Kết thúc buổi thi sáng 9-7: Đề văn khó kiếm điểm

Đà Lạt: Đi thi bằng xe cứu thương
Kết thúc buổi thi sáng 9-7: Đề văn khó kiếm điểm
  • 14 thí sinh bị đình chỉ thi: Vẫn do mang điện thoại và tài liệu
  • Đà Lạt: Đi thi bằng xe cứu thương

>> Gợi ý giải đề thi môn Sinh (khối B), môn Văn (khối D), môn Văn (khối C)

(SGGPO). – Trưa nay 9-7, theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT cho biết, sáng nay, tổng số thí sinh trên toàn quốc đến dự thi là  584.338, đạt tỷ lệ 78,35% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi, tăng 6,71% so với năm 2009. Như vậy, số thí sinh đến dự thi chính thức sáng nay cũng tăng khoảng 5%  so với số thí sinh đến làm thủ tục dự thi vào ngày hôm qua, 8-7 (73,18%).

Thí sinh rời phòng thi vẫn ưu tư về đề thi môn văn. Ảnh: TRẦN THANH (Ảnh chụp tại Hội đồng thi ĐH Sài Gòn)

Thí sinh rời phòng thi vẫn ưu tư về đề thi môn văn.                     Ảnh: TRẦN THANH (Ảnh chụp tại Hội đồng thi ĐH Sài Gòn)

Đánh giá chung của Bộ GD-ĐT cho thấy, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; đề thi nằm trong chương trình THPT, không có sai sót. Công tác coi thi được tăng cường, cán bộ coi thi nêu cao trách nhiệm. Kỷ luật trường thi được siết chặt, không khí trường thi nghiêm túc, trật tự.

Trong buổi thi sáng nay, tại các Hội đồng thi trên cả nước không có cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế thi.

Có 14 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó 7 em mang điện thoại và 7 em mang tài liệu vào phòng thi. Con số này so với năm 2009 giảm rất nhiều (năm 2009 có 34 thí sinh bị đình chỉ thi). Có một thí sinh không được dự thi do đến muộn so với quy định.

Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết đã không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở các TP lớn. Tuy nhiên, do nắng nóng gay gắt, tình hình cung ứng điện ở Hà Nội đã có vấn đề. Đầu giờ thi buổi sáng, tại điểm thi ĐH Kinh tế quốc dân, khu vực Định Công; điểm thi ĐH Thăng Long, khu vực Đài Kim, quận Hoàng Mai bị mất điện. Phải đến 20 phút sau, nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng và sự chỉ đạo của Tập đoàn điện lực, điện mới được cấp trở lại.

Nắng nóng gay gắt tại Hà Nội đã thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của thí sinh. Tối qua, 8-7, nhiều khu vực ở Hà Nội điện chập chờn, lúc có lúc không, khiến nhiều thí sinh ngủ không ngon giấc trước khi bước vào môn thi sáng nay.

* 7h15 sáng nay, khoảng 550.000 thí sinh trong cả nước bắt đầu thi đại học đợt 2 ở các khối B, C, D và các khối năng khiếu.

Tại Hà Nội, dù tối qua đã có một cơn mưa làm thời tiết dịu mát hơn nhưng đến sáng nay, tình hình vẫn không được cải thiện. Hà Nội vẫn như một “chảo lửa”, khiến không ít thí sinh và người nhà mệt mỏi. Hầu hết người nhà thí sinh phải vạ vật đứng ngồi trước cổng trường, bên cạnh dòng xe cộ qua lại ồn ào, bụi bặm để đợi con làm bài.

Sau khi thi xong môn đầu tiên, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng không mấy thoải mái.

* Tại trường Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội), thí sinh Nguyễn Thị Huyền (THPT Đông Anh, Hà Nội) ra khỏi phòng thi với gương mặt buồn bã. Em cho biết, đề Văn khối C khá hay nhưng cũng khó đối với những thí sinh  không khá văn. Huyền nói: “Nếu chỉ học ở mức bình thường thì chỉ được 5 điểm là cao”.

Đề Văn khối C, với câu 1 “Trình bày ngắn gọn về sự đa dạng mà thống nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh” (2 điểm); câu 2 nghị luận xã hội “thói vô trách nhiệm như một thứ a xít vô hình làm ăn mòn xã hội”, 3 điểm, các thí sinh cho biết hay, không khó. Nhưng với câu 5 điểm, phần tự chọn thì nhiều thí sinh khối C nhăn mặt. Câu 3a yêu cầu cảm nhận 2 đoạn thơ của tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ và Tràng Giang. Câu 3b  về tác phẩm Người lái đò sông Đà và  “Ai đã đặt tên cho dòng sông với yêu cầu so sánh 2 dòng sông.

Theo thí sinh Lê Thị Khuyên (THPT Nam Duyên Hà, Thái Bình), câu 5 điểm (cho chương trình cơ bản) yêu cầu về thơ thì thuộc chương trình lớp 11. Còn câu ra về 2 tác phẩm văn xuôi thì đều thuộc sách nâng cao. “Bọn em bắt buộc phải lựa chọn, hoặc làm về thơ thì rơi vào lớp 11, ít học. Còn nếu làm văn xuôi thì chủ yếu là chương trình nâng cao, cũng ít học. Em chọn làm văn xuôi vì các tác phẩm lớp 11 còn nhớ rất ít. Em chỉ đạt khoảng 5-6 điểm”, thí sinh Khuyên lo lắng.

Các thí sinh thi khối C cũng đánh giá, 2 câu đầu đề ra sát hơn, dễ làm, còn phần tự chọn khá khó. “Đề hay nhưng khó kiếm điểm”, nhiều thí sinh thi vào Học viện Báo chí tuyên truyền nhận định.

Tương tự, đề văn thi vào khối D cũng được đánh giá là “xương xẩu”. Thí sinh Phan Thị Oanh thi vào ngành  Tiếng Anh Tài chính kế toán, Học viện Tài chính cho biết, câu 1 (2 điểm) về tác phẩm “Vợ nhặt” và câu 2 nghị luận (3 điểm) yêu cầu nêu quan điểm về nguy hại của thói đạo đức giả thì có thể dễ kiếm điểm.

Nhưng với phần tự chọn 5 điểm, một câu  thuộc chương trình nâng cao về tác phẩm Đời thừa và Chí Phèo (lớp 11), một câu thuộc chương trình cơ bản về bài thơ Đàn ghi ta của LORCA, thí sinh Oanh cũng như nhiều em khác đều lo lắng vì làm không tốt và cho rằng điểm bài thi chỉ khoảng 5-6 điểm. “Dù viết đủ ý nhưng rất khó kiểm điểm cao vì đề thi ra rơi cả vào chương trình lớp 11, học sinh rất ít khi ôn”, một số thí sinh thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định.

Trong khi đó, môn Sinh khối B được đánh giá là dễ thở. Thí sinh Phạm Thị Hoa (thi vào ĐH Nông Nghiệp Hà Nội) cho biết, bài làm đạt khoảng 70-80%. Đó cũng là nhận định chung của nhiều thí sinh tại điểm thi vào ĐH Y Hà Nội.

* Nhiều thí sinh bước ra khỏi trường thi ĐHKHXH-NV TPHCM sau môn thi đầu tiên với tâm trạng không phấn khởi vì cho rằng đề Văn khó. Thí sinh Trần Ngọc Lan Phương, dự thi vào ngành Quan hệ công chúng, cho biết: Đề Văn khối D rất khó, trong đó, câu 1 kiểm tra kiến thức giáo khoa nhưng nếu chỉ học thuộc bài thì không làm được, phải hiểu và suy luận mới có thể trả lời được. Câu 2 nêu ý kiến về căn bệnh đạo đức giả là đề mở nên em không biết chắc sẽ được bao nhiêu điểm. Câu 3 tuy được đến 5 điểm nhưng đều... khó nhằn.

Rất đông phụ huynh, người thân thí sinh đứng chờ đó thí sinh trước Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: TRẦN THANH

Rất đông phụ huynh, người thân thí sinh đứng chờ đó thí sinh trước Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: TRẦN THANH

Tương tự, những thí sinh dự thi môn Văn khối C cho rằng đề thi còn khó hơn khối D. Tại điểm thi Khoa Dược, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhiều thí sinh cho biết, đề thi môn Sinh hơi dài, dù là trắc nghiệm nhưng phần lý thuyết nhiều nên hầu như không có thí sinh nào rời phòng thi sớm.

Cũng trong buổi thi sáng nay, nhiều thí sinh tiếp tục đi trễ. Tại hội đồng thi trường ĐHKHXH-NV TPHCM có một thí sinh đi trễ nhưng chưa đến giờ phát đề nên được vào thi. Tương tự, tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tại Thủ Đức, là hội đồng thi của trường ĐH Kinh tế - Luật có đến 6 thí sinh đến trễ nhưng rất may vẫn trong thời gian được vào phòng thi làm bài.

Rút kinh nghiệm từ đợt thi trước có nhiều thí sinh vi phạm quy chế vì mang điện thoại di động vào phòng thi, nhiều điểm thi đã dán quy định không được mang điện thoại di động ngay trước cổng trường. Khoa Dược (Đại học Y dược) dán ngay tấm biển "Cấm mang điện thoại di động vào HĐT" ngay cổng ra vào.

*Tại Đà Nẵng, sáng nay hơn 12.000 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên trong thời tiết nắng nóng, oi bức… làm cho nhiều sĩ tử cũng như người nhà lo lắng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều hội đồng thi như THPT Hoàng Hoa Thám, THCS Trần Hưng Đạo, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, THCS Kim Đồng… nhiều thí sinh hớn hở rời phòng thi khi thời gian làm bài còn 1/3.

Thí sinh Trần Văn Dũng (tạ hội đồng thi THPT Trần Phú) thi vào đại học Sư phạm Đà Nẵng tươi cười nói: “Đề không khó so với năm ngoái, rất may đề năm nay nằm toàn bộ trong chương trình lớp 12 nên rất dễ dàng cho chúng em”. Nhiều thí sinh thi khối D, khoa cử nhân tiếng Nhật cho biết: “Đề Văn không quá khó"

* Tại Huế, trong đợt thi thứ 2, tại Đại học Huế có  8 thí sinh khiếm thị dự thi vào các trường ĐH Khoa học, ĐH Sư phạm. Những thí sinh đặc biệt này được bố trí  một phòng thi đặc biệt số 3165, tại Đại học Sư phạm Huế. Mặc dù chỉ 8 thí sinh, nhưng Hội đồng thi cũng đã bố trí 5 giám thị coi thi để giúp đỡ các em.

Giờ làm bài thi, thí sinh khiếm thị tiếp nhận đề thi qua băng cassette, sau đó làm bài thi bằng chữ Braille và đọc lại bài làm vào băng cassette. Hội đồng chấm thi chấm điểm trực tiếp qua băng cassette, nhưng sẽ tham khảo thêm bài viết của các em dịch ra từ chữ Braille rồi mới cho điểm chính thức. Đây là năm thứ 5 ĐH Huế tổ chức tuyển sinh hệ đại học dành cho thí sinh khiếm thị.

*Tại Đắc Lắc, thí sinh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1991, ở phường Ngô Mây, thị xã An Khê, Gia Lai),phải đến dự thi vào ngành Bảo quản, chế biến nông sản của trường Đại học Tây Nguyên trên đôi nạng gỗ do một tai nạn giao thông cách đây hơn một tuần làm em gãy ba ngón chân trái.

Do bố mẹ bận công việc đồng áng, Nghĩa phải tự mình bắt xe lên Đại học Tây Nguyên dự thi. Trong buổi thi môn Sinh sáng nay, Nghĩa cho biết em đã làm bài tốt.

 Nhận xét đề Văn

Cô giáo Nguyễn Băng Tú, giáo viên dạy văn trường THPT Kim Liên, Hà Nội nhận xét về đề khối D:

“ Đề thi khối D năm nay có thể nói là thử thách với các thí sinh. Đề thi có câu yêu cầu về tác phẩm “Vợ nhặt” thì không có vấn đề gì. Còn câu về bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” cũng không dễ, đây là bài thơ hay nhưng lại mới đưa vào chương trình mấy năm nay nên tài liệu chưa nhiều, giáo viên cũng chưa có kinh nghiệm giảng dạy bài này. Có lẽ với nhiều thí sinh đây là một trong những tác phẩm mà thí sinh “sợ” gặp trong kỳ thi. Nếu là học sinh có quyết tâm lao vào ôn tập những nội dung sợ gặp này thì sẽ làm bài tốt. Thí sinh nào né tránh nỗi sợ thì hôm nay bài sẽ rất khó khăn.

Câu hỏi bàn về “đạo đức giả” khiến cho học sinh rất lúng túng. Loại câu nghị luận xã hội phản đề như thế này thường khiến các em không biết bắt đầu từ đâu. Những đề khen, ca ngợi như tình yêu thương, tình bạn, hạnh phúc gia đình, bảo vệ môi trường thì sẽ “thuận” với tư duy học sinh hơn. Những đề “nghịch” bàn về “mặt trái” người lớn nghe thì rất dễ tâm đắc nhưng các em viết khó hơn hẳn  loại đề…thuận”.

Cô giáo Vũ Thị Bình, giáo viên dạy văn trường THPT Trần Phú- Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận xét về đề khối C:

“Câu về sự đa dạng mà thống nhất trong phong cách sáng tác của Hồ Chí Minh là câu hỏi cần khả năng tổng hợp phân tích của không sinh chứ không phải tái hiện kiến thức như mọi năm, câu 2 về “thói vô trách nhiệm” có giá trị đánh thức học sinh về tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống nhưng cũng rất khó với nhiều em. Tôi nghĩ là học sinh khó đạt điểm tối đa lắm của câu này. Các em sẽ dễ bị diễn giải loanh quanh.

Còn hai đoạn thơ trong chương trình lớp 11 đều là những đoạn thơ hay trong bài “Đây Thôn Vĩ Dạ” và “Tràng Giang” nên học sinh có lòng yêu môn văn thật sự thì không có gì khó khăn.

Đề văn chương trình nâng cao hỏi về hai đoạn văn trong hai tác phẩm nổi tiếng viết về sông Đà và sông Hương. Hai bài này được học sinh ôn rất kỹ nhưng việc so sánh qua hai đoạn văn cụ thể chắc là không nhiều học sinh làm tốt.

Đề thi văn khối C rất hay. Và một trong những điểm hay của nó là sẽ giúp tìm được học sinh giỏi văn thật sự để có điểm số cao”

Phan Thảo ghi

Kết thúc buổi thi sáng 9-7: Đề văn khó kiếm điểm ảnh 4
Kết thúc buổi thi sáng 9-7: Đề văn khó kiếm điểm ảnh 5

Nhóm phóng viên
Video: Minh Sĩ

Tin cùng chuyên mục