Đừng bê nguyên xi

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học cho phù hợp với các quy định mới về giáo dục tiểu học, nhất là mô hình trường học mới mà ngành giáo dục đang nhân rộng. Ngay lập tức, dự thảo đã tạo nên một “cơn sóng” trong dư luận.

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học cho phù hợp với các quy định mới về giáo dục tiểu học, nhất là mô hình trường học mới mà ngành giáo dục đang nhân rộng. Ngay lập tức, dự thảo đã tạo nên một “cơn sóng” trong dư luận.

Theo dự thảo này, học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học chia thành các tổ, ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ, ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.

Dự thảo cũng quy định về cách đánh giá học sinh tiểu học theo tinh thần Thông tư 30 (bỏ chấm điểm, thay bằng nhận xét). Về hình thức khen thưởng, kỷ luật ở bậc tiểu học, dự thảo nêu rõ, học sinh có tiến bộ vượt bậc, có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện được nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng theo các hình thức: khen trước lớp, khen trước toàn trường, tặng giấy khen. Đối với học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, giáo viên không được công bố tên học sinh trước cả lớp và tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với gia đình nhằm giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm…

Thực tế, đây đều là những vấn đề mà hiện nay ngành giáo dục đã và đang thực hiện thông qua mô hình trường học mới (VNEN), cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, tới đây chỉ là được hệ thống lại qua Điều lệ trường tiểu học. Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, VNEN được Bộ GD-ĐT thực hiện thí điểm 3 năm qua, từ chỗ triển khai tại 1.500 trường tiểu học ở nhiều vùng miền, hiện tại đã nhân rộng trên khắp cả nước và đã triển khai lên cả bậc THCS. Đây là một trong những mô hình giáo dục tiểu học thành công nhất trên thế giới và từng được UNESCO khuyến khích nhân rộng. Điểm nổi bật của mô hình này là cách học: học sinh được trao quyền chủ động tự nghiên cứu môn học, mỗi bạn sẽ luân phiên làm nhóm trưởng, lớp trưởng và tự nghiên cứu bài học, còn giáo viên chỉ là người hỗ trợ. Thực tế, sau khi áp dụng ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT rất tự tin với mô hình trường học này. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ thích thú khi con họ được theo học mô hình VNEN, vì các em được tương tác, trao đổi chủ động nhiều hơn trong lớp… Từ thực tiễn đó, Bộ GD-ĐT đã đưa vào Điều lệ trường tiểu học sắp ban hành những điểm mới của mô hình dạy học trên.

Vậy tại sao mô hình này lại vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo Điều lệ trường tiểu học? Nói một cách công bằng, sự phản ứng của xã hội chỉ nằm ở quy định lớp tiểu học sẽ có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh. Hầu hết các ý kiến phản ứng đều cho rằng, chức danh lớp trưởng ở bậc tiểu học là cụm từ chuẩn xác, giản dị, dễ hiểu, chỉ đúng chức năng vai trò của lớp trưởng trong một lớp học. Chức danh “chủ tịch”, “phó chủ tịch” chỉ gây thêm rắc rối không cần thiết cũng như rất dễ tạo nên sự háo danh, ảo tưởng bản thân cho các em nhỏ.

Tiếp thu không có nghĩa là bê nguyên xi. Cần phải biết chắt lọc những gì phù hợp nhất với thực tiễn của Việt Nam. Đơn cử như với mô hình trường học mới, không nhất thiết phải có thêm chức danh “chủ tịch” có thể gây hệ lụy ở bậc tiểu học khi mà lứa tuổi các em còn nhỏ. Ngay tại Việt Nam, ở nhiều trường quốc tế, họ cũng không sử dụng chức danh “chủ tịch”. Thay vào đó, ở cấp tiểu học, mỗi tháng bầu lớp trưởng một lần, qua đó các cháu sẽ tự nhận xét lẫn nhau và tự bầu người mình chọn (học sinh có thể tự ứng cử nếu mình tự tin). Khi tiến hành bầu lớp trưởng, học sinh có dịp nhìn lại mình để tiến bộ hơn, rất vui vẻ và tự giác, người lớn không can thiệp sâu vào, giáo viên chỉ theo dõi và định hướng. Mọi việc rất nhẹ nhàng thoải mái như một trò chơi có tính giáo dục...

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục