Kéo giảm bạo lực học đường: Chung tay ba phía

Chưa đủ “phương tiện” để ngăn chặn
Kéo giảm bạo lực học đường: Chung tay ba phía

Bạo lực học đường đang trở thành nỗi ám ảnh của cả xã hội. Những vụ bạo lực gần đây có phải do hành động bộc phát nông nổi của lứa tuổi học trò hay vì hậu quả của sự “vô cảm” từ gia đình - nhà trường - xã hội? Hội thảo “Phòng chống bạo lực trong nhà trường” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức chiều 9-4 đã thu hút đông đảo đại biểu của các ngành chức năng tham gia cùng mổ xẻ nguyên nhân và đề xuất các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Học sinh Trường THCS Kim Đồng quận 5 TPHCM vui đá cầu trong giờ chơi. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh Trường THCS Kim Đồng quận 5 TPHCM vui đá cầu trong giờ chơi. Ảnh: MAI HẢI

Chưa đủ “phương tiện” để ngăn chặn

Mở đầu hội thảo TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận “bạo lực học đường” đã trở thành vấn đề nóng bỏng và nhức nhối của cả xã hội, chưa làm an tâm phụ huynh học sinh và những ai quan tâm đến việc giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ. Hiện tượng đánh nhau của học sinh bỗng trở thành vấn đề đáng báo động nhưng chúng ta chưa có đủ “phương tiện” hiệu quả để ngăn chặn.

TS Đinh Phương Duy, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP cho rằng: “Đây là một hiện tượng xuất hiện từ nhiều năm với những mức độ khác nhau và phải đến khi có video clip nữ sinh đánh bạn được tung lên mạng mọi người mới quan tâm. Nếu chúng ta có cảnh báo sớm hơn, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này tình hình sẽ không đến nỗi trầm trọng đến vậy. Các bậc phụ huynh sốc và nhà quản lý giáo dục lo lắng cũng dễ hiểu bởi vấn đề đã vượt ngoài sức tưởng tượng của họ, họ đang cảm thấy “bất lực” trước tình trạng này và sợ bị… bạo lực tấn công. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cả xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục cần có sự thống nhất cần thiết để góp phần ngăn chặn và hạn chế bạo lực học đường”.

Nguyên nhân làm tình trạng bạo lực học đường gia tăng đã được các đại biểu mổ xẻ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Việc dạy chữ nặng hơn dạy người, bên cạnh đó môi trường sư phạm một số nơi chưa được đảm bảo gây phản cảm với học sinh như buôn bán lẫn lộn, giáo viên chưa gương mẫu, thậm chí thiếu nghiêm túc công bằng với học sinh… dẫn đến bạo lực trong nhà trường.

Cô Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường tư thục Thanh Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: L.LINH

Cô Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường tư thục Thanh Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: L.LINH

Hãy giải tỏa sự cô đơn cho các em!

TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhận định, nguyên nhân sâu xa của bạo lực học đường do các em trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi, cô đơn. Trong thời buổi kinh tế thị trường, cuộc sống cũng “lạnh lùng” hơn, cha mẹ ít dành thời gian cho con trẻ, cha mẹ ly hôn, sống thiếu quan tâm đến nhau. Một số gia đình khoán trắng việc dạy con cho nhà trường.

Trong khi đó sĩ số học sinh trong một lớp ngày càng đông khiến người thầy không thể theo sát học trò, khó can thiệp để kịp thời ngăn chặn mâu thuẫn. Thêm nữa, phòng quản sinh vốn là nỗi ác mộng của học trò, phải “thăm” phòng giám thị thường được hiểu là HS quậy, bị soi mói, viết kiểm điểm, giải quyết qua quýt... Nhiều lúc cách giải quyết không thấu tình đạt lý, khiến các em HS ngại thổ lộ khi gặp vấn đề, dẫn đến ức chế và phản ứng bằng hành động bạo lực là lẽ tự nhiên.

Ra ngoài xã hội, trẻ lại thấy cô đơn, hiếm có người lớn nào quan tâm thắc mắc xem vì sao HS lại đi lang thang trong giờ học? Bức xúc và quậy phá một hình thức “xả xú báp” đối với các em, lâu rồi thành thói quen và… đánh nhau để… “cân bằng” căng thẳng. Vì vậy, để giải quyết căn cơ vấn nạn bạo lực học đường cần giải tỏa sự cô đơn của HS. Chúng ta cần dạy trẻ hình thành kỹ năng sống trước khi đến tuổi đi học. Cha mẹ mới là những người thầy đầu tiên của các em.

Theo góc nhìn của TS Võ Văn Nam, khoa Tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TPHCM, bạo lực học đường còn phản ánh bạo lực trong xã hội, đó là hiện tượng xã hội chứ không đơn thuần tự giáo dục trong nhà trường. Thử hỏi nhà trường, thầy có thể ngăn được làn sóng bên ngoài xã hội tác động hàng ngày, hàng giờ? Các em HS phải chứng kiến những vụ xô xát, đánh nhau thường xuyên (bạo lực sân cỏ, bạo lực kinh doanh, bạo lực gia đình…) tác động đến nhận thức và các em nhận ra rằng những gì thầy cô răn dạy chỉ có ý nghĩa trên sách vở. Khi ra ngoài xã hội, các em cần phải thay đổi cách hành xử cho phù hợp, quan niệm mạnh được yếu thua để bảo vệ mình khỏi bị ăn hiếp… 

TS Huỳnh Công Minh khẳng định, áp lực học tập đè nặng những căng thẳng lên học sinh. Một buổi dồn 5 tiết học, học chữ còn không hết nội dung sách giáo khoa nói chi đến học làm người. Chúng ta chú ý đến khối THPT, nhất là HS lớp 10 luôn mang tâm lý mình đã lớn, thích chứng tỏ nhưng thực tế các em vẫn chưa trưởng thành, dễ nông nổi.

Vì vậy, cả xã hội cùng chia sẻ những khó khăn và trách nhiệm với ngành giáo dục. Gia đình cần quan tâm hơn nữa đến con em mình. Ngành văn hóa thông tin cần nghiêm cấm game bạo lực. Ngành giáo dục sẽ chỉ đạo chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, đề nghị các trường báo cáo thường xuyên để có sơ kết, tuyên dương khen thưởng những đơn vị làm tốt vấn đề này.

  • Thầy Lê Ngọc Trung, Phó ban hoạt động ngoài trời Trường Thiếu sinh quân, Củ Chi: Dạy kỹ năng giải quyết mâu thuẫn

Ngay đầu năm học, nhà trường cần nắm được sơ bộ danh sách các HS cá biệt, có dấu hiệu bạo lực để quản lý cho phù hợp. Cần dạy các em biết kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Phụ huynh cũng cần quan tâm, theo dõi hoạt động của con trẻ để cùng phối hợp với nhà trường ngăn chặn những xung đột có thể dẫn đến đánh nhau. Ngành công an cần phối hợp nhà trường ngăn chặn bạo lực trong và ngoài học đường.

  • Thạc sĩ Hà Trung Thành, giảng viên Trường Cán bộ TP: Tấm gương của người thầy sẽ ngăn chặn bạo lực học đường

Để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự phối hợp từ cái kiềng 3 chân: gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được HS. Sự tận tụy, yêu thương chân thành của người thầy sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của các em với mọi người chung quanh. Nhà trường cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho HS hơn là chạy theo bệnh thành tích để áp đặt lên vai các em những ước muốn phù phiếm của người lớn.

Lê Linh - Tiêu Hà

Thông tin liên quan

 
Ngăn chặn bạo lực học đường - Cách nào?

Tin cùng chuyên mục