TPHCM: Tiềm ẩn dịch tiêu chảy cấp

Không thể lơ là
TPHCM: Tiềm ẩn dịch tiêu chảy cấp

Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp lan rộng trong cả nước, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cũng như yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương tổ chức giám sát để ngăn ngừa dịch bệnh. Với vai trò là trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch…, TPHCM hiện đang tiềm ẩn nguy cơ đối mặt với dịch tiêu chảy cấp.

Không thể lơ là

TPHCM: Tiềm ẩn dịch tiêu chảy cấp ảnh 1

Trẻ bị tiêu chảy đang được thăm khám tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: Tg.L.

Trao đổi với báo giới ngày 7-4, lãnh đạo một số bệnh viện (BV) cho biết trong những ngày qua, tuy chưa ghi nhận trường hợp bị tiêu chảy cấp nguy hiểm nhưng đều tích cực cảnh giác phòng ngừa.

BV Bệnh nhiệt đới là đơn vị tuyến cuối được phân công tiếp nhận dịch bệnh tiêu chảy cũng đang nghiêm ngặt rà soát bệnh nhân bị tiêu chảy nhập viện mỗi ngày. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, cho biết bệnh tiêu chảy đang có chiều hướng tăng nhẹ, nhất là ở trẻ em.

Nếu như tháng 2-2008 có 277 ca tiêu chảy điều trị nội trú (trong đó có 193 ca trẻ em), thì tới tháng 3-2008 tăng lên 292 ca, trong đó có 223 ca trẻ em. Từ đầu tháng 4 đến nay, bình quân mỗi ngày có tới 50-55 ca nhập viện vì tiêu chảy, phần lớn vẫn rơi vào trẻ em.

Cũng theo BS Châu, chiều 6-4 vừa qua, BV đã tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.K. (40 tuổi ở Bình Chánh, TPHCM) trong tình trạng tiêu chảy dữ dội, sốt cao, ói… Nghi ngờ bị mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, BV đã cho cấy phân xét nghiệm phẩy khuẩn tả nhưng rất may là âm tính. Nhưng để có kết luận chính xác, BV tiếp tục cấy phân và cho kết quả vào hôm nay (8-4).

Tại BV Nhi đồng 2, hiện số trẻ nhập viện do tiêu chảy vẫn dao động từ 30-35 ca/ngày, tăng nhẹ so với bình quân các tháng trước. BV cũng đã tiến hành cấy phân, xét nghiệm phẩy khuẩn tả một số trường hợp nghi ngờ nhưng đều cho kết quả âm tính.

Tuyệt đối không để dịch lây lan

Ngày 7-4, Sở Y tế TPHCM đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai kế hoạch phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trên địa bàn, khu vực của mình quản lý.

UBND quận huyện và các đơn vị y tế trên địa bàn triển khai kế hoạch phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, đặc biệt huy động cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp như giữ gìn vệ sinh ăn uống, sinh hoạt.

Các BV của TP và quận huyện phải chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, hóa chất… đảm bảo công tác điều trị hiệu quả tại chỗ, nghiêm túc thực hiện việc phòng lây nhiễm trong BV, hạn chế chuyển tuyến điều trị. Phải đảm bảo chất thải của bệnh nhân tiêu chảy cấp được xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường, tránh ô nhiễm nguồn nước.

UBND quận huyện chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp TTYTDP huyện quận và các ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, hàng quán ăn uống, bếp ăn tập thể. Xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Tất cả các bệnh viện, phòng khám đa khoa công và tư, các cơ sở y tế trên địa bàn TP, TTYTDP TP và quận huyện khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm phải báo khẩn về Sở Y tế. Chế độ báo cáo thực hiện từ 8 giờ đến 9 giờ mỗi ngày (kể cả thứ bảy và chủ nhật)...

Tường Lâm

Hà Nội: Tổng vệ sinh 30 hồ tù đọng

Tại cuộc họp khẩn do UBND thành phố Hà Nội triệu tập ngày 7-4 nhằm triển khai các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch đã yêu cầu Sở Giao thông Công chính TP Hà Nội chỉ đạo tổng vệ sinh ngay 30 hồ tù đọng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Công chính cần thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo chất lượng vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, cống thoát nước tại các khu dân cư; phối hợp với Sở Y tế quản lý chặt chẽ các nguồn rác thải, đặc biệt là rác thải y tế. Theo cơ quan chức năng, tất cả các hồ, đặc biệt là 30 hồ tù đọng trên địa bàn thành phố này đều có nguy cơ tiềm ẩn phẩy khuẩn tả.

A. Phương

Tin cùng chuyên mục