Một thời tuổi trẻ dấn thân

Tuổi trẻ được thử thách là may mắn. Bộ phim tài liệu Một thời tuổi trẻ ở R (*) cho thấy lớp trẻ đã vượt qua mọi gian lao, thử thách, đã làm được nhiều việc, đã trưởng thành nhanh và đáp ứng những trọng trách lớn lao.
Một thời tuổi trẻ dấn thân

Tuổi trẻ được thử thách là may mắn. Bộ phim tài liệu Một thời tuổi trẻ ở R (*) cho thấy lớp trẻ đã vượt qua mọi gian lao, thử thách, đã làm được nhiều việc, đã trưởng thành nhanh và đáp ứng những trọng trách lớn lao.

Hệ thống giao liên, kết nối những con đường, đưa những đoàn cán bộ, chiến sĩ và khối lượng khí tài thông suốt với các chiến trường, từ hậu phương lớn vào R, từ R tỏa đi, như mạch máu luôn hoạt động không ngừng nghỉ, âm thầm mà dữ dội, khôn khéo và hiệu quả. Những con đường rừng nhỏ xíu, không tên, dễ lạc của miền Đông; những con đường của vùng đồng bằng, bưng biền mênh mông sông nước, không dễ tìm điểm hẹn; những con đường hợp pháp ra vào nội thành, qua mắt các trạm gác, tai mắt của kẻ địch, rất hiểm nguy… vậy mà các chiến sĩ giao liên đã vượt qua được hết, thật tài. Với quân số 12.000 chiến sĩ, 500 trạm giao liên, trong đó có một bộ phận không nhỏ của lực lượng ở R, họ xứng đáng là những anh hùng, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc.

Cảnh trong phim tài liệu Một thời tuổi trẻ ở R. Ảnh: T.L.

Hình ảnh lực lượng thanh niên xung phong chịu thương chịu khó, luôn sát cánh, cùng chung chiến hào với quân giải phóng, đảm nhận việc tải đạn, cáng thương, sửa đường, lấp hố bom và sẵn sàng chiến đấu đã làm xúc động lòng người. Nhất là đối với nữ thanh niên xung phong, có chị đã thồ bằng xe đạp hơn 300kg vượt đường rừng gập ghềnh, hiểm trở.

Cảm phục biết bao, các chiến sĩ áo trắng ở nơi rừng già 4 tầng cây tự nghiên cứu làm ra nhiều thứ thuốc kháng sinh, dịch truyền…, tiến hành nhiều ca phẫu thuật sinh tử, ghép xương, trị bệnh hiểm nghèo… để cứu các thương bệnh binh.

Ban Tuyên huấn R với 24B mà bộ phim chỉ gói trong 1 tập. Và tập phim đã nói lên được đặc điểm của một ngành có tính mũi nhọn và đa năng này. Qua đây, ta có thể hình dung được hoạt động của văn công giải phóng bám sát chiến trường, phục vụ chiến sĩ. Xưởng phim Giải Phóng mở trường điện ảnh giữa rừng, đào tạo phóng viên chiến trường, để có được những thước phim tài liệu quý giá. Nhiều bài hát hay của nhạc sĩ Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn… sáng tác từ cái nôi này. Nhiều lớp bồi dưỡng về hội họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Thái Hà… đã tạo nên những họa sĩ với nhiều tranh ký họa mang hơi thở của cuộc chiến đấu. Rồi các hoạt động của Báo Giải Phóng, Nhà in Giải Phóng lúc nào cũng rộn ràng với những tin, bài nóng hổi từ các mặt trận. Đài Phát thanh Giải Phóng đã phát đi tiếng nói của cách mạng qua các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Khmer… không chỉ thôi thúc, động viên chiến sĩ, đồng bào mà còn có sức tập hợp rộng lớn.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhiều anh chị em trưởng thành từ R, được đào tạo từ R, lao ngay vào những công việc tiếp quản, rồi tiếp tục học tập và sau này trở thành những người lãnh đạo các tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình ở TPHCM và các địa phương. Nhiều anh chị chiến sĩ áo trắng ở R sau này là giám đốc các bệnh viện lớn, là những thầy thuốc ưu tú… Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp ở Trung ương.

Tinh thần, nghị lực, ý chí vượt khó cùng sự giúp đỡ tận tình của đồng đội, của những người đi trước đã giúp người trẻ vươn lên, lớn lên cùng đất nước, làm được nhiều việc tưởng chừng như không thể.

Cảm ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn nhân dân đã tin cậy tuổi trẻ, mở đường và tạo dựng nên “bài ca ra trận” tuyệt đẹp của dân tộc, của tuổi trẻ Việt Nam. Giờ đây, với những thử thách không kém phần khắc nghiệt của thời bình, đang rất cần hào khí, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ để cùng viết nên bài ca xây dựng, làm cho nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như nguyện ước của Bác Hồ.

(*) Đạo diễn Nguyễn Minh Trí, do đài Truyền hình TPHCM và CLB Truyền thống kháng chiến Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương cục miền Nam thực hiện, đang phát sóng trên HTV9.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục