Kê khai tài sản không trung thực sẽ bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử

Ngày 4-3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn việc giới thiệu các ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.

(SGGP).- Ngày 4-3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn việc giới thiệu các ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội theo bước hai quy trình hiệp thương; hướng dẫn làm hồ sơ và các biểu mẫu giới thiệu người ra ứng cử. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu sẽ dự kiến người ứng cử đại biểu Quốc hội và tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, Ban lãnh đạo họp mở rộng để thảo luận, lựa chọn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội theo các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001...

Tại hội nghị, ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có những hướng dẫn cụ thể trong việc kê khai tài sản với người ứng cử ĐBQH và HĐND. Theo đó, các ứng cử viên đều phải kê khai trung thực tài sản của bản thân, vợ hoặc chồng và của con chưa thành niên. Việc kê khai cũng được đưa ra cụ thể từng mục như nhà ở, quyền sử dụng đất, tài sản, tài khoản ở nước ngoài, ô tô, mô tô, tàu, thuyền… có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

Trả lời câu hỏi liệu công chức có “ngại” ứng cử khi họ sở hữu khối tài sản lớn, ông Hào khẳng định: Việc kê khai tài sản ít hay nhiều không quan trọng nếu đó là những tài sản chính đáng. Chúng ta có chính sách khuyến khích làm giàu chính đáng. Nếu họ có thể làm giàu một cách chính đáng thì việc họ có nhiều tài sản là tốt. Kể cả trường hợp công nhân viên chức cũng vậy. Họ có tài về lĩnh vực tài chính, kinh tế, họ hiểu biết về vấn đề đó và làm việc cho chính bản thân họ thì những công chức đó hoàn toàn có thể ứng cử được. Hơn nữa, tài sản lớn cũng chưa hẳn là do họ tự làm ra mà có thể được cho, tặng, được thừa kế….

Về vấn đề công bố bảng kê khai tài sản của các ứng cử viên, ông Hào khẳng định, mọi việc đều phải thực hiện theo Luật định: Không công bố bảng kê khai tài sản mà chỉ công khai kết luận về tài sản ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND có trung thực hay không. Và để công bố kết luận đó thì phải có người yêu cầu xem xét, người xem xét, người kết luận và người yêu cầu công khai. “Cũng theo luật định, nếu bị kết luận là kê khai không trung thực, ứng viên sẽ bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử”, ông Hào nói.

°Sáng 4-3, điểm tiếp nhận hồ sơ bầu cử đại biểu Quốc hội của TPHCM tại số 86 đường Lê Thánh Tôn, quận 1 bắt đầu đón những người đầu tiên liên hệ, tìm hiểu nhận hồ sơ tự ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND TP. Ông Nguyễn Văn Hòe (sinh năm 1940), ngụ tại phường Bến Thành, quận 1, giảng viên  Trường ĐH dân lập Hùng Vương, là người liên hệ nhận mẫu đơn ứng cử đại biểu QH đầu tiên tại Hội đồng bầu cử TP.

Chiều 4-3, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Đặng Công Luận cho biết, tính đến 17 giờ, đã có 17 người đến liên hệ nhận hồ sơ tự ứng cử, trong đó có 8 hồ sơ ứng cử đại biểu QH, 9 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND (trong đó có 5 trường hợp xin cả hai bộ hồ sơ ứng cử đại biểu QH và HĐND). Ông Luận cũng hướng dẫn  những người muốn tự ứng cử nên liên hệ trực tiếp tại Ủy ban bầu cử để nhận hồ sơ và được hướng dẫn chi tiết thay vì nhờ người nhà, bạn bè đến lấy giúp. Ủy ban bầu cử sẽ không giải quyết những trường hợp này.

V.XUÂN - H.HIỆP

Tin cùng chuyên mục