Đồng chí Trương Tấn Sang: Nhà báo phải cống hiến nhiều hơn vì nhân dân

Diện mạo báo chí hôm nay
Đồng chí Trương Tấn Sang: Nhà báo phải cống hiến nhiều hơn vì nhân dân

* 150 đoàn đến thăm và chúc mừng Báo SGGP

(SGGP). – Ngày 19-6, nhân kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu (thứ tư từ trái sang) chúc mừng Báo SGGP. Ảnh: Đ.TRÍ

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu (thứ tư từ trái sang) chúc mừng Báo SGGP. Ảnh: Đ.TRÍ

Thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang đã gửi đến toàn thể những người làm báo cách mạng Việt Nam lời chúc mừng nồng nhiệt nhất và mong rằng các nhà báo Việt Nam tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, rèn luyện; tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, xây dựng nền báo chí nước nhà cũng như mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo tiến bộ, trưởng thành, xứng đáng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật và thành tích to lớn, đồng chí Trương Tấn Sang cũng đã nêu rõ nhưng thiếu sót, khuyết điểm cần được nhìn nhận đúng, rõ và tập trung khắc phục kịp thời trong hoạt động báo chí, công tác lãnh đạo và quản lý báo chí hiện nay. “Trước một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm, kể cả vấn đề hệ trọng liên quan đến chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước còn có biểu hiện vội vàng, chủ quan, chạy theo dư luận, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành. Một số cơ quan báo chí còn đưa thông tin sai, gây tác hại về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và các địa phương, doanh nghiệp...” – đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý.

Ngoài ra, một số cơ quan báo, đài chậm đổi mới về nội dung và hình thức, chưa đủ sức chi phối, định hướng thông tin, do đó hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao. Theo đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong hoạt động báo chí Việt Nam hiện nay là do những bất cập trong quản lý báo chí của các cơ quan chuyên môn; do năng lực và trách nhiệm của cơ quan chủ quản; và trực tiếp nhất là năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm của phóng viên, biên tập viên và các cơ quan báo chí...

Đồng chí Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam.

Đồng chí Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam.

Đề cập tới những nhiệm vụ của báo chí thời gian tới, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu: Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước cần coi trọng hơn nữa việc định hướng thông tin, chăm lo cho công tác cán bộ, chính sách tài chính cho hoạt động báo chí; xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển, vừa khắc phục kịp thời, dứt điểm các sai phạm; rà soát, bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí của cả nước trong điều kiện các loại hình truyền thông đa phương tiện với công nghệ tiên tiến đã và đang phát triển mạnh mẽ; khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ...

Với công tác thông tin đối ngoại, cần phải có sự đầu tư thỏa đáng, đồng thời báo chí Việt Nam phải mở rộng giao lưu, hợp tác với các tổ chức báo chí trong khu vực và trên thế giới; coi trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới....

“Các nhà báo hãy phát huy truyền thống vẻ vang, nâng tầm tư duy và bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, dũng cảm đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, với những luận điệu sai trái, đặc biệt là sai trái về quan điểm chính trị; cống hiến nhiều hơn nữa vì đất nước, vì nhân dân, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh; xây dựng nền báo chí nước nhà ngày càng phát triển vững mạnh, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước thắng lợi” – đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

* Ngày 19-6, đoàn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu dẫn đầu đã đến thăm và chia vui với Báo SGGP nhân kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2009).

Tiếp đoàn có đồng chí Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP; Hoàng Văn Kháng, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP và đông đảo cán bộ, phóng viên của báo.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng và Ban lãnh đạo ngân hàng, đồng chí Nguyễn Văn Giàu đã tặng lẵng hoa tươi thắm đồng thời chúc mừng Báo SGGP nhân ngày vui của báo giới. Với vị trí là một độc giả trung thành của Báo SGGP, suốt mấy mươi năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Giàu cho rằng 80% lượng thông tin của báo về ngành ngân hàng là các thông tin tích cực, có tính cổ vũ động viên cao; 20% lượng thông tin còn lại mang tính góp ý xây dựng để cán bộ ngân hàng, ngành ngân hàng ngày một trưởng thành, đưa ra những quyết sách phù hợp trong từng giai đoạn khó khăn.

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Văn Giàu đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngân hàng Việt Nam” cho các đồng chí Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP và Lê Tiền Tuyến, Chủ biên ấn phẩm Đầu tư Tài chính của Báo SGGP vì đã có nhiều đóng góp tích cực cho ngành ngân hàng.

Nâng ly rượu mừng với Ban Biên tập Báo SGGP, đồng chí Nguyễn Văn Giàu thống nhất về đề nghị phối hợp tổ chức một hội thảo cấp cao với nội dung: chỉ ra bài học kinh nghiệm, mở hướng đi mới cho nền tài chính giai đoạn “hậu” suy giảm kinh tế.

Trong 2 ngày 18 và 19-6, đã có 150 đoàn khách gồm các các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh quân đội, các cơ quan ban ngành, các LLVT, bạn đọc khắp nơi đến thăm và chúc mừng Báo SGGP nhân kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tr.Bình - M.Anh

Diện mạo báo chí hôm nay

Giới báo chí cả nước đang hướng tới kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam - ngày Bác Hồ sáng lập báo Thanh Niên, cơ quan của Thanh niên Cách mạng đồng chí hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2009). Đây là cơ hội tốt để đội ngũ những người làm báo nhìn lại chính mình, phấn đấu và vững vàng tiến lên, xứng đáng với sự mến yêu, tin cậy của Đảng và nhân dân.

Trên chặng đường 84 năm qua, đặc biệt là hơn 20 năm đổi mới, đội ngũ những người làm báo luôn luôn là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng. Diện mạo báo chí nước nhà phát triển mạnh mẽ cả về đội ngũ, quy mô, chất lượng, nội dung, hình thức, loại hình báo chí, tính hiện đại, hội nhập với báo chí thế giới.

Chất lượng tác phẩm báo chí thông qua các giải báo chí trung ương và địa phương, trong đó có giải báo chí hàng năm của TPHCM là một phần thể hiện diện mạo báo chí Việt Nam. Chất lượng các tác phẩm báo chí Việt Nam thời kỳ đổi mới ngày càng được nâng cao, có sức lan tỏa và định hướng dư luận xã hội sâu sắc.

Khoảng cách chất lượng tác phẩm báo chí giữa báo chí trung ương và báo chí địa phương ngày càng được rút ngắn. Kết quả chấm chung khảo giải báo chí quốc gia lần thứ 3 – năm 2008 vừa được công bố ngày 29-5 là một minh chứng. Trong số 52 tác phẩm đạt giải chính thức từ giải A đến giải C, có 22 tác phẩm thuộc các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo địa phương.

Nhiều tác phẩm báo chí có tính phát hiện cao, đề cập đến nhiều vấn đề thời sự nóng hổi, sát sườn cuộc sống người dân, được dư luận xã hội quan tâm. Nhiều nhà báo đã không quản hiểm nguy dũng cảm đương đầu với tệ tham nhũng, lãng phí, các vụ tàng trữ, vận chuyển buôn bán ma túy, một số kẻ biến chất hám tiền trong cơ quan công quyền.

Kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng là dịp công bố và tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc đoạt giải - giải báo chí quốc gia và giải báo chí các địa phương, những công trình lao động nghiêm túc, sáng tạo thấm đậm bao mồ hôi, nước mắt, có khi còn phải đổ máu của những người làm báo.

Đi liền với những tác phẩm báo chí xuất sắc hiện hữu hàng ngày trên từng trang báo in, trang báo điện tử, từng chương trình phát thanh - truyền hình là đội ngũ những người cầm bút tận tụy hết lòng với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình.

Họ đi tiên phong góp phần xứng đáng vào việc tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động, học tập của hàng triệu chiến sĩ đồng bào, phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực, diệt cỏ dại làm đẹp cho đời.

Đó là một phần của diện mạo báo chí Việt Nam hôm nay.

Quốc Toàn

Tin cùng chuyên mục