Đổi mới giáo dục đại học - Cần tầm nhìn cao hơn, thấu đáo hơn

PGS-TS NGUYỄN HỮU CHÍ, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương:
Đổi mới giáo dục đại học - Cần tầm nhìn cao hơn, thấu đáo hơn

Sau hơn hai tháng làm việc với các trường ĐH, CĐ và các bộ ngành về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” (giai đoạn 1998-2009), hôm qua, 30-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo kết quả giám sát. 
 
Cải cách vội vã là bóp chết cải cách
 
 “…Tôi xin chị Tòng Thị Phóng, anh Đào Trọng Thi phải nhìn ở tầm cao hơn, thấu đáo hơn để trình những kiến nghị rõ hơn khi báo cáo với Đại hội Đảng sắp tới nhằm đưa ra những quyết sách đúng đắn…”. Lời mở đầu khẩn khoản của GS Nguyễn Ngọc Trân khiến cuộc hội nghị trở nên “nóng” hẳn.
 
Với tư cách là một chuyên gia độc lập, GS Phạm Phụ một lần nữa đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề của giáo dục đại học một cách căn cơ, bắt đầu từ những cơ sở lý luận. Ông nói: “Tôi thức cả đêm để đọc báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin đóng góp như sau: Thứ nhất, vấn đề làm luật có hai phần: nội dung và hình thức. Về nội dung, muốn làm luật phải có nghiên cứu sơ bộ, các văn bản, chính sách… rồi hình thành cơ quan nghiên cứu chính sách, đằng này chúng ta lại làm theo quy trình ngược. 
 
Tôi xin đưa ra một ví dụ về dự thảo chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục. Ở đây có anh Phạm Vũ Luận (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) biết rõ vấn đề này. Chúng ta đưa ra dự thảo đã hai năm rồi nhưng vẫn chưa đưa ra được văn bản chính thức bởi trong dự thảo chúng ta lờ đi chuyện lợi nhuận bằng những chữ “không được chia lợi nhuận mang về nước ngoài”. Khi đầu tư họ phải đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu. Ngoài ra, việc sử dụng những từ ngữ như “dịch vụ”, “tài sản chung không chia”, “cơ sở cổ phần”... đã tạo nên khoảng mờ khó hiểu. Với những khoảng mờ đó, người chân chính thì ngại còn những người khác thì lợi dụng”.
 
GS Nguyễn Ngọc Trân cũng lặp lại điều mình đã yêu cầu trong những lần làm việc trước một cách quyết liệt: “Tôi đề nghị làm rõ hơn điều 20 của Luật Giáo dục về vấn đề xã hội hóa giáo dục. Vấn đề này tôi đã nói trước đây nhiều lần. Trong xã hội hóa giáo dục chúng ta không tránh được hoạt động vì lợi nhuận. Nếu vì lợi nhuận thì xin mời anh vào hoạt động theo luật doanh nghiệp chứ không lý do gì phải ngụy trang. Còn nếu anh không vì lợi nhuận Nhà nước sẽ có những chính sách riêng cho anh”.

GS Nguyễn Ngọc Trân kiến nghị làm rõ vấn đề xã hội hóa giáo dục và hệ thống văn bản pháp luật đang chồng chéo.

GS Nguyễn Ngọc Trân kiến nghị làm rõ vấn đề xã hội hóa giáo dục và hệ thống văn bản pháp luật đang chồng chéo.

Đồng quan điểm, GS Phạm Phụ cũng quyết tâm đòi phải “làm” cho ra khái niệm: “vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận”. Ông nói: “Bây giờ việc phân biệt công tư không quan trọng bằng việc làm rõ lợi nhuận hay không lợi nhuận và việc tăng thuế hay tăng học phí. Nếu những trường vì lợi nhuận tức là công ty. Nếu là công ty thì làm sao nhà nước cấp đất?”.Gút lại vấn đề này, GS Phạm Phụ cho rằng, hệ thống giáo dục đại học cần có những thay đổi mang tính nguyên lý. Tuy nhiên, cần có những chuẩn bị cho một cuộc cải cách giáo dục đại học thực sự vào những năm sắp đến bởi theo ông, cải cách vội vã là bóp chết cải cách.Mở trường - Cần cả lượng lẫn chất
Liên quan đến vấn đề trường đại học mọc lên như nấm, dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát kiến nghị: “Hạn chế cho mở thêm các trường đại học công lập, đặc biệt nên dừng mở trường công lập ở những địa phương có mức thu ngân sách thấp, thu không đủ bù chi”. Tuy nhiên, kiến nghị này vấp phải phản ứng từ các đại biểu. 
Giảng viên nước ngoài trong một tiết học tại lớp Quản trị Kinh doanh ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). Ảnh: MAI HẢI

Giảng viên nước ngoài trong một tiết học tại lớp Quản trị Kinh doanh ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). Ảnh: MAI HẢI

GS Phạm Phụ yêu cầu: “Nếu đã quan niệm sứ mệnh giáo dục ĐH là tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận tri thức thì phải chấp nhận thỏa hiệp giữa chất lượng với tính đại chúng. Về tốc độ tăng trưởng sinh viên trong báo cáo nêu trên 13% theo tôi là không cao vì các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia luôn trên 15%. Do đó, việc không thành lập trường ở những tỉnh khó khăn nên suy nghĩ lại”.GS Nguyễn Ngọc Trân đồng tình: “Tôi đồng ý quan điểm toàn dân đi học nhưng không thể ai cũng vào đại học được. Do đó, chất lượng giáo dục đại học phải nhìn lại toàn cục chứ hiện nay chúng ta tự biên tự diễn nhiều quá”. PGS-TS Thái Bá Cần cho rằng: “Việc kiến nghị không nên thành lập trường ở các tỉnh khó khăn tôi suy nghĩ hơi khác với nhiều đại biểu một chút. Hoa Kỳ không phải tự hào về Havard mà là họ tự hào về hệ thống trường đại học, cao đẳng cộng đồng. Chúng ta phải lấy trường CĐ Sư phạm ở các tỉnh làm làm nồng cốt để phát triển các trường cộng đồng cho các địa phương là rất tốt”.Ông Cần nhấn mạnh: “Chúng ta phải bình tĩnh để xem vấn đề chất lượng giáo dục đại học. Hiện nay quy mô đào tạo của chúng ta không hề làm giảm chất lượng ở những trường có truyền thống. Thêm một trường đại học ở Cà Mau hay Trà Vinh đào tạo với chất lựơng vừa phải cũng là điều đáng mừng chứ”.PGS-TS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TPHCM cũng cho rằng: “Nhu cầu học tập của xã hội hiện nay rất lớn. Đó là điều đáng mừng vì nước ta có truyền thống hiếu học. Nhưng học phải có sự phân tầng. Mở trường thì phải đảm bảo chất lượng chứ đừng biến trường ĐH thành trường CĐ, trung cấp. Có trường chỉ mới từ trung cấp lên CĐ vài năm đã nâng cấp lên ĐH. Như vậy liệu việc chuyển hóa đội ngũ, công tác quản lý có theo kịp. Tôi nói thật, trong hồ sơ thành lập của nhiều trường ĐH ngoài công lập tôi cũng bị ghi tên trong đó nhưng sau này mới biết. Đội ngũ còn không có thì làm sao nói đến chất lượng đào tạo”. 

PH.ĐÔNG - TH.HÙNG

PGS-TS NGUYỄN HỮU CHÍ, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương: Tôi nghĩ nên có kiến nghị lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư vì giáo dục nước ta đang cần một bước chuyển biến mạnh, nhanh hơn. Trong khi các hệ thống khác trong xã hội đang phát triển mạnh thì giáo dục lại phát triển quá chậm, chưa tương thích. Hơn nữa cần xem đổi mới quản lý giáo dục là chuyện thường xuyên và cải cách là phương thức mạnh mẽ nhất làm thay đổi nền giáo dục. Đổi mới phải thực hiện ở tư duy chứ đại học nước ta đang loay hoay việc truyền đạt kiến thức

PGS-TS PHAN THỊ TƯƠI, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM: Cứ như cơ chế quản lý như hiện nay, vài năm nữa cơ sở vật chất các trường công lập rồi sẽ ì ạch, nghèo nàn. Chúng ta đừng mong cứ cho nhiều trường đại học nước ngoài vào VN thì chất lượng đại học VN sẽ nâng cao. Tôi được biết, Trường ĐH Việt Đức đầu tư 100 triệu USD và tạo cơ chế hoàn toàn mở. Tôi nói thật, hãy đưa số tiền đó cho chúng tôi và cho chúng tôi cơ chế đó chúng tôi hoàn toàn làm được chứ không cần đến các chuyên gia nước ngoài.

Mỗi năm trường tôi thu chuyển giao công nghệ 50 - 53 tỷ nhưng nhà trường chỉ được 1 tỷ đồng. Cơ chế này hết sức phi lý. Đây là chất xám, trí tuệ của nhà trường bỏ ra chứ không phải của ai cả.

GS ĐÀO TRỌNG THI, Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: Chúng tôi xin tiếp thu nghiêm túc các ý kiến mà các thầy, các nhà quản lý, các đại biểu đóng góp để hoàn thiện thêm cho bản báo cáo trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói là bản báo cáo liên quan đến hoạt động giám sát nên còn hạn chế một số nội dung chứ không bao quát hết tất cả những nội dung khác của toàn ngành giáo dục. Chúng tôi chỉ kiến nghị, chuyển tải trong thẩm quyền của mình. Đương nhiên thông qua Quốc hội chúng tôi sẽ đưa những kiến nghị đến các đồng chí lãnh đạo cao hơn.

Xã hội hóa giáo dục theo tôi là vấn đề rất lớn nên cần phải nghiên cứu kỹ hơn và cần những chính sách cụ thể từ cấp cao nhất. Vấn đề “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” chúng tôi cũng thống nhất với tên gọi này để đề xuất kiến nghị lên Quốc hội làm rõ.

Chúng tôi cũng xin nói rõ, bản báo cáo không nói quy mô đại học hiện nay là xấu nhưng vấn đề là chất lượng phải tương quan với số lượng. Quy mô phải đảm bảo năng lực đào tạo còn hiện nay quy mô vượt xa năng lực đào tạo của các trường. Cơ chế đầu tư phải theo định hướng có trọng điểm, trọng tâm chứ không cào bằng như bây giờ.

Rất nhiều địa phương đăng ký thành lập trường nhưng UBND tỉnh đầu tư. Tuy nhiên, sau khi thành lập, các trường này lại quay sang xin ngân sách.

Về nội dung đề xuất trong bản báo cáo cũng có nhầm lẫn, lẽ ra phải ghi rõ là “ưu tiên mở những trường vốn đầu tư lớn và những trường không vì lợi nhuận” chứ không phải hạn chế mở trường công lập ở tỉnh và các trường vì lợi nhuận.

7 kiến nghị về chính sách, giải pháp giáo dục đại học

1- Tăng suất đầu tư hay mức chi phí lên khoảng 1.200USD/sinh viên/năm, nghĩa là khoảng hơn 2 lần so với hiện nay.

2- Áp dụng mô hình J-model cho giáo dục đại học của Việt Nam trong bài toán chia sẻ kinh phí và nguyên tắc: Chủ yếu người sử dụng dịch vụ giáo dục phải chi trả.

3- Thiết lập thêm vài chương trình cho sinh viên vay vốn khác (có thể không cần trợ cấp ẩn) nhằm tăng thu nhập cho các cơ sở đại học và mở rộng quy mô nền giáo dục đại học.

4- Khuyến khích phát triển các đại học tư thục nửa vì lợi nhuận và làm rõ quy chế không vì lợi nhuận.

5- Cấu trúc lại nền giáo dục sau trung học phổ thông dưới góc nhìn hiệu quả và chất lượng của cả hệ thống.

6- Xem xét hệ cử nhân 3 năm cùng với việc giảm số năm học và giảm tải ở giáo dục phổ thông.

7- Thực hiện xã hội hóa về quản lý giáo dục và triển khai việc xây dựng hội đồng trường song song với tăng quyền tự chủ cho các trường.

GS PHẠM PHỤ

Tin cùng chuyên mục