Một ngành thi tuyển nhiều khối - Thí sinh chịu thiệt kép

Những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều ngành ở các trường thường áp dụng nhiều khối thi A, A1, D hoặc A, D, B hoặc C, D. Việc áp dụng nhiều khối thi sẽ tạo nhiều cơ hội cho thí sinh, đồng thời công tác tuyển sinh của các trường cũng dễ thở hơn. Tuy nhiên, thực tế việc công bố chỉ tiêu tuyển và xác định điểm chuẩn thật sự không công bằng đối với thí sinh.

Những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều ngành ở các trường thường áp dụng nhiều khối thi A, A1, D hoặc A, D, B hoặc C, D. Việc áp dụng nhiều khối thi sẽ tạo nhiều cơ hội cho thí sinh, đồng thời công tác tuyển sinh của các trường cũng dễ thở hơn. Tuy nhiên, thực tế việc công bố chỉ tiêu tuyển và xác định điểm chuẩn thật sự không công bằng đối với thí sinh.

Mù mờ thông tin chỉ tiêu

Ngay đầu mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT liên tục nhắc nhở các trường phải công khai thông tin chi tiết về ngành nghề, chỉ tiêu, khối thi để thí sinh tìm hiểu khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, phần lớn các học viện, trường ĐH lẫn các trường CĐ chỉ công khai nửa vời.

Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm TPHCM thông tin chỉ tiêu một số ngành như sư phạm Toán (khối A, A1:170 chỉ tiêu), sư phạm Vật lý (khối A, A1:150 chỉ tiêu), giáo dục tiểu học (khối A, A1, C, D: 170 chỉ tiêu), quản lý giáo dục (khối A, A1, C, D: 80 chỉ tiêu) áp dụng khối thi A1. Rõ ràng, cách công bố chỉ tiêu chung chung, thiếu chỉ tiêu cụ thể cho từng khối nên thí sinh đăng ký sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi trường xác định điểm chuẩn (điểm trúng tuyển). 

Trường ĐH Sài Gòn, năm nay chính thức tổ chức thi khối A1 cho hàng loạt ngành như khoa học thư viện (30 chỉ tiêu), quản trị kinh doanh (200 chỉ tiêu), tài chính ngân hàng (200 chỉ tiêu), công nghệ thông tin (150 chỉ tiêu), toán ứng dụng (50 chỉ tiêu)… Thông tin chỉ tiêu chỉ của trường này cũng không hề phân chia rõ cho từng khối thi.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM năm nay cũng chính thức áp dụng thi khối A1 cho 13 ngành hệ ĐH và 15 ngành hệ CĐ. Cũng giống như những trường khác, trường này cũng công bố chỉ tiêu chung cho tất cả các khối ở mỗi ngành chứ không hề phân chia chỉ tiêu cho mỗi khối thi ở từng ngành.

Ngay cả những trường đại học lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và các ĐH vùng như ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế cũng lờ luôn việc công khai cụ thể chỉ tiêu cho từng khối thi.

Đáng nói hơn, ở nhiều trường ĐH ngoài công lập và các trường CĐ, chỉ công khai tổng chỉ tiêu, còn chỉ tiêu ở từng ngành lại giấu nhẹm.

Thí sinh chịu thiệt kép

Có thể nói, việc tuyển sinh nhiều khối thi là tạo cơ hội rộng mở cho thí sinh ở các khối thi A, A1, B, C, D được nhiều cơ hội vào học những ngành mình yêu thích. Trong khi đó, các trường cũng thuận lợi để rộng nguồn tuyển. Thế nhưng, từ việc công khai nửa vời chỉ tiêu dẫn đến thí sinh sẽ chịu thiệt kép khi trường công bố điểm chuẩn NV1 lẫn xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS).  

Ví dụ ngành sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay tổng chỉ tiêu là 170 cho khối A, A1. Trong đó, khối A1 chỉ có 197 thí sinh dự thi nhưng khối A có số thí sinh dự thi nhiều gấp 5 lần, 1.009 thí sinh dự thi. Thế nhưng khi xác định điểm chuẩn, hội đồng tuyển sinh của trường lại lấy chung mức điểm chuẩn khối A, A1 là 24,5 điểm. Như vậy, chưa tính điểm ưu tiên, khối A1 chỉ có vỏn vẹn 5  thí sinh trúng tuyển.

Trong khi đó, khối A có đến 90 thí sinh trúng tuyển). Như vậy, nếu ngay từ đầu, cơ sở này phân chia rõ trong số 170 chỉ tiêu ra khối A bao nhiêu chỉ tiêu, khối A1 bao nhiêu chỉ tiêu, có lẽ thí sinh sẽ không chịu thiệt và tâm phục khẩu phục khi trường xác định điểm chuẩn NV1.

Không chỉ Trường ĐH Sư phạm TPHCM mà rất nhiều ngành ở trường khác, thí sinh nghẹn ngào khi trường lấy cùng mức điểm chuẩn trong khi tỷ lệ thí sinh dự thi giữa các khối có sự chênh lệch khá lớn. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM ngành Công nghệ thực phẩm tổng chỉ tiêu là 250 cho 3 khối A, A1, B. Trong đó, chưa tính điểm ưu tiên khối B có đến 198/2.190 thí sinh dự thi trúng tuyển NV1 (20,5 điểm); khối A1 có 15/1.711 thí sinh dự thi trúng tuyển NV1 (19,5 điểm), khối A có 111/7.765 thí sinh dự thi trúng tuyển NV1 (19,5 điểm)…

Như vậy, rõ ràng từ việc không minh bạch với thí sinh về chỉ tiêu ở từng khối thi, dẫn đến thí sinh hoàn toàn bị thiệt khi trường xác định điểm chuẩn cào bằng giữa các khối.

Tại sao có sự thiệt thòi này đối với thí sinh? Theo một cán bộ phụ trách tuyển sinh của một trường ĐH có lượng thí sinh dự thi lớn tại TPHCM: Đúng là một ngành tuyển nhiều khối thi tạo thuận lợi nhiều cho các trường. Tuy nhiên, các trường ngại phức tạp nên không công khai chỉ tiêu cụ thể ở từng khối thi. Do đó, khi xác định điểm chuẩn NV1, các trường cũng bỏ quên quyền lợi của thí sinh nên cứ vô tư lấy đại mức điểm chuẩn mà không cần cân đo, đong đếm giữa các khối.

Việc đăng ký, lựa chọn khối thi là quyền tự do của thí sinh. Song, vấn đề ở đây là các trường cần tính đến việc phân chia chỉ tiêu cụ thể ở từng khối để thí sinh nắm được thông tin khi lựa chọn. Nếu có sự công khai rõ ràng, thí sinh sẽ không chịu thiệt ở cả NV1 lẫn những NV tiếp theo.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục