Nếu xã hội phản đối dự kiến 2 điểm sàn, Bộ GD-ĐT sẽ bỏ

Việc Bộ GD-ĐT chủ trương dự kiến sẽ có 2 mức điểm sàn vào ĐH-CĐ đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận, ngay chính bản thân các trường ĐH-CĐ ngoài công lập cũng không đồng tình với phương án này.

(SGGP).- Việc Bộ GD-ĐT chủ trương dự kiến sẽ có 2 mức điểm sàn vào ĐH-CĐ đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận, ngay chính bản thân các trường ĐH-CĐ ngoài công lập cũng không đồng tình với phương án này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Dự kiến này được đưa ra dựa trên tổng hợp các ý kiến đóng góp, đề xuất về điểm sàn trong thời gian qua. Đó chưa phải là phương án chính thức của Bộ GD-ĐT mà vẫn chỉ là phương án để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, dư luận hiểu chưa hết ý về phương án 2 điểm sàn.

Thứ nhất, điểm sàn trên là mức điểm sàn không thay đổi so với những năm trước; còn điểm sàn dưới là ngưỡng tối thiểu để xem xét khi thực hiện tuyển chỉ tiêu còn thiếu. Điểm sàn dưới căn cứ vào mức điểm bình quân 3 môn thi trong từng khối. Cần hiểu rằng, 2 điểm sàn không phải là hạ điểm sàn, không phải để phân biệt trường công lập - ngoài công lập, cũng như không phải để đẩy các trường ngoài công lập thành công dân hạng 2 như nhiều trường đã có ý kiến.

Ở đây, chúng tôi xác định điểm sàn dưới là ngưỡng tối thiểu nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào ĐH-CĐ. Sẽ có rất nhiều thí sinh đạt điểm sàn dưới nên mới phải kèm theo yêu cầu xét kết quả thi tốt nghiệp để tuyển được những thí sinh đủ chất lượng vào học những ngành, những trường còn thiếu chỉ tiêu”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định, nếu dư luận phản đối, bộ sẽ bỏ, quay về phương án điểm sàn như các năm trước và tiếp tục nghiên cứu phương án hợp lý hơn.

Về thông tin các trường ngoài công lập trình lên bộ một số phương án tuyển sinh, ông Bùi Văn Ga cho rằng: “Đến nay vẫn chưa có phương án hoàn thiện. Yêu cầu đặt ra là phương án tuyển sinh phải bảo đảm được sự chấp nhận của xã hội về ngưỡng chất lượng tối thiểu vào đại học. Các trường ngoài công lập thiên về chủ trương bỏ điểm sàn, chỉ xét tuyển nhưng chúng tôi cho rằng chưa ổn. Điều này thể hiện rất rõ qua 2 phép thử vừa qua. Phép thử thứ nhất là khi bộ cho phép 10 trường khối năng khiếu nghệ thuật được tuyển sinh riêng, trong đó môn Văn chỉ xét tuyển thì nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng môn Văn mà không thi, chỉ xét tuyển thì có ổn không? Phép thử thứ 2 như chúng ta vừa thấy, đó là điểm sàn dưới cộng với xét điểm thi tốt nghiệp thì dư luận cũng đã phản đối mạnh. Như vậy, chắc chắc xã hội sẽ không chấp nhận cơ chế xét tuyển, bỏ điểm sàn”.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục