Phải có Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng đường Hồ Chí Minh

Chiều 4-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Phải có Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng đường Hồ Chí Minh

(SGGPO).– Chiều 4-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh Nghị quyết 38/2004/QH11, tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn mà các ĐBQH đề cập, nhất là về khâu vốn đầu tư.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) nói đây là dự án huyết mạch song song với quốc lộ 1, vì thế cần tăng cường nguồn lực để đầu tư các đường nhánh xuống đường quốc lộ 1, vì trong mùa bão lũ đường Hồ Chí Minh rất quan trọng. “Xây dựng tuyến đường này cần tính toán phân luồng để bảo đảm an toàn giao thông, nhất là khu vực Tây Nguyên, không thể làm đường mà không có người đi. Ngoài ra, cần bảo đảm việc cắm mốc cho tuyến đường này, vì thực tế đi khảo sát tôi thấy có nhiều nhà dân áp sát đường. Cần bảo đảm để sau này chúng ta không phải mất công điều chỉnh”, ĐB Minh nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ.

Nhiều ĐBQH cũng cho rằng, cùng với xây dựng đường Hồ Chí Minh, cần quan tâm đầu tư cho tuyến đường tuần tra biên giới, cần dồn kinh phí hơn để bảo đảm tuyến đường này cũng song song với đường Hồ Chí Minh. Hiện nay kinh phí cho tuyến này còn nhỏ giọt, tiến độ chậm. “Về đường tuần tra biên giới, cần bố trí vốn để thực hiện đúng tiến độ. Qua khảo sát, đoạn từ Đắk Nông, Tây Ninh về Đồng Tháp nhiều tuyến đường chưa hoàn thành, Chính phủ cần quan tâm, bố trí vốn cho tuyến đường này”, ĐB ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) nói.

ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) cũng hoàn toàn nhất trí chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua thực hiện đã bộc lộ một số điều cần điều chỉnh. Việc điều chỉnh thêm 16km là vấn đề không lớn. Nhưng việc cần xem xét thêm là tuyến đường này có nhiều đoạn xa dân cư, nhiều đoạn không có đường nhánh nối với các tuyến đường khác, khiến hiệu quả khai thác không cao. Cần bảo đảm tiến độ xây dựng tuyến đường.

ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) băn khoăn đối với báo cáo của Chính phủ. “Qua thực tế khảo sát, cho thấy có nhiều dự án Chính phủ trình kéo dài. Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, nhưng vẫn băn khoăn vì chưa có khảo sát, điều tra nào đối với việc xây dựng tuyến đường này, chưa xác định được nguồn vốn thực hiện. Không có nguồn vốn thì rất khó làm, vì vậy dù điều chỉnh không lớn nhưng vấn gây khó khăn”, ĐB Sang nói. Cần đánh giá sâu hơn về việc xây dựng tuyến đường này, có bảo đảm nguồn vốn để triển khai không. “Công trình này có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội nhưng có cảm tưởng Chính phủ chưa chủ động được nguồn vốn”, ĐB Sang nói.

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) khẳng định đây là dự án tất yếu của đất nước, không chỉ về mặt kinh tế xã hội mà còn về mặt an ninh quốc phòng. Dự án này đã được Quốc hội ra Nghị quyết để thực hiện, bây giờ phải điều chỉnh Nghị quyết để triển khai tiếp. Vì thế, có nhiều bất cập cần làm rõ. “Chính phủ đề xuất giãn đến 2020 thì chúng tôi đồng ý, nhưng sau đó còn giãn nữa không, trong bối cảnh vốn đang rất khó khăn, vì thế cần làm rõ. Cần có Ban chỉ đạo quốc gia về dự án để điều hành chung, do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban để điều phối chung, không thể chỉ giao cho Bộ Giao thông-Vận tải chỉ đạo như hiện nay. Nếu không có “nhạc trưởng” thì cũng rất dễ làm tổng dự toán bị đội lên”, ĐB Huỳnh Minh Thiện phát biểu.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Huỳnh Minh Thiện, ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) cũng đồng tình điều chỉnh Nghị quyết để thực hiện nhưng cần có Ban chỉ đạo quốc gia về dự án để tránh điều hành phân tán, công trình kém chất lượng.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) lại có quan điểm khác: Đường Hồ Chí Minh hiện nay xe khách ít đi vì không bắt được khách, xe tải cũng ít vì không gắn với dân sinh, xe cá nhân cũng ít vì dịch vụ sửa chữa thưa vắng, có khi cả trăm km mới có khu dân cư, dịch vụ. Chủ yếu là xe du lịch trọn gói. Trong khi quốc lộ 1A vừa mở rộng cũng đã tắc. “Chúng ta xây đường là để đi, không phải để ngắm. Vốn đang khó khăn thì phải tính, giống như cứu đói phải cứu nơi đói khát trước. Về lâu dài thì phải đầu tư, nhưng trong bối cảnh hiện nay, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn bỏ ra, nên thu hẹp đầu tư, dành vốn để làm quốc lộ 1A, tránh tình trạng chỗ cần đi thì không có đường, chỗ không cần thì có đường để ngắm”, ông Đương nói.

Trước đó, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng đã trình Quốc hội xem xét điều chỉnh Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh. Theo đó, dự án này sẽ được điều chỉnh về chiều dài, hướng tuyến, quy mô, phân kỳ đầu tư… Cụ thể, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được điều chỉnh tăng thêm 16km (từ 3.167km lên 3.183km). Lý do điều chỉnh là nhằm tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng. Đề xuất này cũng nêu tuyến chính giảm 168 km, nhánh Tây tăng 184 km.

Về vốn đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 cho việc thực hiện thông tuyến 2 làn xe là khoảng 103.682 tỷ đồng, nhưng mới chỉ có 40.763 tỷ đồng. Trừ huy động vốn từ BT và BOT, Chính phủ đề nghị bổ sung vốn từ trái phiếu Chính phủ 24.003 tỷ đồng. Ủy ban Khoa học-Công nghệ-Môi trường đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ vì nếu tính cả vốn cho thực hiện các dự án đường ngang kết nối với đường Hồ Chí Minh thì yêu cầu về vốn là một thách thức không nhỏ.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục