Bao giờ cho hết “chạy” trường? - Bài 2: “Nhập khẩu” và hệ lụy

Hệ lụy
Bao giờ cho hết “chạy” trường? - Bài 2: “Nhập khẩu” và hệ lụy

Chọn trường tốt cho con là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng khi chất lượng giáo dục chưa đồng đều, chưa tạo được sự tin cậy của phụ huynh. Nhìn ở góc độ nào đó, nhiều hiệu trưởng rất thông cảm và thậm chí rất thương cho những phụ huynh tự nhiên chấp nhận chuyển con và vợ, hoặc con và chồng đi “tầm gửi” ở nhà người khác. Không ít hiệu trưởng tâm sự: “Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ nhận hết các em này vào, bởi có sự quan tâm đặc biệt của gia đình, những học sinh này chắc chắn sẽ học tốt, nhà trường sẽ rất yên tâm…”. Tuy nhiên, khi trường lớp chưa đủ thì ước mơ này khó lòng thực hiện. Chính vì vậy mà chuyện “nhập khẩu” để chạy trường đang để lại nhiều hệ lụy không đáng có.

Nhiều phụ huynh muốn cho con vào học tại Trường THCS Bình Thọ (Thủ Đức) nhưng vẫn không được giải quyết vì không cư trú thực tế tại phường Bình Thọ.

Nhiều phụ huynh muốn cho con vào học tại Trường THCS Bình Thọ (Thủ Đức) nhưng vẫn không được giải quyết vì không cư trú thực tế tại phường Bình Thọ.

Hệ lụy

Cho đến thời điểm này, tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 vẫn còn 3 trường hợp học sinh (HS) không được xếp vào danh sách trúng tuyển vì mới nhập hộ khẩu vào phường Bến Nghé, song phụ huynh vẫn cương quyết không rút hồ sơ. Đó là các em H.Ng.B.Tr. mới chuyển khẩu từ tháng 11-2011 vào khu phố 1, phường Bến Nghé quận 1, nơi thường trú trước khi chuyển đến là phường 17 quận Gò Vấp; em V.V.K. mới chuyển hộ khẩu đến từ tháng 5-2012 và em T.Đ.T.Đ. cũng chỉ mới chuyển khẩu từ tháng 2-2012.

Đối với các trường hợp này, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, giải thích, trường không thể giải quyết được do sĩ số HS tại trường đã quá đông, hơn nữa đây là những trường hợp mới chuyển khẩu đến, trong khi trường phải ưu tiên cho những trường hợp có hộ khẩu lâu năm hơn. Những trường hợp này quận 1 sẽ sắp xếp qua những trường tiểu học còn chỉ tiêu. Theo tìm hiểu của phóng viên, phụ huynh kiên quyết không rút hồ sơ vì còn hy vọng đến phút chót trường sẽ thay đổi quyết định và giải quyết cho các em vào học.

* Nhiều ý kiến cũng cho rằng để hạn chế tình trạng chạy hộ khẩu, cần phải có sự phối hợp giữa các ban ngành, đặc biệt là phía công an. Cần phải xác định rõ mục đích của từng trường hợp trước khi cho nhập khẩu để giảm áp lực cho ngành giáo dục, tạo điều kiện để các trường rút ngắn khoảng cách về sĩ số HS, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời tránh được nhiều hệ lụy trong mỗi mùa tuyển sinh.

Ngoài ra, còn vụ việc 58 HS trong tổng số 328 HS đã được nhận hồ sơ tại Trường THCS Bình Thọ (Thủ Đức) trong đợt tuyển sinh vào lớp 6 tại trường, nhưng sau đó đến ngày 24-7, Phòng Giáo dục quận Thủ Đức lại ra quyết định chuyển qua học ở Trường THCS Lê Văn Việt. Quyết định này đã gây bất bình và phản ứng quyết liệt từ phía phụ huynh. Đến nay vẫn còn nhiều phụ huynh “ấm ức” vì con không được vào học ở Trường THCS Bình Thọ.

Nhiều phụ huynh phản ánh: “Con tôi có hộ khẩu tại nhà ông bà nội từ 5 năm qua, tại sao lại không được giải quyết học tại Trường Bình Thọ mà lại bị chuyển qua Trường Lê Văn Việt (Trường Lê Văn Việt nhỏ và nằm trong khu vực chợ ồn ào nên phụ huynh không muốn cho con vào học - PV), một số trường hợp có hộ khẩu thực tế nơi cư trú nhưng hoàn thành chương trình tiểu học ở quận khác cũng không được giải quyết vào Trường THCS Bình Thọ (?).

Đến ngày 10-8-2012 vẫn còn một trường hợp của học sinh Đ.B.X.T., gia đình không đồng tình với cách giải quyết của quận Thủ Đức là chuyển học sinh này về Trường Lê Văn Việt. Chị Trần Bích Thủy, mẹ của HS này, cho biết: “Trường hợp con tôi có hộ khẩu thường trú, cha đứng làm chủ hộ (có chủ quyền nhà, có nhà và cư trú tại nơi thường trú). Trước năm 2011 nhà tôi thường trú tại quận 9 nên con tôi học tiểu học tại Trường Đinh Tiên Hoàng. Đầu năm 2011 chúng tôi đã bán nhà ở quận 9, và chuyển về địa chỉ 5/34 đường Hữu Nghị, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức để thường trú và đã có hộ khẩu, nhưng tại sao con tôi vẫn bị chuyển qua Trường Lê Văn Việt?

Lý giải tại sao có sự luân chuyển này, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho rằng, thực tế 58 hồ sơ này là những HS thuộc diện nhập nhờ hộ khẩu gia đình, tạm trú ở địa bàn khu phố 2, 3, 4 phường Bình Thọ và ở địa bàn ngoài quận mới chuyển về. Các trường hợp này đã được giải quyết qua Trường THCS Lê Văn Việt, một số trường hợp HS sau khi không vào được Trường THCS Bình Thọ đã xin chuyển về học tại nơi cư trú thật sự, một số HS lớp tăng cường tiếng Anh (TCTA) chuyển qua Trường THCS Lê Quý Đôn (do Trường THCS Lê Văn Việt không có chương trình TCTA). Đối với những trường hợp này quận không thể giải quyết theo nguyện vọng của phụ huynh, bởi kế hoạch tuyển sinh của quận chỉ giao cho Trường Bình Thọ tuyển 270 chỉ tiêu, thêm 58 trường hợp nữa sẽ không đảm bảo sĩ số lớp học, trong khi Trường Lê Văn Việt vẫn còn chỗ học.

Ông Huỳnh Thanh Nhân nói: “Chúng tôi phải ưu tiên những trường hợp có hộ khẩu lâu năm và có ở thực tế tại phường Bình Thọ. Chính vì vậy trường hợp của em Đ.B.X.T. cũng không ngoại lệ vì em này mới nhập khẩu ở phường Bình Thọ, lại hoàn thành chương trình tiểu học ở quận 9”. Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, áp lực sĩ số do HS từ các địa phương khác chuyển đến, hoặc từ phường này chuyển hộ khẩu cho HS qua nhập nhờ vào gia đình khác hiện nay rất phổ biến.

Đâu là giải pháp?

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết đã đề nghị công an các phường trong quận tìm hiểu kỹ những trường hợp xin nhập khẩu nếu không có ba mẹ đi cùng hoặc không lý do chính đáng để xem xét giải quyết nhằm hạn chế áp lực giải quyết chỗ học ở các trường trong quận.

Ở góc độ khác, ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD quận 1, cho rằng, bên cạnh các biện pháp phân tuyến theo thời gian cư trú, không giải quyết theo nguyện vọng đối với những HS mới nhập khẩu... giải pháp căn cơ vẫn là phải xây thêm đủ trường, đủ lớp, nâng cao chất lượng đồng đều giữa các trường để phụ huynh tín nhiệm cho con vào học đúng tuyến.

Đồng quan điểm này, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp, nói: “Hiện nay nhiều phụ huynh không chỉ nhìn vào cơ sở vật chất để đánh giá chất lượng giáo dục ở các trường, mà họ đánh giá chất lượng qua sự tận tụy của đội ngũ giáo viên, trang thiết bị giảng dạy của trường. Thực tế ở quận Gò Vấp, một vài trường cũng đang làm được điều này”. Trường THCS Thông Tây Hội, trước đây HS chỉ muốn xin đi chứ không có HS xin vào trường. Sau một thời gian đầu tư trang thiết bị hiện đại, phòng học được trang bị màn hình LCD, giáo viên dạy theo hướng cá thể quan tâm đến từng HS, từ một trường nhiều năm không có HS giỏi, năm học vừa qua đã có HS giỏi cấp thành phố, tỷ lệ HS đậu lớp 10 đứng thứ 3 trong quận. Do vậy, năm nay đã có nhiều HS xin vào học tại trường với sự tín nhiệm thật sự của phụ huynh.

Lê Linh

- Bao giờ cho hết “chạy” trường? - Bài 1: Quá tải trường “thương hiệu”

Tin cùng chuyên mục