẵn sàng tốn bạc triệu để mua.

Lo lắng ảnh hưởng sức khỏe hậu Covid-19, thay vì đến bệnh viện kiểm tra tổng quát, Văn Thành Dũng (25 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) chi hơn 4 triệu đồng để mua bộ trà đông trùng hạ thảo từ một tài khoản bán hàng trực tuyến trong nhóm “Giúp nhau mùa dịch” trên mạng xã hội. “Hậu Covid-19, tôi lo sức khỏe giảm sút, nhiều bài viết trong nhóm tư vấn cách dùng trà đông trùng hạ thảo tăng sức đề kháng khá hay. Họ chỉ ra những triệu chứng y chang như tình trạng của tôi, nên tôi mua thử. Đóng gói cẩn thận và giao hàng nhanh lắm, nhưng hoàn toàn không có nhãn mác, tem mạc gì hết, chỉ có tờ giấy nhỏ ghi cách sử dụng, không có mùi hắc nhưng cũng không có mùi thảo mộc…”, Thành Dũng kể lại.

Theo WHO (Tổ chức Y tế thế giới), hiểu biết về tự chăm sóc sức khỏe (Self-care Literacy) chính là phương án tối ưu được sử dụng thay cho việc chỉ phụ thuộc vào hệ thống và cơ sở y tế hiện tại. Self-care theo định nghĩa của WHO, là khả năng mà mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng cùng tăng cường chăm sóc, bảo vệ, duy trì sức khỏe và chống lại bệnh tật khi có, hoặc không có sự giúp đỡ của chuyên viên y tế. Và ở Việt Nam, có một dự án phi lợi nhuận đã tìm ra cách để Self-care Literacy đến với nhiều người.

Dự án cộng đồng phi lợi nhuận “Vietnam Self-care” bắt đầu bằng những bài viết chia sẻ kiến thức y tế trên mạng xã hội qua fanpage “Vietnam Self-care - Kiến thức y tế dễ hiểu” và chuỗi triển lãm “Y liệu hộ thân” diễn ra trong tháng 9-2022, tại chuỗi văn phòng chia sẻ (Toong Co-working Space) nhằm mục đích nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tự thân trong cộng đồng, cũng như đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe của nhiều người tăng mạnh sau đại dịch.

Truyền thông định hướng

Lấy cảm hứng dân gian với tục lệ xin bùa cầu may, cầu bình an sức khỏe của người Việt, triển lãm “Y liệu hộ thân” chia sẻ những mẹo vặt chữa bệnh thông qua những tấm sticker (nhãn dán) mô phỏng “lá bùa”, để nhắc nhở mỗi người cẩn trọng trước những quan niệm chữa trị dân gian và luôn trau dồi kiến thức về tự chăm sóc sức khỏe.

Được tặng “bùa hộ thân” sau khi tham quan triển lãm, Mai Khánh Ngọc (22 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Tôi theo quan điểm không lạm dụng thuốc tây, vì có những bài thuốc dân gian rất hữu hiệu trong việc trị bệnh. Nhưng dân gian thì thường “tam sao thất bản”, có phương thuốc truyền lại cũng bị hiểu sai một vài chỗ. Qua triển lãm này, tôi phát hiện ra nhiều điều rất hay, như cách ngửa đầu khi chảy máu cam sẽ giúp giảm chảy máu, là điều trước giờ mình hiểu nhầm rồi”.

Chia sẻ về tâm huyết với dự án “Vietnam Self-care”, Nguyễn Thanh Vy (Trưởng dự án) thổ lộ: “Tôi từng tham dự Cannes Lions ở Pháp là festival sáng tạo lớn nhất thế giới năm 2017, ở đó tôi được chứng kiến sức mạnh của truyền thông ảnh hưởng tích cực lên đời sống của con người, lên nhận thức và hành vi chăm sóc sức khỏe.

Khi về Việt Nam và công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đi đến các nhà thuốc, bệnh viện, tôi thấy thương người dân, ánh mắt họ gửi trao niềm tin và hy vọng hoàn toàn vào bác sĩ, ai bảo gì làm nấy, hoàn toàn không có hoặc có rất ít kiến thức cơ bản để khi cần có thể sử dụng đến (ví dụ như cách sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, đọc nhãn thuốc cơ bản, cách mô tả bệnh, hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc, hiểu về hệ thống chăm sóc sức khỏe để khi cần tìm đến đúng nơi). Và ngay chính người thân cũng dễ mua nhầm thực phẩm chức năng quảng cáo tràn lan như là thuốc chữa bệnh. Tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình để góp phần nâng cao nhận thức về tự chăm sóc sức khỏe và sự cần thiết của nó đến với mọi người quanh mình”.

Có thể hiểu “Vietnam Self-care” trình bày đơn giản các kiến thức y học, dễ ứng dụng cùng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, như cách làm những tấm sticker như trên. Bên cạnh đó, dự kiến vào tháng 11-2022, dự án tổ chức workshop trực tiếp, trực tuyến để tăng cường chia sẻ và hỏi đáp với y bác sĩ và người dân.

“Các thành viên thực hiện bài viết chia sẻ kiến thức y học của dự án đều có bằng dược sĩ, các thành viên còn lại điều phối dự án, cộng tác viên truyền thông đều công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên 3 năm kinh nghiệm tại các công ty dược đa quốc gia mảng OTC (thuốc không kê toa), vaccines. Và chúng tôi tổng hợp kiến thức từ các nguồn đang tin cậy của Việt Nam”, Thanh Vy chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục