Phía Tao Đàn đã đưa ra bằng chứng cụ thể cho sự việc này. Theo đó, ấn phẩm Chết giữa mùa hè mà Mabo Bookstore đang rao bán được in lại từ bản in năm 1969 do Tâm Linh dịch. Trong bản dịch năm 1969 này chỉ có 4 truyện ngắn là Đại đức chùa Shiga và giai nhân, Lòng ái quốc, Viên ngọc trai và Chết giữa mùa hè. Nhưng, trong bản in của Mabo Bookstore lại có thêm các truyện ngắn: Đôi cánh, Hồn bướm, Dì Haruko và Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga (do Nguyễn Nam Trân dịch).
Từ đó, Tao Đàn khẳng định: Mabo Bookstore tự ý lấy các truyện của dịch giả Nguyễn Nam Trân trong bản in mới nhất của Tao Đàn, tập hợp in thêm vào ấn phẩm Chết giữa mùa hè vi phạm bản quyền.
Điều đáng nói là tác phẩm mà Mabo Bookstore rao bán chỉ là sách remake (sách làm lại), không thông qua một đơn vị xuất bản cấp phép, không có mã ISBN do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp. Sách được làm bìa cứng nên có giá hơn 2,3 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với giá bìa chính thức của Tao Đàn là 235.000 đồng.
Trước Chết giữa mùa hè, nhiều độc giả còn phát hiện ra Mabo Bookstore từng thông báo làm những tác phẩm như Hảo nữ Trung Hoa (Hân Nhiên), Sa đọa (Albert Camus), Phong nhã tụng (Diêm Liên Khoa), Điệu Valse giã từ (Milan Kundera)…
Qua tìm hiểu, Nguyễn Minh Quyền (chủ nhân của trang Mabo Bookstore) không phải là trường hợp duy nhất làm sách remake hay sách fake (sách giả) rồi ngang nhiên rao bán trên mạng. Trên một số diễn đàn về sách, nhiều độc giả cũng đã lên tiếng về việc này; tuy nhiên, câu chuyện lại gây ra 2 luồng ý kiến trái chiều. Trong khi phần đông phản đối việc làm sách remake, sách fake vì như vậy là vi phạm bản quyền, gây tổn hại cho tác giả, dịch giả và đơn vị phát hành.
Việc mua sách loại này vô hình trung đang tiếp tay cho những người làm sách giả, sách lậu. Ngược lại, một số thì cho rằng vì có nhiều đầu sách bị cấm, hoặc đã trở nên quý hiếm nên ủng hộ hành vi này với lý do “tiến gần hơn với tri thức”.
Trong câu chuyện liên quan đến tác phẩm Chết giữa mùa hè, vì nhà văn Yukio Mishima qua đời năm 1970, có thể thời gian bảo hộ tác phẩm đã hết. Tuy nhiên, việc hết hiệu lực bảo hộ chỉ được áp dụng với tác phẩm gốc; trường hợp là tác phẩm dịch, vẫn phải liên quan đến quyền lợi của những bên khác như dịch giả và đơn vị phát hành. Vì vậy, hành vi làm sách remake, sách fake dù để trục lợi hay phi thương mại cũng cần phải lên án. Dù nhân danh việc yêu sách, là cầu nối tri thức thì cũng phải xem lại. Bởi yêu như thế bằng mười hại nhau!