Khi trò chán làm... học sinh giỏi

Từ chối thi học sinh giỏi!
Khi trò chán làm... học sinh giỏi

Đề án phát triển hệ thống trường chuyên giai đoạn 2010-2020 với kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng là bước đột phá trong việc đầu tư phát triển nhân tài, thu hút học sinh giỏi. Nhưng, “vòng kim cô” buộc những học sinh ưu tú ở các trường chuyên xa lìa dần các kỳ thi quốc gia, quốc tế không phải nằm ở vấn đề “tiền đâu” mà là do chế độ khuyến khích thiếu thỏa đáng.

Học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) trong giờ học Anh văn. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) trong giờ học Anh văn. Ảnh: MAI HẢI

Từ chối thi học sinh giỏi!

“Kiến thức, tâm lý đã chuẩn bị cẩn thận, đội tuyển sẵn sàng chờ ngày đi thi học sinh giỏi quốc gia. Bất ngờ, cách ngày thi chừng 2 tuần, 2 học sinh trong đội tuyển Vật lý xin rút tên khỏi đội tuyển chỉ có 6 người. Nhà trường tìm đến phụ huynh mới vỡ lẽ: Một học sinh chuẩn bị tiếng Anh và hoàn tất hồ sơ xin đi du học nên thi học sinh giỏi chẳng để làm gì, em còn lại phải dành thời gian cho việc luyện thi vào một trường đại học có tiếng…”, thầy Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) nhớ lại.

Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định tuyển thẳng đại học (ĐH) đối với học sinh giỏi quốc gia khiến học sinh càng phải cân nhắc khi tham gia các đội tuyển đi thi. Dù đoạt giải hay không đoạt giải, các em vẫn phải tiếp tục “chạy đua” lấy lại kiến thức các môn không chuyên mới có cơ hội thi đậu vào ĐH.

Mục tiêu phát hiện, đào tạo tài năng của trường chuyên giờ đây ngày càng thu hẹp quy mô. Đại đa số học sinh chuyên cũng chăm chú vào mục tiêu đậu ĐH hoặc đi du học.  Đội tuyển môn Địa lý năm nay của TPHCM chỉ có 1 em là học sinh lớp 12, còn lại 5 em là học sinh lớp 11.

Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn Sở GD-ĐT, có kinh nghiệm nhiều năm luyện tập cho học sinh giỏi chia sẻ: Từ ngày bỏ chế độ tuyển thẳng đến nay, học sinh càng quay lưng với khát vọng làm… học sinh giỏi. Đặc biệt là những môn xã hội ít cơ hội ứng dụng vào kỳ thi ĐH.

Môn tiếng Pháp vốn là thế mạnh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) nhưng vài năm gần đây, học sinh chỉ dự thi cho có. Vòng 1, các em làm bài được 15-20 điểm nhưng đến vòng 2 chỉ… cố gắng được 0 điểm để khỏi vào đội tuyển.

Theo thống kê, TPHCM có khoảng 10.000 học sinh đang học tại các trường THPT chuyên, lớp chuyên nhưng ở năm học 2009-2010 chỉ có hơn 80 em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, 2 em giành thành tích trong kỳ thi quốc tế. Vì sao lại có xu hướng ngược tại sân chơi đầy danh giá này?

Thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: Muốn có chân trong đội tuyển quốc gia, học sinh phải trải qua vòng tuyển chọn cấp trường, rồi đến cấp thành, toàn quốc. Các em phải luyện ngày luyện đêm chỉ cho một môn thi, tạm ngưng học những môn văn hóa khác. Sau khi kỳ thi quốc gia kết thúc, các em phải lao vào bài vở để lấy lại những kiến thức đã bị mất trong thời gian chừng 1 tháng. Đó là chưa kể khả năng rớt tốt nghiệp có thể xảy ra.

Học sinh chuyên: “nuôi” nhưng thiếu “dưỡng”

Rõ ràng, với mục đích “học đường dài”, học sinh xác định mục tiêu xa hơn là đậu vào trường ĐH sau khi tốt nghiệp là chính đáng, tất yếu.

Tại hội thảo về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tuyển chọn và tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, nhiều đại biểu đề xuất cần khôi phục lại chế độ ưu tiên đối với học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

GS-TS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN chỉ rõ: Thành tích của đội tuyển Việt Nam tại kỳ thi Olympic quốc tế đang giật lùi khi giành 8 huy chương vàng vào năm 2008 nhưng đến năm 2010 chỉ có 2 huy chương vàng, kéo theo vị trí của đoàn Việt Nam cũng sụt giảm so với các nước.

Vị trí của đội Olympic Toán học Việt Nam những năm gần đây thường xếp từ 11-15. Từ đó, GS-TS Hà Huy Khoái đề xuất cần khôi phục lại chế độ tuyển thẳng đại học đối với học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế vào các ngành khoa tương ứng với môn đoạt giải. Điều này tạo sự liên tục trong bồi dưỡng các nhân tài tương lai.

Thầy Võ Anh Dũng dẫn chứng những bất cập và sự thiếu liên thông hiện nay: Các em học chuyên vốn được đầu tư rất nhiều ngay từ gốc, có nền tảng tốt nhưng khi lên ĐH vẫn học bình thường, không được bồi dưỡng tiếp nối. Học sinh được học chuyên để nâng cao ngay ở trường phổ thông nhưng khi lên ĐH không được công nhận hay học tiếp mà phải học lại từ đầu. Trường chuyên ở Việt Nam thiếu tính độc lập.

Thậm chí, chương trình và cách giảng dạy ở trường chuyên cũng bị bó hẹp như ở trường thường trong khi đối tượng học sinh có học lực khác nhau. Đã thế, các trường phải chạy cho kịp chương trình của bộ để kịp dạy thêm cho các em những chuyên đề chuyên sâu của môn chuyên, hệ bài tập riêng... Trường chuyên ở các nước Thái Lan, Singapore được gửi học sinh học một số tín chỉ ở bậc ĐH. Đến khi lên ĐH, các em đều được công nhận kết quả này.

Theo thầy Nguyễn Thanh Hùng, cần có sự liên thông ở cả bậc học và môn học từ phổ thông lên đại học để phát triển liên tục năng khiếu của người học. ĐHQG TPHCM cũng đã đề xuất chế độ tuyển thẳng đối với học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế từ trường phổ thông năng khiếu nhưng không được chấp thuận.

Thi học sinh giỏi là một sân chơi và cũng cần khuyến khích các em có tinh thần tham gia sân chơi học thuật đầy vất vả này. Hơn nữa, đây lại là kỳ thi cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức, là môi trường để phát hiện những cá nhân có tiềm năng khoa học.

Vì sao chúng ta không thể tuyển thẳng các em đoạt giải trong khi kỳ thi ĐH vẫn ưu tiên cho học sinh vùng sâu vùng xa, đối tượng chính sách?

Tiêu Hà

Tin cùng chuyên mục