Cầu nối cho sinh viên

Diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-9 tại Khu CNC TPHCM, cuộc thi ý tưởng về ứng dụng microwork trên thiết bị di động (m2Work Hackathon 2012) đã thu hút hàng trăm sinh viên theo học công nghệ thông tin tại các trường ĐH trên địa bàn TP tham gia.

Diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-9 tại Khu CNC TPHCM, cuộc thi ý tưởng về ứng dụng microwork trên thiết bị di động (m2Work Hackathon 2012) đã thu hút hàng trăm sinh viên theo học công nghệ thông tin tại các trường ĐH trên địa bàn TP tham gia.

Đáng chú ý nhất là từ những vấn đề cuộc sống đặt ra, các bạn trẻ đã đưa ra nhiều ứng dụng độc đáo mà nếu có “bà đỡ” là các doanh nghiệp thì có thể phát triển thành những sản phẩm thương mại hữu ích. Chẳng hạn  nhóm Seniors (ĐH KHTN TPHCM) gồm 4 thành viên sau khi thấy sự giao tiếp khó khăn với những người khiếm thính đã  lên ý tưởng phát triển ứng dụng di động. Chỉ trong 2 ngày, nhóm đã viết xong chương trình “Thủ ngữ và bạn” tích hợp 4.000 từ vựng tiếng Anh, cùng các bài học đơn giản và trò chơi giúp học tốt tiếng Anh…

Với ứng dụng này, người dùng có thể vừa nhìn chữ và xem video để hiểu được các thủ ngữ tay khi giao tiếp với người khiếm thính. Cũng từ trăn trở làm sao giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hóa thật hay giả, một nhóm sinh viên khác đã phát triển ứng dụng Thasa giúp người dùng smartphone có thể chụp lại mã “code” được in trên bao bì sản phẩm để qua hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có của mình xác định chân tướng chính xác của sản phẩm bày bán.

Với yêu cầu phát triển ứng dụng trong vòng 48 giờ, m2Work Hackathon là một thử thách thực sự đối với các bạn sinh viên tham gia. Nên dù kiến thức được trang bị khá vững, những ứng dụng được phát triển vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Đơn cử như Ứng dụng Thủ ngữ và bạn - Nhóm Seniors có vốn bài giảng khá khiêm tốn, chất lượng âm thanh và hình ảnh vẫn chưa được rõ nét. TS Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao, Trưởng ban tổ chức cuộc thi m2Work Hackathon 2012 cho biết, tuy ứng dụng được sinh viên phát triển rất nhiều, nhưng cái yếu của các em là thiếu ý thức kinh doanh. Nên dù có nhiều ứng dụng hay cuối cùng cũng giậm chân tại chỗ hoặc được thương mại hóa với giá trị không cao. Nếu có một tổ chức đủ lực làm cầu nối, những ứng dụng do sinh viên phát triển có thể đến gần hơn với doanh nghiệp.

Cũng theo TS Anh, sau cuộc thi này, những nhóm đạt giải cao sẽ được vườn ươm giữ lại tiếp tục phát triển ứng dụng tại Phòng thí nghiệm mLab. Đây là phòng thí nghiệm với đầy đủ các thiết bị hiện đại do Chính phủ Phần Lan và Tập đoàn Nokia tài trợ. Ngoài ra, quỹ infoDev (Chương trình toàn cầu của Ngân hàng thế giới) cũng sẽ hỗ trợ kinh phí để các nhóm phát triển các ứng dụng đạt giải kể trên. “Về lâu dài, mLab sẽ là không gian mở cho các bạn lập trình viên trẻ, đặc biệt là sinh viên yêu thích nghề phát triển ứng dụng tham gia. Một môi trường đầy đủ trang thiết bị và nguồn lực tài chính sẽ thúc đẩy và nâng tầm sáng tạo của các sinh viên”, bà Ellen Olafsen, điều phối viên của infoDev chia sẻ thêm.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục