Ngăn chặn bạo lực học đường - cách nào?

Quan tâm hơn đến học sinh cá biệt

Ông NGUYỄN MINH TRUNG, phụ huynh em Nguyễn Thị Thanh Thảo, học lớp 10 Trường THPT Marie Curie (quận 3): Quan tâm hơn đến học sinh cá biệt

Mấy ngày qua, báo chí liên tục đưa tin về những vụ bạo lực trong nhà trường khiến tôi cũng cảm thấy lo lắng. Từ trước đến giờ gia đình vẫn thường xuyên nhắc nhở cháu nên chọn bạn mà chơi, sau những vụ bạo lực học đường xảy ra, tôi càng dặn cháu phải cẩn thận khi giao du, kết bạn. Nếu thấy bạn cùng lớp có dấu hiệu cãi vã lớn tiếng, hù dọa, xô xát nhau phải báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm để tìm hướng xử lý, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, cẩn thận mà dặn con như vậy thôi, chứ thật ra tôi nghĩ, những hành vi bạo lực đó chủ yếu chỉ xảy ra ở vài nhóm học sinh cá biệt. Gia đình và nhà trường cứ sợ các em bắt chước lẫn nhau nhưng trên thực tế không phải học sinh nào cũng có “máu anh chị” và dám làm những việc như vậy.

Trong khi đó, trường nào cũng có danh sách học sinh cá biệt của trường, điều quan trọng là các thầy cô phải quan tâm nhiều hơn  đến những trường hợp cá biệt, đặc biệt khi gia đình các em này gặp biến cố nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tâm lý không tốt đến các em. Chỉ cần kiểm soát tốt những học sinh cá biệt, tôi tin môi trường học đường sẽ trong sạch và lành mạnh, không còn những chuyện đáng tiếc như vừa qua.

Song để làm được điều đó, cần có sự “bắt tay” đồng bộ giữa nhiều bộ phận, tổ chức trong nhà trường. Trong đó, quan trọng nhất là vai trò của giáo viên chủ nhiệm, kế đến là các thầy cô giám thị, tổ tư vấn học đường cũng như sự quan tâm kịp thời của ban cán sự lớp, các tổ chức Đoàn, hội trong nhà trường.

Đừng xử lý nhún nhường

Đọc bài viết “Ngăn chặn bạo lực học đường - Cách nào?” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 7-4, tôi đồng tình với cách lý giải, đề xuất các giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, trong những giải pháp mà các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia đưa ra, tôi đồng tình với đề xuất của PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh và ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận về việc không nên quá nhân đạo mà phải có thái độ cương quyết, cứng rắn đối với học sinh hư, cá biệt.

Đúng vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi quan điểm về quản lý, áp dụng biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh. Trong trường hợp cần thiết, nên buộc thôi học đối với những học sinh cá biệt hoặc hành động bạo lực có tính tổ chức, thể hiện tính “đại ca, đại bàng”, uy hiếp tinh thần, gây hậu quả nghiêm trọng cho học sinh khác. Bởi lẽ, nếu “nhân đạo với vài học sinh hư là không nhân đạo với tất cả học sinh còn lại”, vì các em phải sống chung với bạo lực và mối đe dọa tiềm ẩn ở trường.

Chỉ cần một cơ hội nào đó, khi bảo vệ, giám thị và giáo viên không có mặt kịp thời thì mầm mống bạo lực đó có thể gây nên những vụ việc làm thương tích, án mạng đối với học sinh. Chính vì thế, cần phải có biện pháp ngăn chặn những hành vi bạo lực bị phát hiện hoặc đang tiềm ẩn ở trường học.

Thực tế cho thấy, việc buộc thôi học đối với học sinh cá biệt, đánh nhau thường xuyên sẽ giúp cho học sinh và phụ huynh của em đó tỉnh ngộ hơn và có tác dụng răn đe đối với những em khác. Còn chúng ta cứ nhún nhường, nhân đạo theo kiểu nửa vời thì không thể giữ được kỷ cương, trật tự trong nhà trường và khi đụng chuyện thì ai cũng ngỡ ngàng.

Như thế, giải pháp ngành giáo dục nên thành lập một số trường giáo dưỡng để tiếp nhận số học sinh hư, có nhiều sai phạm là cần thiết. Vào môi trường giáo dục đặc biệt này, các em sẽ có điều kiện sửa sai và khi tiến bộ sẽ có cơ hội quay lại trường học.

HẰNG THANH (Nguyễn Văn Khoái quận 12)

Chị NGỌC KHUÊ, chị gái của em Nguyễn Thị Ngọc Minh, học sinh lớp 10 Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh): Không phải là hiện tượng phổ biến

Những vụ bạo lực học đường gần đây khiến nhiều người - từ các nhà sư phạm, các bậc phụ huynh đến chính bản thân các em học sinh đặt ra nhiều vấn đề. Môi trường học đường chịu nhiều ảnh hưởng, trong đó áp lực trách nhiệm càng đè nặng hơn lên đôi vai vốn đã quá nhiều lo toan, vất vả của các thầy cô giáo.

Chuyện thầy hiệu trưởng Trường THCS Lê Lai (quận 8) phải làm đơn xin nghỉ việc khi ở ngôi trường này liên tiếp xảy ra các trường hợp học sinh đánh bạn đã phần nào nói lên sự quá tải về áp lực trách nhiệm. Vai trò giáo dục của “kiềng ba chân” gia đình - nhà trường - xã hội nay dồn hết lên nhà trường, trong khi đó, hai “chân” gia đình và xã hội lẽ ra phải cùng chung vai gánh vác thì nay lại quay ra đổ lỗi và dồn trách nhiệm cho nhà trường. Tôi nghĩ trong chuyện này, các thầy cô cần được chia sẻ, cảm thông nhiều hơn là kết tội.

Mặt khác, theo tôi nghĩ, những trường hợp học sinh gây gỗ, đánh lộn vừa qua chỉ là cá biệt. Trường học giống như một xã hội thu nhỏ, trong đó luôn có người tốt và người chưa tốt. Cảnh báo những chuyện chưa tốt là cần thiết song chỉ nên cảnh báo ở mức độ vừa phải, không nên đẩy hành vi cá biệt của một thiểu số lên thành hiện tượng phổ biến, gây hoang mang cho xã hội. Vấn đề là chúng ta tìm ra biện pháp giáo dục những cá thể chưa tốt đó như thế nào, chứ không phải là chuyện quy xét trách nhiệm, tạo ra tâm lý bất an chung cho cả cộng đồng.

THU TÂM ghi

Có thể buộc thôi học

Trước đây tôi có một thời gian làm giáo viên phụ trách nội trú ở một trường cấp 3 dân lập nên có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với những em học sinh tạm gọi là “cá biệt”. Những em này phần lớn là lười học, hỗn láo và sẵn sàng đánh nhau từ những nguyên nhân và lý do hết sức nhỏ nhặt. Tìm hiểu kỹ vụ việc và những bất ổn về tâm sinh lý của các em, tôi thấy phần đông những em này xuất thân từ những gia đình “có vấn đề”.

Cụ thể như em thì cha mẹ lo làm ăn nên phó thác mọi việc cho nhà trường, mỗi tháng đóng đủ tiền học là xong bổn phận làm cha mẹ. Em thì cha mẹ ly dị , em thì cha bỏ bê gia đình theo vợ bé, cũng có em xuất thân từ gia đình “quý tộc” nên muốn gì được nấy… Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng tựu chung là các em thiếu tình thương, hơi ấm của gia đình - chỗ dựa vững chắc trong quá trình lớn lên, hình thành nhân cách.

Chính vì thế, để giáo dục học sinh thì gia đình là quan trọng nhất. Khi hiểu rõ hoàn cảnh của các em thì chúng ta phải có giải pháp giáo dục và kỷ luật phù hợp. Thông cảm, chia sẻ với học sinh hư, học sinh có vấn đề là cần thiết nhưng khi các em có hành vi sai phạm nghiêm trọng thì không nên xem nhẹ, bỏ qua. Nếu sau nhiều lần giáo dục, uốn nắn mà các em không có tiến bộ thì nhà trường cũng nên áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Đó là thẳng thắn loại khỏi trường những trường hợp học sinh quá cá biệt, ngỗ ngược hay đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng cho học sinh khác.

MINH THÔNG

>> Thông tin liên quan:

Ngăn chặn bạo lực học đường - Cách nào?

Tin cùng chuyên mục