TPHCM hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Vẫn chưa hết lo!

Chỉ tính riêng năm 2012, TPHCM đã có 320/322 phường, xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi. Đầu năm 2013, có thêm phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) và xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) được công nhận hoàn thành chuẩn phổ cập, nâng tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi toàn thành phố lên 100%. Song đằng sau những kết quả khả quan đó vẫn còn không ít điều đáng lo ngại…
TPHCM hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Vẫn chưa hết lo!

Chỉ tính riêng năm 2012, TPHCM đã có 320/322 phường, xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi. Đầu năm 2013, có thêm phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) và xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) được công nhận hoàn thành chuẩn phổ cập, nâng tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi toàn thành phố lên 100%. Song đằng sau những kết quả khả quan đó vẫn còn không ít điều đáng lo ngại…

        Tăng nhanh hệ ngoài công lập

Nhìn lại việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2012 - 2013 của Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy, trong 800 trường mầm non đang hoạt động trên địa bàn thành phố có 383 trường ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 47,88%. Đó là chưa kể trong tổng số 752 phòng học mới được đưa vào sử dụng trong năm 2012, có đến 459 phòng thuộc hệ ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 61%. Điều này đi ngược lại chủ trương tăng thêm trường công lập, giảm dần tỷ lệ ngoài công lập của Đề án phổ cập GDMN giai đoạn 2010 - 2015 do UBND TPHCM phê duyệt. Đơn cử ở huyện Hóc Môn, năm học 2012 - 2013 tăng thêm 9 trường ngoài công lập so với năm học 2011 - 2012. Dự kiến năm học 2013 - 2014, số học sinh ngoài công lập sẽ tiếp tục tăng thêm 250 em.

Đồng cảnh ngộ, quận 11 hiện có 31 trường ngoài công lập đang hoạt động, Bình Thạnh có 19 trường. Riêng đối với quận Tân Phú, địa bàn nhiều năm liền “nóng” bởi vấn đề dân nhập cư, trong tổng số 161 cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn chỉ có 10 trường công lập, 31 trường tư thục và 120 nhóm trẻ gia đình. Hiện nay toàn quận còn 3 phường chưa có trường mầm non công lập là Hòa Thạnh, Phú Thạnh và Tân Sơn Nhì.

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội quận 4, TPHCM trong giờ tập hát. Ảnh: Mai Hải

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội quận 4, TPHCM trong giờ tập hát. Ảnh: Mai Hải

Các địa phương đều khẳng định việc gia tăng tỷ lệ trường ngoài công lập và nhóm trẻ gia đình khiến công tác kiểm tra, quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề về đảm bảo y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ. Theo thừa nhận của một cán bộ quản lý Sở GD-ĐT, TPHCM hiện có hơn 1.200 nhóm lớp mầm non tư thục đang hoạt động. Đặc biệt ở một số quận vùng ven như Gò Vấp, Tân Phú, quận 12, số lượng nhóm trẻ tư nhân đang hoạt động không phép hoặc nhận giữ số lượng trẻ vượt quá giới hạn cho phép chiếm số lượng lớn. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng an toàn, sức khỏe cũng như quyền lợi của trẻ. Một số nơi như phường 4, 6 và 7 quận 11, nhiều trường vẫn còn nhiều hơn 3 điểm lẻ, gây khó cho công tác quản lý cũng như việc đưa đón của phụ huynh. Chuyên viên phòng giáo dục có đi kiểm tra hết cũng khó có điều kiện sâu sát từng nơi.

        Quá tải trường, lớp

Trong báo cáo gửi đoàn khảo sát phục vụ hội nghị chuyên đề chuẩn bị khai giảng năm học mới 2013 - 2014 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM tổ chức, các địa phương đều nêu vấn đề thiếu giáo viên trầm trọng ở bậc mầm non. Nếu như huyện Hóc Môn còn thiếu 20 giáo viên, toàn huyện hiện có 421 nhân viên bảo mẫu phải kiêm nhiệm công tác giáo viên dạy học thì con số này ở quận Bình Thạnh là 22 người. Riêng đối với quận 11, nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non tại các trường lên đến 70 người, nhưng hiện mới tuyển được khoảng 1/3 chỉ tiêu đề ra. Do đó, biện pháp hiện nay nhiều trường đang áp dụng là phân công một giáo viên dạy học và một nhân viên bảo mẫu đứng chung một lớp để quản lý học sinh. Đồng thời tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm tỷ lệ lớp bán trú trong trường hợp quá khó khăn.

Cá biệt có trường hợp của quận Tân Phú, để có đủ chỗ học cho tất cả trẻ em trên địa bàn, phòng GD-ĐT địa phương đã mượn 3 nhà văn hóa tại các phường Phú Thạnh, Tân Thành và Tân Quý, đầu tư sửa chữa lại để mở thêm 19 lớp mới, tiếp nhận 927 trẻ mầm non. Đồng thời, đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc tuyển dụng giáo viên có hộ khẩu KT3 nhằm giải quyết trước mắt bài toán thiếu hụt giáo viên. Riêng đối với Trường Mầm non 24B (quận Bình Thạnh), mặc dù chỉ tiêu khối lớp mầm là 80 bé, nhưng do nhu cầu gửi trẻ 3 tuổi tại địa phương quá cao nên địa phương quyết định tiếp nhận 90 bé, tăng 10 bé so với kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, để giải quyết chỗ học trước mắt cho học sinh, các địa phương đang gấp rút khởi công hàng loạt công trình trường học xây mới hoặc đầu tư, cải tạo lại cơ sở cũ, tăng thêm diện tích phòng học đáp ứng nhu cầu gửi con ngày càng lớn của phụ huynh. Tại huyện Củ Chi hiện có 2 công trình đang được khởi công xây mới là mầm non Tân Thông và mầm non Hòa Phú. Hóc Môn có thêm 2 trường Mầm non Bé Ngoan 3 và Mầm non 19/8. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng của những công trình này chưa theo kịp đà tăng dân số. Do đó, tất cả giải pháp trên chỉ mang tính “bám đuổi” tạm thời, chưa thể giải quyết có hiệu quả bài toán thiếu hụt trường, lớp. Về lâu về dài, TPHCM cần có nhiều chính sách đổi mới căn cơ hơn để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục mầm non nhằm nâng cao chất lượng và phát triển đồng bộ bậc giáo dục này trên toàn thành phố.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục