Xung quanh dự thảo quy chế thí điểm chuyển đổi đơn vị công lập có thu

Có nên biến đại học công lập thành công ty cổ phần?

Có nên biến đại học công lập thành công ty cổ phần?

(SGGP-12G).- Bộ Tài chính vừa ban hành dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, trong đó có lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Trước vấn đề này, để rộng đường dư luận, Báo SGGP ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, kinh tế…

Cách đặt vấn đề có… vấn đề

Về vấn đề này, PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH - NV TPHCM cho rằng: “Tôi hoàn toàn thông cảm với việc Nhà nước đang tìm cách đổi mới giáo dục đại học, tuy nhiên chuyện chuyển đổi trường học thành công ty cổ phần là không đúng. Giáo dục là loại hình đặc biệt, trong đó sản phẩm loại hình này tạo ra cuối cùng đó là con người với kỹ năng lao động và lý tưởng tâm hồn (văn hóa, đạo đức, nhân sinh quan, thế giới quan…).

Dù biết rằng trong lĩnh vực giáo dục có khía cạnh kinh tế và nó có thể giữ vai trò chi phối nhưng con người mới là yếu tố chi phối quyết định trong nền giáo dục. Nói chung đây là đề án mà cách đặt vấn đề không đúng chứ chưa cần bàn sâu vào nội dung chi tiết”.

ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Ông Sen đưa ra minh chứng: Trên thế giới hiện nay, ở các nước có nền giáo dục phát triển mạnh, người ta vẫn không đặt vấn đề này. Chẳng hạn như Mỹ, hệ thống các trường đại học tư - nơi mà lợi nhuận chi phối - thì họ vẫn không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu và không ai bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực giáo dục với ý định thu lợi nhuận làm giàu.

Còn ở Nhật Bản hay các nước châu Á, hệ thống các trường tư cũng không có chuyện chia chác lợi nhuận. Thậm chí nhà nước Nhật Bản còn hỗ trợ cho trường tư các khoản phụ cấp tương đương với một số trường công. Đứng về mặt nào đó coi như nhà nước bao cấp toàn bộ. “Trường công, trường top không bao giờ được xem như là công ty cổ phần” - ông Sen nhấn mạnh.

Ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM - cũng tỏ ra không đồng tình trước dự thảo này: “Theo quy định của Luật Giáo dục Việt Nam thì hệ thống giáo dục chỉ tồn tại 2 loại hình đó là trường công lập và dân lập.

Do đó, việc chuyển trường công thành công ty cổ phần thì coi như chúng ta đã bán hẳn nó. Trong khi đó, lĩnh vực giáo dục là một lĩnh vực mà Nhà nước phải có trách nhiệm với nó. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực thể hiện bản chất của chế độ Nhà nước ta. Do đó, tôi cho rằng chuyện chuyển đổi trường công thành công ty cổ phần là không nên”.

PGS.TS Nguyễn Việt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM - thì tỏ vẻ thận trọng: “Theo tôi nên chia một số chuyên ngành, trường học ra hai hướng, một bên hoàn toàn công, một bên có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Có như vậy sẽ vừa chia sẻ gánh nặng về ngân sách cho nhà nước, vừa đảm bảo được nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo con người. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức hệ trọng nên Nhà nước cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định chính thức”. 

Người nghèo sẽ khó có cơ hội đến trường

Một nội dung của dự thảo khi đặt vấn đề chuyển đổi là để nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Về vấn đề này, ông Lê Hiếu Đằng nói: “Tôi không nghĩ việc chuyển đổi là để nâng cao chất lượng. Điều này hoàn toàn chưa chắc chắn. Bởi lẽ, khi đã chuyển đổi trường công thành công ty cổ phần thì sẽ có chuyện chạy theo lợi nhuận mà quên đi chất lượng đào tạo. Chưa hết, khi chúng ta chuyển đổi thì hệ quả là con em gia đình nghèo sẽ khó có cơ hội đến trường vì không có điều kiện chi trả những khoản thu mà những trường này đưa ra”.

Có nên biến đại học công lập thành công ty cổ phần? ảnh 2

Sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên học tập trong thư viện. Ảnh: Mai Hải

PGS.TS Võ Văn Sen thì cảnh báo: “Nếu chúng ta thực hiện mô hình chuyển đổi trường công thành công ty cổ phần thì sẽ xuất hiện một số hệ quả. Đó là sẽ không có mạnh thường quân, cựu sinh viên nào lại dám đem biếu tặng nguồn tài chính lớn cho một trường do tư nhân làm chủ.

Ngoài ra, những nguồn học bổng tài trợ cho học sinh từ các tổ chức xã hội trong và ngoài nước ủng hộ phi lợi nhuận vốn được duy trì lâu nay cũng sẽ không còn. Nghiêm trọng hơn, khi chuyển sang mô hình hoạt động của công ty cổ phần thì ai có nhiều vốn sẽ hoàn toàn khống chế đường lối phát triển của nhà trường. Mà mỗi khi cá nhân đã nắm lấy quyền thì hậu quả sẽ rất khó lường”.

Với những gì mà dư luận xã hội đang xôn xao xung quanh dự thảo này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có cái nhìn thấu đáo để làm sao thực hiện đúng chủ trương mà Đảng và Nhà nước ta đề ra: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. 

Đình Lý

Tin cùng chuyên mục