ĐBSCL: Được tuyển sinh Đại học “trên sàn, dưới chuẩn”

Chính phủ đã đồng ý giao Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL và quy hoạch phát triển nhân lực các địa phương trong vùng.

(SGGP).– Chính phủ đã đồng ý giao Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL và quy hoạch phát triển nhân lực các địa phương trong vùng.

Theo đó, từ năm học 2012 trở đi, các lớp đào tạo theo nhu cầu sử dụng của các địa phương trong vùng sẽ tiếp tục được mở theo hình thức áp dụng cơ chế đặc thù tuyển chọn thí sinh có điểm thi đại học “trên sàn, dưới chuẩn” - tức trên điểm sàn do bộ quy định nhưng dưới điểm chuẩn của khối ngành đó quy định. Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn gửi 3 ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam, ủng hộ chủ trương đào tạo cán bộ trình độ sau ĐH, ĐH, CĐ và TCCN theo nhu cầu nhân lực của các địa phương tại 3 vùng khó khăn này.

Ngày 11-6, thông tin từ Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, trong kỳ tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ khối ngành Y, Dược năm 2012 sẽ có nhiều thay đổi. Theo đó, Bộ Y tế cho phép hiệu trưởng trường ĐH xem xét, quyết định xét tuyển vào học cho các thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 62 huyện nghèo; tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT môn Sinh vào ngành Y, môn Hóa vào ngành Dược…

Ông Trần Đức Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ĐH khối Y, Dược cũng tiếp tục tăng để nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên nhân lực cho ngành y tế. Đáng chú ý, ngoài tăng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy, các hệ khác như đào tạo liên thông hay đào tạo sau ĐH cũng tăng theo; nhiều trường còn mở thêm chuyên khoa mới như y tế công cộng, y tế dự phòng, tâm thần để thu hút thí sinh đăng ký dự thi. Thậm chí trường ĐH dân lập cũng tham gia đào tạo bác sĩ đa khoa, dược sĩ, bác sĩ y học dự phòng.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm nước ta đào tạo khoảng 6.700 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế ở trình độ sau đại học. Tuy nhiên, theo tính toán, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường có gấp 2 lần so với hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu về nhân lực y tế.

P.Thảo - Ng.Quốc

Tin cùng chuyên mục