Phái viên đặc biệt của Bác

Phái viên đặc biệt của Bác

Nhân dịp kỷ niệm 36 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại TPHCM, Bộ Công thương thừa ủy quyền của Chủ tịch nước đã trao phần thưởng cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh cho gia đình đồng chí Lý Ban, ghi nhận những cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ tối mật

Trong cuốn sách “Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, những sự kiện 1945-1960” do NXB Khoa học xã hội phát hành năm 2003, có nêu một sự kiện quan trọng diễn ra vào tháng 8-1949, trước ngày thành lập nước CHND Trung Hoa: “Trung ương Đảng cử đồng chí Lý Bích Sơn (Lý Ban), Nguyễn Đức Thụy mang thư của Hồ Chủ tịch viết gửi Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đề nghị thiết lập quan hệ giữa hai đảng Việt - Trung trong hoàn cảnh mới. Hai đại diện của Đảng ta tới Bắc Kinh vào tháng 8-1949, làm việc với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc về thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai đảng”. Nhiệm vụ tuyệt mật qua những dòng ngắn gọn trên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chuẩn bị như thế nào?

Đồng chí Lý Ban (bìa phải) trong những ngày ở Việt Bắc.

Đồng chí Lý Ban (bìa phải) trong những ngày ở Việt Bắc.

Ngày 19-12-1946, khi nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được, chúng ta bị cô lập với thế giới. Tại Trung Quốc nổ ra cuộc nội chiến, chính quyền Tưởng Giới Thạch chiếm giữ Hoa Nam (các tỉnh có biên giới với nước ta), cấu kết với thực dân Pháp bao vây cách mạng Việt Nam.

Đầu năm 1949, quân đội cách mạng Trung Quốc tiến về Bắc Kinh, tiến quân xuống giải phóng Hoa Nam. Tại chiến khu Việt Bắc, Trung ương Đảng, Bác Hồ nhận định cách mạng Trung Quốc sắp đến ngày toàn thắng, điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến công cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Bác và Trung ương quyết định phá vỡ thế cô lập với quốc tế mà bước đột phá là cử một phái viên cao cấp của Đảng vượt vòng vây của quân thù, vượt biên giới sang Trung Quốc, vượt qua các địa phương do quân đội Quốc Dân đảng kiểm soát, qua các chiến trường, tìm đến Bắc Kinh, gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt vấn để hợp tác giữa 2 đảng trong tình hình mới.

Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt  quan trọng, tuyệt mật này, Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao cho Lý Ban - một cán bộ rất am hiểu về Trung Quốc, có khả năng độc lập hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ vậy, nhiệm vụ tối mật trên còn yêu cầu người cán bộ ấy có sức khỏe tốt vì phải vượt qua chặng đường bộ  nhiều địa hình hiểm trở.

Trung ương Đảng cử đồng chí Nguyễn Đức Thụy, một cán bộ am hiểu địa hình Hải Ninh và các huyện Đông Hưng, Phòng Thành (Trung Quốc) cùng đi để hỗ trợ đồng chí Lý Ban. Trước khi lên đường, Bác Hồ giao cho ông Lý Ban một bức thư, viết bằng chữ Hán theo một quy ước đặc biệt, gửi vợ chồng bạn thân là Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu và ông đã bảo vệ bức thư hết sức cẩn trọng suốt cuộc hành trình.  

Cuối tháng 4-1949, Lý Ban và Nguyễn Đức Thụy rời Việt Bắc, vượt vòng vây quân thù đến Móng Cái (vùng đất do quân đội Pháp kiểm soát). Từ Móng Cái, Lý Ban đóng giả khách buôn, vượt biển sang Phòng Thành (thuộc Quảng Đông), vượt qua sự kiểm soát của quân Tưởng, tìm về khu căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Đông. Với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai phái viên của ta vượt qua các chiến tuyến, các vùng do Quốc Dân đảng kiểm soát, đến Bắc Kinh vào tháng 8-1949. Bức thư mật của Hồ Chủ tịch được chuyển tận tay vợ chồng Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu. Chuyến đi ấy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai đảng, hai Nhà nước trong giai đoạn mới.

Trở về

Lý Ban tên thật là Bùi Công Quan, sinh 1912  tại huyện Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An) trong một gia đình điền chủ. Năm 1927 khi đang học tại Trường Trung học Cây Gõ (Chợ Lớn), Bùi Công Quan được thầy giáo  Phạm Văn Đồng giác ngộ, kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Từ đó, ông tích cực tham gia tuyên truyền cách mạng trong học sinh, thanh niên  Việt, Hoa tại Sài Gòn, Chợ Lớn.

Năm 1930,  Bùi Công Quan tham gia An Nam Cộng sản Đảng, trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên. Cũng năm đó, thực dân Pháp khủng bố trên quy mô lớn. Bùi Công Quan bị mật thám bắt nhưng vì không có chứng cứ nên phải trả đồng chí về quê quản thúc. Năm 1931, đồng chí lên Sài Gòn bắt liên lạc nhưng không thành, phải theo tàu viễn dương tạm lánh sang Hồng Công, sau đó đến Quảng Đông.

Năm 1932, tổ chức Đảng tỉnh Quảng Đông giới thiệu ông tới học tại Trường Đảng Khu căn cứ Xô viết Thụy Kim (Giang Tây) với tên mới - Lý Ban, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Có một điều thú vị, tại đây, Lý Ban gặp và kết thân với một chiến sĩ cách mạng người Việt, tên là Vũ Nguyên Bác (tức Nguyễn Sơn - Hồng Thủy), lúc đó là cán bộ chỉ huy Hồng quân Công nông Trung Hoa.

Cuối 1934, Tưởng Giới Thạch huy động 1 triệu quân bao vây khu căn cứ Thụy Kim. Để bảo toàn lực lượng, Hồng quân chiến đấu phá vây, tiến hành cuộc vạn lý trường chinh lên Tây Bắc, lập khu căn cứ mới. Hai chiến sĩ cách mạng Việt Nam  Hồng Thủy, Lý Ban cùng  tham gia  cuộc rút lui chiến lược này. Trên đường hành quân, Lý Ban bị bệnh nặng, phải nằm lại nhà dân. Sau khi qua khỏi cơn nguy biến, tuy chưa bình phục nhưng một mình vượt hàng ngàn kilomet, vượt qua sự truy đuổi, khủng bố của quân thù, tìm về Quảng Đông, bắt liên lạc với tổ chức. Sau ngày nhân dân Trung Quốc giành thắng lợi trong kháng chiến chống Nhật, ngày 19-8-1945, Lý Ban cùng nhiều cán bộ người Việt từ Trung Quốc trở về Việt Nam.

Năm 1954, khi Việt Nam bắt đầu công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh tại miền Bắc, ông được giao nhiệm vụ xây dựng Bộ Công thương, xây dựng ngành Hải quan, xây dựng Ngân hàng Nhà nước. 20 năm công tác trong ngành ngoại thương, ông đã có những cống hiến to lớn, cùng cán bộ toàn ngành phục vụ có hiệu quả trong xây dựng XHCN ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam và cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

TS TRẦN KHÁNG CHIẾN
Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt - Trung TPHCM

Tin cùng chuyên mục