5 năm/lần phải kiểm định chất lượng chương trình đào tạo

(SGGPO). -    Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa ban hành quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Quy định này có hiệu lực từ ngày 13-1-2014.
  • Đã thành lập 2 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục
  • Đề nghị ban hành luật về giáo viên và nghề dạy học

(SGGPO). -    Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa ban hành quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Quy định này có hiệu lực từ ngày 13-1-2014.

Theo đó, quy trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo gồm: tự đánh giá; đánh giá ngoài, đánh giá lại (nếu có) thẩm định kết quả đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo được thực hiện theo chu kỳ 5 năm/lần. Trong đó, với đánh giá ngoài, cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá ngoài chương trình đào tạo với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục – Đào tạo cấp phép hoạt động, khi đã công bố báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo được phê duyệt trong nội bộ cơ sở giáo dục ít nhất 30 ngày.

Đối với chương trình đào tạo cần được bảo mật thông tin theo quy định của Nhà nước thì cơ sở giáo dục gửi báo cáo tự đánh giá cho cơ quan chủ quản để xin phép được đăng ký đánh giá ngoài. Định kỳ 5 năm/lần hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ sở giáo dục có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo và đăng ký đánh giá ngoài để được xem xét, công nhận chương trình đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Kết quả đánh giá lại được coi là kết luận cuối cùng của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với chương trình được đánh giá.

* Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng vừa công bố quyết định số 3568/QĐ-BGDĐT về thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội.

Với tên giao dịch bằng tiếng anh: VNU Center for Education Accreditation (VNU-CEA), Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG Hà Nội có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Đây là trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thứ 2 được Bộ Giáo dục – Đào tạo cho phép thành lập, sau Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Như vậy đến nay, cả nước đã có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập. Bộ Giáo dục – Đào tạo cho hay, tới đây sẽ tiếp tục thành lập thêm một số trung tâm nữa.

* Ngày 5-12, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Nhà nước “nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” đã thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước. Đây là đề tài do Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam thực hiện với sự phối hợp của các cơ quan: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục-Đào tạo); Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đề tài nghiên cứu được thực hiện từ 3-2010 đến 9-2012. Qua khảo sát thực tế, đề tài nghiên cứu đã chỉ ra những yếu kém, thiếu sót và lạc hậu trong các chương trình đào tạo giáo viên cũng như tình hình thiếu năng lực và động lực của đội ngũ giáo viên trong trường phổ thông là những yếu tố cản trở cải cách trong lĩnh vực giáo dục… Từ kết quả nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đã đề xuất 6 nhóm giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó có tái cơ cấu hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên, chuyển đổi mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản – ban đầu kết hợp với đào tạo bổ sung định kỳ. Nhóm nghiên cứu cũng dề nghị Quốc hội ban hành đạo luật về giáo viên và nghề dạy học nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp cải cách…

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước đã đánh giá cao nỗ lực của Ban chủ nhiệm, cũng như ý nghĩa và kết quả nghiên cứu về đề tài này. Trong đó nhiều vấn đề nghiên cứu của đề tài, một số giải pháp đề xuất phù hợp với nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục – Đào tạo. Một số đề xuất giải pháp có giá trị tham khảo cao. Đề tài đã đạt điểm bình quân là 93,29 điểm và đạt loại xuất sắc.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục