Mở và đóng

Trong vòng 6 tháng (tính từ tháng 12-2011 đến nay) đã có 7 trường ĐH, CĐ bị đình chỉ tuyển sinh, 17 ngành của 9 trường ĐH, CĐ rải đều từ Bắc vào Nam cũng dừng tuyển sinh trong năm 2012.

Trong vòng 6 tháng (tính từ tháng 12-2011 đến nay) đã có 7 trường ĐH, CĐ bị đình chỉ tuyển sinh, 17 ngành của 9 trường ĐH, CĐ rải đều từ Bắc vào Nam cũng dừng tuyển sinh trong năm 2012.

Chiến dịch “bàn tay sắt” của Bộ GD-ĐT thật sự đã tạo được niềm tin đối với dư luận với quyết tâm kiểm soát chất lượng giáo dục ĐH. Tuy nhiên, liệu chiến dịch “đình chỉ tuyển sinh” này bộ có nên đẩy mạnh hay cần phải suy xét lại một cách công tâm hơn khi những sai phạm, yếu kém của các trường có tính hệ thống, trong đó trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất vẫn là khâu quản lý.    

Trung bình mỗi tháng có gần 1,2 trường và 2,8 ngành nghề của các cơ sở đào tạo bị dừng tuyển sinh trong năm 2012. Con số này là vô tiền khoáng hậu từ trước đến nay. Nếu nhìn lại Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII (UBTVQH), từ năm 1998 đến 2009, cả nước đã có 312 trường ĐH, CĐ được thành lập. Trong giai đoạn này, bình quân cứ 2 tuần lại có 1 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp. Dù báo cáo này chưa đưa ra con số về số lượng ngành nghề đã được cho mở nhưng chắc chắn sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều.

Có thể nói, tốc độ ra đời một cách chóng vánh của các trường ĐH, CĐ như báo cáo của UBTVQH đã chỉ ra cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả của việc “trường không ra trường” như hiện nay. Thử nhìn vào những tiêu chí tối thiểu của các trường ĐH, CĐ được kiểm tra sẽ thấy rõ điều này: 24 trường được kiểm tra, trong đó có 8 trường công lập (1 trường thành viên của ĐH Thái Nguyên và 1 học viện), 16 trường ngoài công lập gần như… 100% chưa thực hiện đúng cam kết khi thành lập trường.

Trong khi đó, phần quan trọng nhất của các trường để có thể đào tạo sinh viên đó chính là đội ngũ giảng viên lại thiếu trầm trọng. Trong số 24 trường kiểm tra, có đến 10 trường có dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, đặc biệt có ba trường số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người. Và lẽ dĩ nhiên, “chiếc máy cái” trong đào tạo dường như đuối sức khi tỷ lệ sinh viên/giảng viên lại cao ngất ngưỡng và vượt rất xa so với các báo cáo đánh giá gần đây của Bộ GD-ĐT. Trong đó, có trường đạt tỷ lệ khủng với các con số từ 80 – 95,1 sinh viên/giảng viên.

Chưa dừng lại đó, dư luận và những ai có con theo học những cơ sở này sẽ rất bất ngờ khi có đến 41 ngành không có tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ chuyên ngành và thạc sĩ. Cá biệt, có ngành chưa có giảng viên cơ hữu nhưng vẫn được duyệt mở ngành, tuyển sinh...

Xâu chuỗi lại các vấn đề, có thể dư luận và giới chuyên môn rất mừng và ủng hộ “chiến dịch đình chỉ tuyển sinh” của Bộ GD-ĐT đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, không phải bây giờ những yếu kém của các trường mới được phát hiện mà nó tồn tại dai dẳng từ khi thành lập đến nay. Xen lẫn sự đồng thuận và lạc quan, dư luận vẫn còn nhiều lo âu khi thực tế hiện nay có trường vừa mới nâng cấp từ CĐ lên ĐH mới ngót nghét 1, 2 năm nhưng đã được Bộ GD-ĐT đồng ý cho đến vài ngàn chỉ tiêu ĐH.

Như vậy, liệu giữa “chiến dịch đình chỉ tuyển sinh” và quy trình cấp phép mở ngành đào tạo phải chăng ngược chiều? điều này đòi hỏi Bộ GD-ĐT cũng phải đổi mới, chấn chỉnh hoạt động của chính mình.


Thanh Minh

Tin cùng chuyên mục