Hướng dẫn chậm, luật bị “vô hiệu”

• Mới ban hành được 1/45 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1-10-2013

• Mới ban hành được 1/45 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1-10-2013

(SGGPO).- Sáng 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua.

Qua thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, trong số 46 luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định chi tiết 363 nội dung, phải ban hành 273 văn bản. Trong đó có 275 nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 35 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành (tính đến hết tháng 7/2013) và 88 nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, đến nay đối với 35 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ mới ban hành được 76/228 văn bản quy định chi tiết, còn 152/228 văn bản chưa được ban hành; đối với 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực mà trong đó có những văn bản sẽ có hiệu lực từ 1-10-2013 thì mới có 1/45 văn bản quy định chi tiết đã được ban hành.

Như vậy, so với tổng số văn bản cần quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thì tính đến thời điểm này mới có 76/228 văn bản (chiếm 33,3%) được ban hành còn 152/228 văn bản (chiếm 66,7%) chưa được ban hành. Và nếu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết” thì số lượng văn bản được ban hành đúng thời điểm còn ít hơn rất nhiều.

Đáng chú ý là trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì có đến 46 văn bản quy định chi tiết Luật xử lý vi phạm hành chính và 10 văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi), mà đây lại là hai trong số văn bản luật có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi. Việc này không chỉ vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Đây là vấn đề cần được xem xét một cách toàn diện, nghiêm túc để sớm tìm ra giải pháp khắc phục”.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ bức xúc và đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân người đứng đầu các cơ quan về vấn đề này. “Trong thời gian chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết thì “khoảng trống” đó Chính phủ đã giải quyết như thế nào trong điều hành, quản lý, áp dụng pháp luật và đã có giải pháp thiết thực nào để khắc phục?”, ông Phan Trung Lý chất vấn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiếp lời: “Không ra được hướng dẫn vì chất lượng xây dựng pháp luật không tốt, bản thân luật, pháp lệnh đã không khả thi hay do thiếu tinh thần trách nhiệm, phải làm rõ mới gỡ được”.

Nhắc lại yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội là “trình luật phải kèm theo dự thảo nghị định hướng dẫn”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Cứ như thế này, đến khi ra được nghị định thì luật có khi đã lỗi thời, phải sửa”.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng cho biết, bà “giật mình” vì tỷ lệ văn bản hướng dẫn chậm ban hành lại cao đến như vậy.

Bà Nương đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát, làm chặt ngay từ khâu chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật, kiên quyết bỏ ra ngoài những dự án chuẩn bị sơ sài, không đầy đủ thủ tục. 

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhắc nhở, cũng cần đánh giá rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các đại biểu, đoàn đại biểu và các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực này. Ông Dũng nhấn mạnh yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan soạn thảo, thẩm tra các dự án luật có liên quan, tránh tình trạng luật “đá” luật; nghị định “va” nghị định...

Theo quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh người có công với cách mạng và Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối vơi người có công đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng và phải cơ bản hoàn thành trong hai năm 2012-2013. Phải đến ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Tuy nhiên, đến nay (tháng 9/2013) số người có công được hỗ trợ về nhà ở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do Ủy ban thường vụ Quốc hội đề ra.

(Trích Báo cáo thẩm tra sơ bộ ngày 19-9-2013 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội)

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục