Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Tăng cường giám sát đào tạo ngành y

Trước tình trạng đào tạo nhân lực ngành y theo kiểu “trăm hoa đua nở” hiện nay, Bộ Y tế đã gửi công văn sang Bộ GD-ĐT đề nghị thẩm định mở ngành đào tạo y khoa cần có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế, đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT phải chặt chẽ trong giao chỉ tiêu đào tạo y khoa cho các trường ngoài công lập. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:

Trước tình trạng đào tạo nhân lực ngành y theo kiểu “trăm hoa đua nở” hiện nay, Bộ Y tế đã gửi công văn sang Bộ GD-ĐT đề nghị thẩm định mở ngành đào tạo y khoa cần có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế, đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT phải chặt chẽ trong giao chỉ tiêu đào tạo y khoa cho các trường ngoài công lập. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:

Bộ GD-ĐT đã có những bước đi để chấn chỉnh tình trạng này. Thực hiện phân cấp quản lý về giáo dục, giao cho Sở GD-ĐT thẩm định về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và giao cho trường uy tín thẩm định về chương trình đào tạo trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT sẽ quyết định cho phép mở ngành. Bộ GD-ĐT không tham gia vào chuyên môn. Tuy nhiên, do ngành y là ngành đào tạo đặc thù nên trong cuộc họp giữa Bộ GD-ĐT với Bộ Y tế hồi tháng 6 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Bộ Y tế để chuyên gia y tế của Sở Y tế cùng tham gia với Sở GD-ĐT thẩm định việc mở ngành y. Bộ GD-ĐT không tham gia thẩm định việc mở ngành nên Bộ Y tế cũng không nên tham gia mà để chuyên gia Sở Y tế và Sở GD-ĐT cùng phối hợp tham gia thẩm định để tránh chồng chéo. Cũng trong cuộc họp này, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đã thống nhất, trường ĐH-CĐ nào thuộc Bộ Y tế quản lý, khi đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh thì phải có ý kiến của Bộ Y tế trước khi gửi về Bộ GD-ĐT.

- Phóng viên: Xã hội lo lắng về nhiều trường ĐH ngoài công lập ồ ạt đào tạo ngành y với điểm đầu vào rất thấp. Bộ GD-ĐT tới đây cần chấn chỉnh việc cấp phép chỉ tiêu cho các trường này như thế nào?

>> Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Những trường Bộ GD-ĐT đang quản lý xin mở ngành y, Bộ hết sức cân nhắc trước khi cho phép, những trường nào đảm bảo đủ điều kiện bộ mới cho mở. Quan trọng nhất là sau khi cấp phép mở ngành đào tạo, việc giám sát phải được tăng cường. Tới đây, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp đi thanh tra, kiểm tra trong từng giai đoạn để đảm bảo chất lượng đào tạo.

- Tình trạng dư thừa nhân lực đối với các ngành (dược, điều dưỡng, y sĩ) đang diễn ra ở nhiều địa phương, Bộ GD-ĐT có nên đưa ra cảnh báo?

Trước đây, Bộ GD-ĐT đã phát ra cảnh báo dư thừa nguồn lao động một cách tổng thể với nhiều ngành như tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh… theo quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Dựa trên quy hoạch phát triển nhân lực, Bộ GD-ĐT có thể đưa ra khuyến cáo một cách tổng thể đối với ngành y như đã làm đối với các ngành trên trong thời gian qua. Nhưng ngành y tế là nơi sử dụng nhân lực chuyên ngành nên sẽ hiểu rất rõ về tình trạng thừa, thiếu nhân lực của ngành mình, từ đó có thể đưa ra các khuyến cáo cụ thể hơn.

- Cảm ơn Thứ trưởng!

  • Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

Trong hội nghị đào tạo nhân lực y tế khu vực ĐBSCL, các địa phương có ý chê trách Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y. Họ cho biết, việc này tưởng như rất bài bản, đúng quy trình nhưng trên thực tế có chuyện các cơ sở đào tạo nhân lực y tế không đủ thiết bị thí nghiệm, thiết bị thực hành đã thuê của các đơn vị phân phối. Sau khi đoàn kiểm tra rời đi, họ đem đi trả, chất lượng đào tạo của những trường này cũng rất kém. Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của bộ thẩm định việc này và đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép, đặc biệt là các trường khu vực ĐBSCL. Nếu trường nào không đủ điều kiện thì xử lý, có thể đóng cửa hoặc đình chỉ tuyển sinh. Cả hai bộ cần phối hợp chặt chẽ để có một quy trình thẩm định nghiêm túc, thực chất nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu cần thiết sẽ có văn bản quy định riêng đối với ngành y vì đây là ngành đào tạo đặc biệt.

  • Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế):

Ngành y là một ngành đặc thù nên quá trình đào tạo phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các bệnh viện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc thẩm định mở ngành quá dễ dãi khiến một số trường đại học đa ngành, ngoài công lập được phép đào tạo y dược trong điều kiện không đảm bảo. Thiết bị thực hành thiếu, bệnh viện lại cách xa trường học đến vài chục cây số. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc giảng dạy mà còn khiến chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu. Nếu với quy định hiện nay, để Sở GD-ĐT thẩm định việc mở ngành y thì không ổn vì sở không có chuyên môn y dược. Giải pháp khắc phục tình trạng này là đội ngũ thẩm định phải có sự tham gia của các chuyên gia y tế. Mặt khác, hiện nay Bộ GD-ĐT chỉ duyệt tổng chỉ tiêu của các trường, còn giao các trường tự chủ phân bổ chỉ tiêu các ngành. Đây là một kẽ hở để một số trường phân chỉ tiêu ngành y dược cao nhưng thực tế số lượng giảng viên rất khiêm tốn cũng như cơ sở vật chất thiếu dẫn đến chất lượng đào tạo kém. Thời gian tới có thể triển khai thông tư liên tịch giữa hai bộ hoặc có văn bản hướng dẫn riêng về vấn đề đào tạo nhân lực y tế.

LÂM NGUYÊN ghi

Tin cùng chuyên mục