Đề án dạy và học ngoại ngữ - Bài 2: Không bột khó gột nên hồ

Khó tháo gỡ hệ lụy đào tạo lỗi thời
Đề án dạy và học ngoại ngữ - Bài 2: Không bột khó gột nên hồ

Sau 3 năm triển khai đề án quốc gia về dạy và học ngoại ngữ, dù đã cố gắng bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh nhưng con số vẫn còn 75% giáo viên tiểu học và 90% giáo viên THPT không đạt chuẩn là một thách thức lớn. Vấn đề nan giải ở khâu quyết định thành bại này của đề án được giải quyết như thế nào?

Giờ học Anh văn của học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3. Ảnh: MAI HẢI

Giờ học Anh văn của học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3. Ảnh: MAI HẢI

Khó tháo gỡ hệ lụy đào tạo lỗi thời

Theo bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban Đề án 2020, đến nay, đề án đã bồi dưỡng gần 1.400 giảng viên tiếng Anh, cán bộ quản lý, giảng dạy ở các trường CĐ, ĐH không chuyên. Phải thừa nhận, tác động của đề án đã thay đổi nhận thức, tư duy và nhiều địa phương đã coi trọng công tác bồi dưỡng, từng bước nâng chuẩn giáo viên. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử và cách đào tạo ngoại ngữ lỗi thời - theo “chuẩn ta” chỉ chú trọng kỹ năng đọc, viết ở các trường đại học sư phạm nên gần 100% giáo viên có thâm niên dạy học từ 10 - 20 năm trở lên bị lệch chuẩn so với khung tham chiếu châu Âu đòi hỏi cả kỹ năng nghe, nói.

Đó là chưa kể suốt hành trình dạy tiếng Anh, hầu hết giáo viên chỉ dạy như cái máy theo nội dung sách giáo khoa và ít có cơ hội giao tiếp, sử dụng tiếng một cách tự nhiên, khiến khả năng giao tiếp bị thui chột. Chính vì thế, hành trình cải thiện năng lực tiếng Anh theo chuẩn mới (khung tham chiếu châu Âu) của đề án không những gây áp lực mà còn tạo cái bóng nặng nề, ám ảnh nhiều giáo viên lớn tuổi.

Chỉ ra bất cập này, PGS-TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nhấn mạnh rằng công tác bồi dưỡng giáo viên, giảng viên đạt chuẩn là khó nhất, tạo áp lực nhất. Mục tiêu nâng chuẩn trình độ theo yêu cầu của đề án là cần thiết nhưng đang gây tâm lý căng thẳng, thậm chí lo sợ bị sa thải của giáo viên, nhất là những người có thâm niên dạy học 20 - 30 năm. Và để thay đổi nhận thức, khuyến khích họ vượt qua rào cản này đòi hỏi sự tế nhị trong ứng xử, giải quyết bất cập của các cấp quản lý.

Từ thực tế còn nhiều thách thức, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng chia sẻ rằng, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuẩn hóa chuyên môn cho giáo viên không thể một sớm một chiều làm được ngay, nhất là giáo viên lớn tuổi. Đây là bài toán nan giải, thách thức đối với tất cả các tỉnh, TP trong cả nước. Theo đề án, đến năm 2020 giáo viên dạy ngoại ngữ phải có năng lực ngôn ngữ dạy cao hơn trình độ chung của cấp dạy 2 bậc, trong đó giáo viên tiểu học, THCS phải đạt trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu.

So với mặt bằng chung, chất lượng của đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở TPHCM khá hơn, nhưng tỷ lệ chạm vào chuẩn này còn thấp. Ngay cả một số quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5… số lượng giáo viên đạt chuẩn cũng chỉ dừng ở con số vài chục người. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận, trở ngại lớn nhất, khó khắc phục nhất là bồi dưỡng, nâng cao chuẩn của đội ngũ giáo viên.

Nhiều trưởng phòng GD-ĐT ở TPHCM than thở rằng, phần lớn những người đạt chuẩn thường có xu hướng “chảy máu” sang khu vực trường tư hoặc các trung tâm ngoại ngữ với đồng lương gấp 3, 4 lần lương ở trường phổ thông. Đó là chưa kể nhiều tân sinh viên khoa ngoại ngữ ngành sư phạm đạt trình độ C1 cũng rẽ ngả khác và không mặn mà với nghề dạy học.

Thiếu thầy chuẩn khó có trò chuẩn

Với kinh nghiệm thực tế, nguyên giảng viên tiếng Anh Lê Huy Lâm lại chỉ ra rằng: “Không thể có chuyện đưa giáo viên đi học 300 - 400 tiết là nâng lên một cấp CEF trong điều kiện họ vừa phải dạy học bình thường, vừa phải lo công việc gia đình và chỉ đến lớp bồi dưỡng vào 2 ngày cuối tuần. Nâng cao năng lực ngoại ngữ là quá trình đòi hỏi sự tương tác phức tạp giữa người học với giáo trình, người dạy, môi trường sử dụng ngoại ngữ… chứ không đơn giản là bỏ nguyên liệu vào nấu theo công thức sẽ ra món ăn.

Theo phân tích của một số chuyên gia ngoại ngữ, nếu đặt yêu cầu cứng nhắc, bắt giáo viên học dồn đủ 300 - 400 tiết học sẽ nâng lên một cấp CEF thì hoàn toàn có thể bỏ môn tiếng Anh ở trường phổ thông, CĐ, ĐH và đợi đến khi học sinh, sinh viên ra trường chỉ qua một khóa đào tạo tập trung 1.000 tiết (hiện nhiều nơi cho học bồi dưỡng 10 tiết/ngày) thì sẽ đạt được trình độ như mong muốn.

Thật quá đơn giản, tiết kiệm và đỡ tốn công sức rèn luyện, trau dồi sinh ngữ để duy trì nó sống bền vững và trở thành hành trang không thể thiếu của giới trẻ thời hội nhập quốc tế, làm việc ở môi trường đa văn hóa.

Một vấn đề nữa cần tháo gỡ là ngay cả khi đạt chuẩn đặt ra nhưng chưa chắc giáo viên này đã dạy tốt môn ngoại ngữ. Từ thực tế khảo sát, TS Nguyễn Ngọc Hùng nhận định, 3 năm qua nhiều địa phương đã cố gắng đầu tư bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn nhưng vẫn có khoảng cách giữa “cái biết - lý thuyết và ứng dụng - thực hành”. Để dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả, ngoài đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp, cách dạy, việc quan trọng hơn là đổi mới cách đánh giá, thi cử đối với môn học này ở các cấp học.

Trong khi, Đề án 2020 yêu cầu phải tăng tốc, dạy tiếng Anh đại trà từ bậc tiểu học thì việc đào tạo, cung ứng giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn từ những “cỗ máy sư phạm” vẫn chưa tăng tốc theo, thậm chí cách dạy môn học này vẫn theo tiêu chí Việt Nam. Sự lạc điệu này do đâu và sản phẩm này có thích ứng với mục tiêu của đề án về dạy và học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế?

Thực tế đã chứng minh nếu không có thầy giỏi, đạt chuẩn thì khó có sản phẩm học sinh biết nghe, nói tiếng Anh chuẩn và tự tin giao tiếp với người nước ngoài.

Bài 3: Tạo đột phá: Bao giờ?

KHÁNH BÌNH - THU TÂM

- Vừa chạy vừa… xếp hàng

Tin cùng chuyên mục