Sự thật về những con số

Mới đây, làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên, nhi đồng Quốc hội, Sở LĐTB-XH TPHCM đã báo cáo rằng, công tác dạy nghề của TPHCM có nhiều chuyển biến với 70% sinh viên, học viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề có việc làm.

Nghi ngờ về con số này, các đại biểu Quốc hội đề nghị TPHCM đánh giá lại tỷ lệ này vì thị trường lao động chưa tin tưởng vào các sản phẩm đào tạo nghề và nhiều doanh nghiệp phải tốn công sức đào tạo lại. Bà Trần Hồng Thắm, đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ, đặt vấn đề: “Nếu đúng 70% học sinh trường nghề ra trường tìm được việc làm là một kết quả đáng biểu dương, nhưng liệu đây có phải là những công việc ổn định?”.

Từ lâu dư luận xã hội luôn nghi ngờ những con số thống kê, báo cáo vào dịp cuối năm hay tổng kết của các đơn vị, sở, ban, ngành thiếu chính xác nhưng việc thẩm định, kiểm tra vẫn bị bỏ ngỏ. Chính vì thế, nhiều con số báo cáo không chỉ trùng lắp mà còn kê khống lên sai sự thật để chạy theo thành tích. Và trên thực tế, rất ít báo cáo “khống” bị xử lý, phanh phui nên người ta cứ vô tư nhào nặn những con số từ cơ sở. Ở trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nghề, nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học luôn đưa ra những con số đẹp, thậm chí tròn trĩnh với tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm cao ngất 80% - 90%, nhưng thực chất rất khó kiểm chứng. Trong khi báo cáo thành tích luôn hoàn hảo thì ngoài xã hội, đi đâu cũng thấy sinh viên tốt nghiệp đã lâu phải chịu cảnh thất nghiệp, không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề. Mặc dù, hàng năm nhà nước đã chi ra hàng chục tỷ đồng để điều tra về thực trạng dân số, lao động - việc làm nhưng tỷ lệ thất nghiệp chính xác là bao nhiêu cũng khó xác định.

Một khi không nắm rõ thực trạng lao động thất nghiệp, trong đó sinh viên, giới trẻ đã qua đào tạo không có việc làm thì khó có thể hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Thật khó có thể tin, thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc nhưng việc quản lý xã hội, con người ở ta vẫn chưa đổi mới, thiếu tính khoa học. Để biết rõ tình trạng lao động việc làm của mỗi công dân, chỉ cần quản lý từ gốc với một mã số duy nhất từ lúc sinh ra đến khi mất đi. Điều này ai cũng biết nhưng đến bao giờ Việt Nam mới làm được và kết nối dữ liệu quốc gia này cho mục tiêu quản lý xã hội một cách khoa học, hiệu quả?

LỆ HOA

Tin cùng chuyên mục