Đội trưởng biệt động Bảy Bê

Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đặc công – biệt động Sài Gòn luôn là nỗi kinh hoàng của quân giặc. Những trận đánh xuất quỷ nhập thần vào sào huyệt chúng, gây chấn động trong nước và cả thế giới.

Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đặc công – biệt động Sài Gòn luôn là nỗi kinh hoàng của quân giặc. Những trận đánh xuất quỷ nhập thần vào sào huyệt chúng, gây chấn động trong nước và cả thế giới.

Bảy Bê (Nguyễn Thanh Xuân) đã cùng đồng đội làm nên những chiến công bất tử giáng những đòn sấm sét vào bọn xâm lược và tay sai của chúng, làm nên những tượng đài biệt động của thành phố anh hùng.

Bảy Bê quê ở Bình Thuận vào Sài Gòn nhập cuộc đấu tranh và bị chính quyền Ngô Đình Diệm cầm tù. Ra tù, năm 1961, anh trở thành chiến sĩ quân báo, rồi đội trưởng biệt động gan dạ và tài  trí tuyệt vời trong những trận đánh vào đầu não địch giữa đô thành Sài Gòn, được coi là bất khả xâm phạm.

Sau nhiều tháng điều nghiên mục tiêu, ngày 24-10-1964, đội trưởng Bảy Bê được cấp trên giao nhiệm vụ tấn công khách sạn Caravelle, nơi tụ tập của đám sĩ quan tình báo, mật vụ của Mỹ, Úc và Sài Gòn… Trong lốt cần vụ của đại tá Mỹ, Bảy Bê và chiến sĩ biệt động Trần Thị Nguyệt (giả vai tình nhân đại tá Mỹ) lọt vào Caravelle với hai va ly chứa gần 40kg thuốc nổ, cài vào phòng 514 (với sự trợ giúp của nội ứng biệt động).

Mặc dù bị sự cố mìn hẹn giờ, Bảy Bê vẫn kiên quyết trở lại khách sạn kiểm tra, điều chỉnh lại thiết bị nổ. Hành vi chấp nhận nguy hiểm hy sinh này đã đem lại thành công trận đánh: khách sạn Caravelle nổ tung, hư hại dây chuyền 43 phòng, diệt nhiều chỉ huy cao cấp của địch.

Hai tháng sau, vào ngày lễ Noel, bằng một kịch bản ngoạn mục, hai nhân vật chính: Bảy Bê vai tài xế và Tư Mập vai thiếu tá quân đội ngụy đã lái chiếc xe bên trong chứa 200kg thuốc nổ TNT, chạy thẳng vào gầm cư xá Brink (đường Hai Bà Trưng) nơi ngụ của các sĩ quan độc thân Mỹ. Khi chiếc xe đã yên vị dưới “bụng” tòa nhà 7 tầng, Bảy Bê lấy cớ xin ra ngoài cổng gác ăn sáng.

Trước đó, Tư Mập cũng giả vờ cáu kỉnh với một đại tá Mỹ nào đó trễ hẹn, và rời khỏi cư xá với lý do sẽ trở lại làm việc vào buổi trưa… Với sức công phá của lượng thuốc nổ lớn, tầng trệt tòa nhà bị thổi rỗng làm sụp đổ các tầng trên; 120 sĩ quan chết và bị thương.

Trận tấn công vang dội và gây thiệt hại lớn về sinh lực cũng như uy tín chính trị của Mỹ, ngụy, phải kể đến trận tập kích táo bạo của đội 5 biệt động vào Đại sứ quán Mỹ ở đường Hàm Nghi, quận 1 vào 8 giờ sáng ngày 30-5-1965 do Bảy Bê chỉ huy và trực tiếp đánh. Toán biệt động xuất phát từ đường Trần Quang Khải. Tổ chiến đấu Lê Văn Việt (Tư Việt) dẫn đầu đội hình; kế đó là xe Bảy Bê nhồi trong khoang máy 150kg thuốc nổ mạnh. Nhóm Trần Thị Nguyệt đi sau hộ tống.

Do phải chờ đèn đỏ ở một ngã tư nên khi đến mục tiêu, mìn hẹn giờ sắp nổ, Bảy Bê nhanh trí lao xe vào hông tòa đại sứ, giật kíp nổ trực tiếp. Anh nhảy ra, vọt lên chiếc xe lam chờ sẵn thoát đi thì có cảm giác mặt đường nghiêng hẳn. Tòa nhà 5 tầng sụp xuống, mảnh vỡ văng tứ tung làm thương vong trên 200 quan chức cao cấp Mỹ và chư hầu đang hội họp.

Trận tấn công khách sạn Metropol 150 Trần Hưng Đạo diễn ra chớp nhoáng trong vòng 5 phút. Bảy Bê chỉ huy tổ biệt động tấn công bằng cả xung lực và 400kg thuốc nổ TNT, phá hủy nhiều tầng lầu, diệt 160 phi công Mỹ và nhân viên kỹ thuật. Ta rút lui an toàn. Trận đánh ngày 4-12-1965 đã giáng cho bọn chóp bu xâm lược một đòn đau, không kịp trở tay phản ứng.

Bọn Tổng nha cảnh sát quốc gia, một lực lượng khét tiếng trong bộ máy kềm kẹp dân chúng cũng không tránh khỏi đòn trừng phạt của đội trưởng Bảy Bê. Ngày 6-8-1965, Bảy Bê chỉ huy nhóm biệt động 8 người đi trên 2 xe ô tô xông thẳng vào tổng nha lúc 9 giờ 30 phút. Do quá bất ngờ, địch bị diệt gần 100 tên. Xe chở thiết bị nổ của Bảy Bê bị địch bắn xẹp lốp, anh vẫn lết vào đúng vị trí quy định, điểm hỏa khối nổ rồi thoát nhanh lên chiếc xe đồng đội yểm trợ, ra khỏi hang ổ địch an toàn.

Tháng 6-1966, do bị một tên chỉ điểm, người đội trưởng biệt động gan dạ phi thường từng làm điên đảo khủng khiếp kẻ thù, phải trải qua 7 năm tù ở Tổng nha, Chí Hòa, Côn Đảo, và được trả tự do sau Hiệp định Paris – 1973.

Sang năm 1974, anh mới gặp lại người đồng đội thân thiết trong những năm tháng chiến đấu trong lòng địch. Đó là chị Chín Nghĩa, người nữ duy nhất của Đội 4 biệt động anh hùng trong trận tấn công dinh Độc Lập, Tết Mậu Thân 1968. Chị cũng là một huyền thoại trong trận đánh lịch sử đêm mùng 1 Tết Mậu Thân…

Cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại kết thúc. Anh chị có điều kiện sống bên nhau hạnh phúc với cuộc đời bình dị cựu chiến binh. Điều tâm nguyện của người Đội trưởng năm xưa đã thực hiện được nửa phần: cùng đồng đội rước hài cốt của anh hùng Lê Văn Việt (người đồng đội chí cốt đã bắn yểm trợ cho anh trong trận tập kích tòa Đại sứ Mỹ) từ Côn Đảo về thành phố. Nửa phần còn lại là mong ước có được tấm bia dựng tại 39 – 41 Hàm Nghi, quận 1, ghi lại chiến tích trận đánh oanh liệt của Đội 5 biệt động anh hùng, ngày 30-5-1965.

Nhưng người đội trưởng biệt động lừng danh đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 73, để lại cho đồng chí, đồng đội niềm kính phục và tự hào mãi mãi về một con người bình dị, một lòng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp lớn lao của dân tộc, vì hạnh phúc của mọi người.

Tháng 12-2010

HỒ SĨ THÀNH

Tin cùng chuyên mục