Điều chỉnh hoạt động phù hợp với nhu cầu xuất khẩu

Xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam được xem là hướng đi khả thi, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, kết quả còn rất khiêm tốn.
Mua sắm tại trung tâm thương mại Aeon. Ảnh: CAO THĂNG
Mua sắm tại trung tâm thương mại Aeon. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều tiềm năng

2016 là năm đầu tiên các DN phân phối thực hiện đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến 2020” do Bộ Công thương triển khai.

Theo đó, năm 2017 và 2018, hai nhà phân phối bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là Big C (do Tập đoàn Central Group Việt Nam sở hữu) và Aeon (Tập đoàn Aeon sở hữu) đều ký với Bộ Công thương về việc thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt sản xuất trong nước và thu mua xuất khẩu ra nước ngoài.

Hai hệ thống phân phối này cũng tổ chức các tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan và Nhật Bản để hỗ trợ DN Việt đưa hàng Việt tiếp cận trực tiếp với DN và người tiêu dùng bản địa.

Kết thúc 3 năm thực hiện từ 2016-2018, đại diện Central Group Việt Nam cho biết, mỗi năm đơn vị này xuất khẩu gần 50 triệu USD hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan, bao gồm các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, hóa mỹ phẩm, nội thất mỹ nghệ… 

Còn Tập đoàn Aeon xuất khẩu trực tiếp hàng hóa của Việt Nam vào hơn 14.000 cửa hàng của Aeon tại châu Á và Nhật Bản với tổng giá trị đạt khoảng 250 triệu USD, trong đó chủ yếu là hàng Việt Nam gia công cho thương hiệu TopValu (hàng độc quyền của Aeon). Mới đây, DN này đã ký kết với Bộ Công thương đến năm 2020 sẽ đẩy con số này lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD.

Hay Công ty MM Mega Market (trước đây là Metro), sau khi được một tập đoàn bán lẻ của Thái Lan mua lại đã nhanh chóng tái cơ cấu hoạt động kinh doanh tại các điểm phân phối và thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam.

Ông Đinh Quang Khôi, Trưởng phòng Marketing và quản lý khách hàng của MM Mega Market, cho hay phần lớn mặt hàng nông sản như khoai lang, thanh long, một số loại rau củ quả đang bán tại Big C Thái Lan đều có nguồn gốc từ Việt Nam. 

Tự hoàn thiện mình

Theo Bộ Công thương, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu dù đã có mặt tại nhiều thị trường, song phổ biến nhất vẫn phải thông qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Riêng hàng xuất khẩu trực tiếp qua các mạng lưới phân phối chiếm tỷ lệ rất thấp, cả về số lượng và giá trị kim ngạch. 

Mới đây, tại hội thảo - tập huấn và kết nối giao thương giữa DN Việt Nam và Nhật Bản, do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ phối hợp cùng Tập đoàn Aeon tổ chức, ông Yasuo Nishitoghe, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, nhìn nhận nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu nhưng giá bán chưa cạnh tranh. Điển hình như trái xoài của Việt Nam rất thơm ngon, nhưng khi đưa sang Nhật Bản thì không thể cạnh tranh với xoài của Pakistan, Thái Lan, Philippines.

“Cá nhân tôi muốn khách hàng mua xoài của Việt Nam. Nhưng để người tiêu dùng chọn mua, ngoài yếu tố về chất lượng và an toàn thực phẩm thì giá bán phải cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các nước khác đang có mặt trên cùng một thị trường. Để làm được việc này, rất cần các DN sản xuất, xuất khẩu nông sản hợp tác chặt chẽ với chúng tôi cùng cải thiện chất lượng, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành nhằm đủ sức cạnh tranh”, ông Yasuo Nishitoghe nói.

Theo kinh nghiệm của các DN Việt đã thành công trong việc xuất khẩu trực tiếp hàng vào các kênh phân phối của DN FDI, mặc dù hoạt động kết nối, hỗ trợ của cơ quan chức năng có vai trò quan trọng, dẫn dắt, nhưng vấn đề then chốt đó là sau kết nối, DN phải nắm bắt được yêu cầu của hệ thống phân phối FDI và tổ chức cải tổ hoạt động sản xuất như thế nào để đạt được tiêu chuẩn với chiến lược dài hạn.

DN nên thoát khỏi quy trình truyền thống là sản xuất rồi mới kiếm thị trường, mà nên tham gia sâu vào chuỗi giá trị để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Đại diện Công ty CP Việt Nam cho biết, năm 2018 đã xuất qua hệ thống Aeon Nhật Bản 1.000 tấn cá ba sa. Sản phẩm được người tiêu dùng Nhật ưa chuộng do DN đã đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật, từ việc thay đổi thức ăn để cá có độ tươi ngon cao, đến đầu tư thiết bị sản xuất mới để giảm giá thành… nên sản phẩm xuất khẩu tăng dần qua mỗi năm.

Tương tự, ông Ngô Đức Trung, đại diện Công ty Phú Bảo (đơn vị sản xuất mặt hàng khẩu trang), xác định: “Việc đưa hàng Việt vào được hệ thống của Aeon tại Nhật Bản và các quốc gia có hiện diện điểm bán của Aeon, cũng đồng nghĩa DN đã đứng vào chuỗi phân phối toàn cầu và có thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh quốc tế. Nhưng để làm được việc này, công ty phải mất 13 năm kiên trì đầu tư và chỉ thực sự đi vào xuất khẩu trong 4 năm gần đây. Đây là thành quả của cả quá trình tuân thủ nghiêm các quy định từ khâu nguyên liệu, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng thì mới có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, hướng đến phát triển bền vững”, ông Ngô Đức Trung kết luận.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, nhận định để hàng hóa của DN Việt vào được các kênh phân phối hiện đại của nước ngoài vẫn là bài toán khó. Bởi ngoài vấn đề chất lượng, sản phẩm mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh, DN còn cần phải hiểu rõ quy trình và tiêu chí xuất khẩu sản phẩm vào hệ thống phân phối của nước sở tại. Điều quan trọng là DN Việt chưa có sự kết nối để đủ sức đáp ứng các đơn hàng lớn của đối tác.

Tin cùng chuyên mục