Anh hùng Phùng Văn Khầu - Ký ức chiến thắng và những kỷ niệm về Bác Hồ

Anh hùng Phùng Văn Khầu - Ký ức chiến thắng và những kỷ niệm về Bác Hồ

Trong Chiến dịch Điên Biên Phủ (ĐBP) lịch sử, Đại tá Phùng Văn Khầu là khẩu đội trưởng Sơn pháo 75 ly chiếm giữ đồi E1. Cả đại đội hy sinh, bị thương gần hết, chỉ còn một mình bác với khẩu pháo của mình trụ lại trên đồi E1 cho đến ngày cuối cùng của Chiến thắng ĐBP. Sau chiến dịch, bác được Bác Hồ trực tiếp gắn tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Bác là 1 trong 16 người được phong Anh hùng LLVT Nhân dân trong Chiến dịch ĐBP.

Ký ức trên đồi E1

Khi Chiến dịch ĐBP bắt đầu, Đại đội Sơn pháo 755 của bác Khầu vẫn đang đóng quân tại Đồn Vàng (Phú Thọ). Sau khi quân ta dành được thắng lợi từ đợt 1, ngày 14-3-1954, Đại đội 755 được lệnh hành quân lên tham gia Chiến dịch ĐBP.

Vợ chồng Đại tá Phùng Văn Khầu bên khẩu sơn pháo 75 ly nổi tiếng trên đồi E1, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân đội.

Vợ chồng Đại tá Phùng Văn Khầu bên khẩu sơn pháo 75 ly nổi tiếng trên đồi E1, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân đội.

“Đại đội tôi có 3 khẩu đội (mỗi khẩu đội 9 người) được cấp 3 khẩu pháo 75 ly, mỗi khẩu nặng gần 500kg, tầm bắn xa nhất là 6km. Thông thường, để di chuyển được một khẩu pháo như thế, đơn vị phải tháo rời ra từng mảnh, chia cho 27 người khuân, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, khẩu đội của tôi phải vào trận địa trước, tôi cùng 8 đồng đội đã vác nặng gấp 3 lần bình thường. 6 ngày hành quân, đến tối 20-3, chúng tôi đã tiếp cận được đồi E1 và bắt đầu chuẩn bị công sự chiến đấu...” - bác Khầu nhớ lại.

Chiều 30-3-1954, khẩu đội của bác Khầu được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch, chi viện cho bộ binh mở cửa vào đánh chiếm đồi E1. Cấp trên cho phép bắn 30 viên, nếu còn thừa đạn thì sẽ khen thưởng, bắn quá phải chịu kỷ luật.

Bác nhớ lại: “Nhận lệnh xong, tôi lo lắm! Ngắm bắn quả đầu tiên vào lỗ châu mai của lô cốt địch bị trượt, đạn rơi cách khoảng 10m. Tôi nhìn lại qua nòng pháo, đề nghị tăng thước tầm và thay đổi điểm ngắm. Phát bắn thứ 2, đạn chui thẳng vào lỗ châu mai.

Rút kinh nghiệm phát bắn đó, tôi và khẩu đội đã bắn liền 20 phát trúng mục tiêu bằng phương pháp ngắm bắn qua nòng pháo, đánh sập cả 4 lô cốt, giúp bộ binh tràn lên chiếm gọn đồi E1. Trận đó, chúng tôi tiết kiệm được 8 viên đạn.

Sau trận đánh, khẩu đội đã được biểu dương. Anh em ai cũng phấn chấn, tin tưởng vào thắng lợi quân ta. 2 ngày sau trận đánh, tôi được Bác Hồi gửi tặng huy hiệu của Bác. Mừng lắm, tôi đeo ngay lên ngực luôn và đeo chiếc huy hiệu đó suốt Chiến dịch ĐBP...”.

Ngày 2-4-1954, Đại đội của bác Khầu được lệnh đưa 3 khẩu pháo lên đồi E1, chiếm giữ điểm cao để yểm trợ các mũi tấn công của bộ binh. Sau khi xây dựng công sự, hầm pháo, 2 khẩu đội kia được lệnh ngụy trang kỹ, không lộ diện, chỉ mỗi khẩu đội của bác Khầu hàng ngày bắn thị uy xuống khu vực trung tâm của địch và yểm trợ khi cần thiết.

Ngày 23-4-1954, địch mở đợt phản công lớn, huy động cả xe tăng, pháo 105 nhằm chiếm lại đồi E1 và những điểm cao gần đó. Trong quá trình phản công, địch đánh sập hầm ngụy trang của 2 khẩu pháo dự phòng, 18 đồng chí hy sinh và bị thương. Cả đại đội, còn mỗi khẩu đội của bác Khầu là chiến đấu được.

“Đây là trận đánh ác liệt nhất của tôi. Anh em trong khẩu đội hy sinh và bị thương gần hết. Mỗi lần thấy đồng đội nằm xuống, được đưa về tuyến sau là tôi càng thấy mình phải quyết tâm cao hơn với suy nghĩ phải trả thù cho đồng đội. Lúc đó chỉ còn tôi và anh Lý Văn Pao, phải dồn hết tâm trí vào nòng pháo, mặc cho địch bắn trả dữ dội, lần lượt bắn hạ từng mục tiêu.

Anh Pao bị thương không chiến đấu được. Tôi một mình thao tác từ quan sát, ngắm mục tiêu, nạp đạn, giật cò... Bị sức ép của đạn pháo địch, tôi ngất đi sau khi diệt gọn cả 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu đại liên địch, tạo điều kiện cho quân ta tiến công thắng lợi...” - bác Khầu kể lại, đầy nhiệt huyết, sinh động như đang chiến đấu, khiến chúng tôi cũng có cảm giác như đang chứng kiến trận đánh ác liệt đó.

Sau ngày hôm đó, gọi là cả Đại đội Sơn pháo 755 chiếm giữ đồi E1, nhưng thực ra chỉ có 1 khẩu pháo và 4 người túc trực chiến đấu trên điểm cao này: bác Khầu, đại đội trưởng, chính ủy đại đội và 1 đồng chí liên lạc. Thế nhưng với quyết tâm và lòng dũng cảm của mình, bác Khầu đã giữ nguyên khẩu đội vào cùng công sự, tiếp tục bắn yểm trợ cho các cánh quân, chiếm giữ điểm cao E1 cho đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 7-5-1954.

Tổng cộng suốt thời gian 35 ngày trên đồi E1, bác Khầu với khẩu pháo 75 ly của mình (lúc đầu có đồng đội hỗ trợ, về sau chiến đấu 1 mình) đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng...

Bác Hồ và tâm sự của người lính già

Ngay sau Chiến dịch ĐBP, bác Khầu được cử lên Chiến khu Việt Bắc gặp Bác Hồ để báo công. “Bao nhiêu năm chiến đấu, ước mơ được gặp Bác Hồ đã trở thành hiện thực. Những anh em đi với tôi ai cũng vui mừng cả. Bác gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho tôi, ôm hôn tôi, dặn tôi chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, chiến sĩ Điện Biên phải luôn luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành; phải luôn trung thực, thật thà, thẳng thắn học hỏi để tiến bộ...” – bác Khầu kể lại với giọng đầy sâu lắng, tình cảm.

Đến ngày 31-8-1955, bác Khầu lại được gặp Bác Hồ lần thứ 2. Đó là dịp bác Khầu được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. “Cũng như lần trước, Bác Hồ lại trực tiếp gắn Huân chương Quân công hạng ba và trao danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho tôi. Rồi Bác cũng dặn dò không được tự kiêu, tự mãn, luôn khiêm tốn, thật thà, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm...” – bác Khầu nói.

Tháng 7-1965, khi lên thăm Khu Tự trị Việt Bắc, Bác Hồ đã đến thăm gia đình bác Khầu, khi ấy bác Khầu đang chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế. Bác Hồ chia bánh kẹo cho 2 con gái, gửi lời thăm chú Khầu và dặn cô Cay phải nuôi con khỏe, dạy con ngoan, để chồng yên tâm chiến đấu ở chiến trường...

“Bác Hồ dành cho tôi và gia đình rất nhiều tình cảm. Đó là thứ quý giá, vô cùng thiêng liêng mà không phải ai cũng có. Suốt đời chiến đấu, công tác, lúc nào tôi cũng luôn nhớ lời Bác Hồ dặn dò. Vì trình độ văn hóa có hạn, đời tôi chỉ luôn làm chiến sĩ, giỏi lắm là đến cấp phó. Nhưng tôi không bao giờ bất mãn. Chừng này tuổi rồi, nghiệm lại mọi điều, tôi chưa làm gì sai, làm gì trái với những điều mà Bác Hồ đã mấy lần dặn dò tôi...” - bác Khầu nói hồ hởi với ánh mắt tự hào.

Là người dân tộc Nùng ở Trùng Khánh (Cao Bằng), đi theo cách mạng từ năm 1940, đến 1949 bác Khầu nhập ngũ. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, vì không biết chữ, bác Khầu học làm lính pháo binh theo kinh nghiệm, tự mày mò nghiên cứu.

Nhớ lời Bác Hồ dặn học hỏi để tiến bộ, năm 1957, khi đã 27 tuổi, bác Khầu bắt đầu đi học lớp vỡ lòng! Cũng năm đó, bác Khầu được cử tham dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ 5 tại Ba Lan. Trong dịp này, bác Khầu đã gặp gỡ nữ chiến sĩ thi đua toàn quốc Hà Thị Cay, 17 tuổi, người ở Thái Bình.

“Cô ấy đã sống sót khi cha mẹ, anh, chị, em đều chết vì đói hồi 1945. Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để tham gia cách mạng, lao động sản xuất phục vụ chiến trường. Hoàn cảnh đáng thương lắm...” – bác Khầu tâm sự. Đó chính là người vợ đảm đang của Đại tá Phùng Văn Khầu về sau.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục