Các tác phẩm của nghệ sĩ ý niệm Danh Võ (Võ Trung Kỳ Danh, sinh năm 1975 tại Bà Rịa, đến Đan Mạch năm 1979) đang làm mưa làm gió từ bảo tàng hàn lâm đến các nhà đấu giá chuyên nghiệp trên thế giới.
Cuối tháng 5-2018, tác phẩm 165- W (165 độ Tây, vàng lá trên thùng carton, 91 x 173 cm, 2011) của Danh Võ lên sàn đấu giá Christie’s Hong Kong, với giá dự kiến từ 153.532 - 204.709USD, kết quả bán hơn 356.000USD, tương đương 8 tỷ đồng. Tác phẩm này thực chất là miếng băng keo dán hình chữ X, mà Danh Võ tình cờ nhìn thấy trên vỏ thùng carton cũ của nhà sản xuất đồ uống chai nhựa ở Thái Lan.
Tháng 3-2018, tại sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong, chữ A bán hơn 302.000USD. Tháng 10-2014 tại Sotheby’s London, số 9 bán hơn 504.000USD. Tháng 5-2015 tại Sotheby’s New York, vỏ thùng Coca-Cola bán 466.000USD; chữ cái L bán 700.000USD.
Tháng 12-2015 tại sàn đấu giá Phillips New York, chữ B bán với giá 329.000USD… Đây là vài trong hàng chục ví dụ về sự thu hút thị trường của Danh Võ hiện nay, mà các tác phẩm chỉ là nhũ vàng quét trên các vỏ thùng carton cũ.
Đó là ở khía cạnh thị trường mua bán, ở khía cạnh hàn lâm, tên tuổi của Danh Võ xuất hiện rộng rãi ở các bảo tàng, sự kiện nghệ thuật danh giá từ New York, Berlin, London, Copenhagen, Kassel, Barcelona… cho đến Thượng Hải, Bregenz, Bangkok…
Nghệ sĩ Danh Võ
Với nhiều người làm nghệ thuật chuyên nghiệp cả đời, chỉ cần được vinh danh tại một trong những địa điểm vừa nêu một lần, đã là mãn nguyện, vậy mà danh sách sự kiện sắp diễn ra của Danh Võ còn rất dài.
Danh Võ thu thập các vỏ thùng carton cũ này từ khắp 5 châu, trong đó có Việt Nam, Thái Lan. Anh mượn nó để ẩn dụ cho vỏ của chữ viết, nơi mà người Việt có tiếng nói riêng từ sơ khai, nhưng chữ viết thì phải du nhập và phái sinh.
Như cha anh là một nhà thư pháp, khi đến Đan Mạch định cư, chữ viết xứ này không phù hợp phong cách đã ổn định của ông, nên ông phải tìm một lối viết mới để giữ bản sắc nghệ thuật. Bảng chữ cái này, vì vậy mà đan xen các câu chuyện tự truyện và chính trị xã hội, một biểu tượng cho quá trình chu du của bản sắc địa phương ra thế giới.
Trong một bài bình luận lớn, tờ New York Times mô tả Danh Võ như là một nghệ sĩ biết sử dụng tất cả những gì hiện có xung quanh để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.
Anh lấy khả năng chơi bài của mình để bày ra một sân chơi bằng chính những chất liệu là lịch sử và kinh nghiệm bản thân đã trải qua để khán giả cùng tham gia vào cuộc chơi và thưởng thức.
Một ví dụ khác, với tác phẩm Vo Rosasco Rasmussen (2003), Danh Võ đã tổ chức cưới và ly hôn đồng tính với bạn mình để thay đổi tên họ và trưng bày toàn bộ những giấy tờ đó - từ giấy kết hôn, giấy ly hôn, cho đến hộ chiếu, thẻ ngân hàng… với tên tuổi bị thay đổi.
Nhiều nước ở Tây phương khác Việt Nam, đó là khi kết hôn, trong cương vị người vợ - dù là đồng tính - thì cũng dễ mất họ riêng, phải mang họ chồng. Ví dụ như diễn viên Tôn Nữ Yên Khê khi lấy đạo diễn Trần Anh Hùng thì bị đổi tên thành Trần Nữ Yên Khê.
Danh Võ có tên tiếng Việt là Võ Trung Kỳ Danh, anh luôn cố gắng giữ tên mình, nhưng qua quá trình cọ xát, từ các thủ tục nhập cư, giấy tờ, pháp lý, cuối còn lại là Danh Võ, tức họ Võ tên Danh. Anh luôn ý thức giữ dấu cho họ của mình, nên trong nhiều ngôn ngữ không có dấu, trên chữ O sẽ là một gạch ngang, một ký hiệu, hoặc một dấu chấm.
Một trong những thế mạnh và sức mạnh của nghệ thuật ý niệm là việc chia sẻ được ý niệm của tác phẩm đến người xem. Danh Võ thành công vì anh đã nhanh chóng được các môi trường hàn lâm và thị trường chuyên nghiệp chia sẻ.
Làm sao gìn giữ bản sắc - thông qua cái tên, ký hiệu căn bản - không là câu hỏi của riêng ai, mà là một biểu hiện của toàn cầu hóa, nơi bản sắc riêng dễ bị phai mờ, bị nuốt chửng.
Nói như Lão Tử: “Danh khả danh phi thường danh” (không có tên gọi thì sự vật, hiện tượng, cá nhân không tồn tại, mà dễ dàng gọi được tên thì lại quá tầm thường). Qua sự trăn trở với 25 chữ cái, Danh Võ truy vấn đề về điều này.
Danh Võ chia sẻ: “Tôi không thực sự tin vào câu chuyện riêng tư của mình và nó cũng không phải là một điều gì quá kỳ dị. Nó như tự đan dệt vào và tự đi ra khỏi những câu chuyện riêng tư của mỗi người để hòa nhập vào dòng lịch sử địa phương và lịch sử địa chính trị. Tôi thấy bản thân mình, giống như bất kỳ người nào khác, như một toa tàu, nơi thừa hưởng những dấu vết vô hạn của lịch sử, nhưng lại không thể kế thừa bất kỳ điều gì cụ thể. Vì vậy, tôi cố gắng bù đắp cho điều này, cố gắng hiểu nó và cho nó một hướng đi cho bản thân mình”.
Để bớt tổn thương cho người sáng tạo, người ta gọi tác phẩm nghệ thuật là hàng hóa đặc biệt, chứ thực chất cũng chỉ là một hàng hóa. Nghĩa là nó phải chịu sự chi phối của quy luật mua bán và thị trường, muốn tăng giá, phải được sang tay nhiều lần; phải chuyển từ giao dịch sơ cấp sang thứ cấp, đa cấp và cao cấp.
Các tác phẩm ABC của Danh Võ có thể vô nghĩa và vô dụng với nhiều người, nhưng với một nhóm người trong cộng đồng thị trường nghệ thuật đương đại, nó lại rất giá trị và có giá cao ngất ngưởng.
Chừng 10 năm trước, các bìa carton này chỉ có giá trung bình dưới 50.000USD, bây giờ đã hơn 300.000USD tại các phiên đấu giá. Tốp 10 nhà đấu giá danh tiếng và xa xỉ nhất của thế giới đang rất hào hứng. Chỉ chừng 2-3 năm nữa thôi, những tác phẩm/hàng hóa của Danh Võ sẽ được bán trên cột mốc 1 triệu USD, 2 triệu USD là bình thường.
Nhà bình luận nghệ thuật Đàm Giang nhận định: “Có thể nói Danh Võ là một nghệ sĩ đặc trưng của thời đại văn hóa toàn cầu. Các tác phẩm của anh được thể hiện bằng ngôn ngữ toàn cầu, không lệ thuộc vào gốc gác, quốc tịch, hay nơi sống và kể cả nơi triển lãm. Những tác phẩm ấy nối kết được với các bảo tàng nghệ thuật, trình bày cho khán giả những góc nhìn mới lạ, cần nhiều suy nghĩ, cần thấu hiểu nguồn gốc, bản sắc cùng lịch sử của chất liệu tạo nên tác phẩm. Những cuộc triển lãm của anh khiến người xem khi ra về vẫn phải tiếp tục suy nghĩ và nối kết với nhiều dữ liệu khác để suy tư về bản sắc của loài người”.