Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngày 22-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương.

  • Có hay không cơ chế xin - cho, việc chạy dự án?

Làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ KH-ĐT, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Càng đi vào kinh tế thị trường càng phải coi trọng công tác quy hoạch, kế hoạch; tôn trọng quy luật khách quan, quy luật thị trường, nhưng phải có sự quản lý của nhà nước.

Tổng Bí thư mong muốn Bộ KH-ĐT tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tham mưu chiến lược trong xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, năm 2013 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, dự báo tình hình tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tổng Bí thư đánh giá cao phương hướng công tác và biện pháp thực hiện mà Bộ KH-ĐT đã đề ra; đồng thời lưu ý cần tập trung khắc phục tình trạng quy hoạch chồng chéo, quy hoạch treo, phân cấp, phân quyền trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch song cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm thực hiện theo quy hoạch.

Việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế cần gắn với phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán. Cần khắc phục những bất cập trong việc cấp phép đầu tư, cấp vốn đầu tư, có hay không cơ chế xin - cho, việc chạy dự án?...

Xung quanh câu chuyện đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, trước hết là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có chuyển biến gì mới, đặt ra vấn đề gì, tái cơ cấu, sắp xếp bao nhiêu doanh nghiệp là vừa, để lại bao nhiêu, khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, đồng thời phải phát huy được vai trò của kinh tế tư nhân.

  • Kiên quyết không để nợ xấu xấu hơn nữa

Chiều cùng ngày, làm việc với cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện các ngân hàng thương mại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan cực kỳ quan trọng, là “tim”, là “máu” của toàn bộ nền kinh tế, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, một lĩnh vực rất nhạy cảm, khó khăn, phức tạp, đồng thời thực hiện chức năng của một ngân hàng.

Tổng Bí thư khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đồng thời 2 chức năng là phù hợp với điều kiện Việt Nam. Càng đi vào kinh tế thị trường càng thấy vai trò quan trọng của quản lý nhà nước. Chúng ta là kinh tế thị trường định hướng XHCN, phải có sự điều tiết, quản lý, hướng dẫn của nhà nước. Nhưng không được phiến diện cực đoan, nhà nước điều tiết theo quy luật của thị trường, vận dụng cơ chế thị trường để thực hiện tốt vai trò quản lý của nhà nước. Nếu buông lỏng quản lý nhà nước thì vô cùng nguy hiểm, nhưng mặt khác lại lấy danh nghĩa nhà nước can thiệp theo kiểu áp đặt, hành chính hóa thì lại không được. Như vậy, ngành ngân hàng phải vươn lên, đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật điều hành để xử lý hài hòa 2 mặt của vấn đề.

Tổng Bí thư đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời xuất phát từ thực tiễn, kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh khuyết điểm, thấy rõ những việc cần làm, để tiếp tục những bước đi vững chắc. Những tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục, sửa chữa cho bằng được.

Sau khi kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có một Chương trình hành động cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện cho tốt; dứt khoát phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn, phải điều hành lãi suất cho phù hợp, kiên quyết không để nợ xấu xấu hơn nữa, bảo đảm thanh khoản vững chắc hơn, dài hạn hơn và tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, từng bước một, vững chắc và chặt chẽ.

Riêng vấn đề lợi ích nhóm, Tổng Bí thư chỉ rõ: Cần phân biệt với bắt tay hợp tác làm ăn lành mạnh. Lợi ích nhóm là theo nghĩa tiêu cực, thông đồng móc ngoặc với nhau vì lợi ích cục bộ, không phải vì các cổ đông, mà chính là ở những bộ phận khác, nguy hiểm nhất là tác động vào chính sách, luật pháp, làm méo mó đường lối, làm sai quan điểm, sai chủ trương của Đảng là không được phép. Tuy nhiên phải có niềm tin, chính vì vậy phải xây dựng Đảng, phải chấn chỉnh con người để có động cơ trong sáng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

  • Tổ chức phải mạnh, con người phải trong sáng

Tại 2 cuộc làm việc, đề cập sâu về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư yêu cầu, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, cần làm rõ những mặt mạnh, mặt yếu và có chương trình hành động khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế. Tổng Bí thư khẳng định: Công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tổ chức phải mạnh, phải tập trung thống nhất, con người phải trong sáng, động cơ, mục đích làm việc phải vì cái chung, vì tập thể, chứ không phải vì cá nhân, vì quan hệ thân quen, lợi ích nhóm... Cũng là phấn đấu vào Đảng, nhưng động cơ mục đích là gì, hay chỉ để nhắm chức nọ chức kia...

Tổng Bí thư lưu ý, cần duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không chờ Nghị quyết Trung ương 4 mới kiểm điểm... Cần đánh giá thành công trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ở ngành ngân hàng, thể hiện ở những mặt nào, về nhận thức, hành động, cơ chế, chính sách, không chỉ nói chung chung là kiểm điểm nghiêm túc, chân thành, cầu thị, thời gian mấy ngày... mà cuối cùng là sửa chữa khuyết điểm như thế nào trong thực tiễn, tổ chức Đảng có mạnh lên, trong sạch hơn, tốt hơn lên mới là quan trọng.  

TTXVN

Tin cùng chuyên mục