Sơ kết 2 năm chương trình đào tạo tiên tiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đội ngũ giảng viên đóng vai trò quyết định

Giảng dạy bằng tiếng Anh: trò không hiểu cô nói gì!
Sơ kết 2 năm chương trình đào tạo tiên tiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đội ngũ giảng viên đóng vai trò quyết định

Chương trình tiên tiến thì giáo viên (GV) cũng phải tiên tiến. Ngoài chuyện bằng cấp ra thì phương pháp giảng dạy của đội ngũ này cũng hết sức quan trọng. Nếu lực lượng GV chưa sẵn sàng, chưa đủ trình độ khoa học và phương pháp giảng dạy thì sẽ lại cho ra những sản phẩm như cũ – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại buổi sơ kết 2 năm thí điểm triển khai chương trình đào tạo tiên tiến (CTĐTTT) tổ chức tại Hà Nội, ngày 7-6.

Giảng dạy bằng tiếng Anh: trò không hiểu cô nói gì!

Theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH), điểm khác biệt giữa CTĐTTT với các chương trình tài năng, chất lượng cao và chương trình liên kết là chương trình đào tạo được “nhập khẩu” từ các trường ĐH tiên tiến trên thế giới và được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Sơ kết 2 năm chương trình đào tạo tiên tiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đội ngũ giảng viên đóng vai trò quyết định ảnh 1

SV Khoa Điện tử ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hành kiểm tra linh kiện bo mạch. Ảnh: MAI HẢI

Tuy nhiên, thực tế sau 2 năm triển khai cho thấy, ý tưởng dù tốt đẹp nhưng triển khai không đồng bộ, không chuẩn bị đội ngũ giảng dạy nắm vững chuyên môn, tiếng Anh kém, phương pháp giảng dạy không thay đổi thì “ý tưởng sẽ trở thành nạn nhân” và sinh viên trở thành vật thí nghiệm.

Vẫn theo bà Trần Thị Hà, các cuộc kiểm tra CTĐTTT tại 9 trường ĐH do Vụ GDĐH tiến hành, bên cạnh một số GV Việt Nam có kinh nghiệm giảng dạy ở nước ngoài được sinh viên đánh giá cao thì nhiều GV phát âm tiếng Anh không chuẩn, diễn đạt còn hạn chế khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu bài.

Thậm chí, khi dự giờ tại khoa Tài chính – Ngân hàng của ĐH Kinh tế Quốc dân, Tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã thất vọng khi thấy ở lớp, trợ giảng chỉ chiếu slide lên và đọc, tiếng Anh yếu nên không có trao đổi gì giữa cô và trò. Trò không hiểu cô nói gì, đọc gì; trong lớp học không thấy tài liệu, bài tập, bài giảng tiếng Anh, chỉ thấy một số sách, bài tập, giáo trình bằng tiếng Việt (!).

Nhưng điều bức xúc nhất khi triển khai CTĐTTT là trình độ, năng lực và phương pháp giảng dạy của GV hầu như không thay đổi. Kiểm tra 10 CTĐTTT tại 9 trường ĐH thì những “bức xúc” của Tổ công tác cũng tập trung vào đội ngũ GV.

Nhìn chung, phương pháp giảng dạy của GV Việt Nam nặng về thuyết trình, khả năng dẫn dắt sinh viên hạn chế, bài giảng chưa cuốn hút, không phát huy được khả năng sáng tạo và tự học của GV. Thậm chí sinh viên Trường ĐH Bách khoa còn nhận xét, đây là chương trình của nước ngoài dạy theo kiểu Việt Nam: đọc chép là chính.

“Đừng làm khổ sinh viên”

Một trong những điều kiện tiên quyết giúp CTĐTTT triển khai thành công là sự có mặt của các GV nước ngoài đến từ các trường đối tác. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 2 năm triển khai, có CTĐTTT vẫn chưa hề có sự tham gia của GV nước ngoài. ĐH Kinh tế Quốc dân đã có thỏa thuận hợp tác với ĐH Long Beach (thuộc ĐH bang Califonia – Hoa Kỳ) đào tạo ngành tài chính nhưng cho đến nay, hầu như chưa có GV nước ngoài giảng dạy, kể cả tiếng Anh, cuối năm thứ nhất có mời 2 GV nước ngoài của một số Trung tâm ngoại ngữ đến dạy.

Ở các trường khác, tuy đã mời GV nước ngoài nhưng thời gian giảng dạy rất ngắn, phần lớn các trường chỉ mời GV giảng dạy trong 2 tuần, sinh viên phải chịu sức ép về thời gian và khối lượng kiến thức – bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết.

Nhận xét về quá trình triển khai thí điểm CTĐTTT, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh: Chương trình tiên tiến thì GV cũng phải tiên tiến. Ngoài chuyện bằng cấp ra thì phương pháp giảng dạy của đội ngũ này cũng hết sức quan trọng. Nếu lực lượng GV chưa sẵn sàng, chưa đủ trình độ khoa học và phương pháp giảng dạy thì sẽ lại cho ra những sản phẩm như cũ. Nếu nơi nào chưa đủ GV có trình độ thì phải mượn ở nơi khác. Trong trường hợp không mượn được thì phải mời, thuê GV nước ngoài.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc đánh giá đúng trình độ GV tham gia CTĐTTT thời gian qua các trường thực hiện chưa tốt. Do đó ông đề nghị ngay trong năm học mới các trường phải có đánh giá chất lượng SV, GV, nhất là ở trình độ tiếng Anh.

Ông yêu cầu: “GV phải được kiểm tra trước khi giảng dạy. Các trường thành lập một hội đồng kiểm tra, trong đó có cả GV người nước ngoài để đánh giá trình độ của GV trong nước, đừng để đến khi giảng dạy lại làm khổ SV”.

Việt Lan

Tin cùng chuyên mục