Trường THCS Lam Sơn, quận 6, TPHCM sai phạm chồng chất

Do vi phạm quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, xem thường lợi ích của tập thể sư phạm, Trường THCS Lam Sơn, quận 6, TPHCM để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong thu-chi, quản lý tài chính, gây thất thu nguồn quỹ…
Trường THCS Lam Sơn, quận 6, TPHCM sai phạm chồng chất

Do vi phạm quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, xem thường lợi ích của tập thể sư phạm, Trường THCS Lam Sơn, quận 6, TPHCM để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong thu-chi, quản lý tài chính, gây thất thu nguồn quỹ…

Lạm thu - chi tiền tỷ

Sau nhiều tháng chờ đợi ánh sáng của công lý, mới đây tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS Lam Sơn, quận 6, TPHCM đã thở phào khi nhìn thấy kết quả thanh tra tài chính được công bố công khai tại trường.

Kết luận thanh tra số 133/KL-TTr của Thanh tra quận 6, nêu rõ: “Nhiều năm liền, Trường THCS Lam Sơn chưa thực hiện đúng quy định về công khai dân chủ, minh bạch trong thu - chi tài chính cũng như xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ tại trường là nguyên nhân đã dẫn đến việc một số giáo viên, cán bộ, công nhân viên làm đơn tố cáo hiệu trưởng lạm dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái quy định nhà nước”. Và sự khuất tất - không minh bạch trong thu - chi, lập các loại quỹ, chi sai quy định… đã gây thất thoát số tiền lên đến cả tỷ đồng. Chỉ tính trong 2 năm 2012-2013, 12 cá nhân trong “nhóm lợi ích” đã nhận khoản thu nhập, lễ tết thưởng… sai quy định và bị thu hồi trên 1,18 tỷ đồng. Trong số này, Hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn Kha Lệ Thanh nhận cao nhất với trên 225 triệu đồng, hai phó hiệu trưởng gần 200 triệu đồng; kế toán, thủ quỹ: trên 100 triệu đồng.

Học sinh Trường THCS Lam Sơn, quận 6 bị tận thu nhiều khoản tiền sai quy định.

Từ khi Trường THCS Lam Sơn được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/CP, bà Kha Lệ Thanh cùng ê kíp thân cận (phó hiệu trưởng, kế toán, thủ quỹ, giám thị) đã chủ trương tận thu nhiều khoản tiền sai quy định và tự chia chác, tăng chi vô tội vạ. Kết quả thanh tra cho thấy hầu như nguồn thu-chi nào cũng có sai phạm, trong đó nổi cộm là chi không đúng mục đích, hạch toán không đầy đủ, sai quy định, để ngoài hệ thống sổ sách kế toán của trường nhiều khoản… Trường đã lập ra trên 20 loại quỹ nhưng chỉ công khai khoảng 10 quỹ, trong đó không công khai khoản tồn quỹ hàng năm cho thấy bà Kha Lệ Thanh và nhóm lợi ích đã trục lợi, kiếm chác trên những đồng tiền mồ hôi nước mắt của phụ huynh lẫn đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường.

Trường THCS Lam Sơn nằm trên địa bàn dân cư nghèo, phần đông là công nhân, lao động có thu nhập thấp nhưng nhà trường đẻ ra đủ các khoản thu thỏa thuận từ dịch vụ bán trú đến các loại học phí học Anh văn, vi tính… khiến áp lực tiền bạc đè nặng trên đôi vai phụ huynh. Đó là chưa kể những khoản thu hộ - chi hộ cũng thiếu minh bạch, rõ ràng và nhà trường còn quyết toán chi sai nhiều khoản khác.

Nguồn thu hàng tháng của nhà trường rất lớn, kể cả tồn quỹ lên đến tiền tỷ, nhưng công tác quản lý tiền mặt lại lỏng lẻo đến khó tin. Qua kiểm tra sổ ghi chép của thủ quỹ, nhà trường Thanh tra quận 6 phát hiện số tiền mặt tồn quỹ vào đầu năm học 2011-2012 là 976 triệu đồng nhưng thủ quỹ cũ - bà Lục Thị Kim Oanh chỉ bàn giao trên 58 triệu đồng và số tiền thiếu trên 917 triệu đồng này đã bị biển thủ một cách dễ dàng.

Theo giải trình của thủ quỹ Kim Oanh, do gia đình gặp khó khăn nên bà đã tự ý lấy tiền quỹ của nhà trường nhiều lần để trang trải việc riêng. Khi biết vụ việc nghiêm trọng này, Hiệu trưởng Kha Lệ Thanh “bao che” và giải quyết theo hướng cho khắc phục nộp lại khoản tiền chiếm dụng. Không những thế, Hiệu trưởng Kha Lệ Thanh lại làm ngơ không báo cáo cho UBND quận và Phòng GD-ĐT quận 6 biết để xử lý theo quy định.

Tận thu và ăn chặn đủ kiểu

Có thể nói học sinh ở Trường THCS Lam Sơn bị xem thường về quyền lợi và nhà trường tận thu vô tội vạ. Chỉ kể ra vài ví dụ như phòng lab của trường được trang bị bởi ngân sách nhà nước nên học sinh được học miễn phí (1 tiết/tuần) nhưng trường vẫn thu 10.000 đồng/em/tháng suốt 10 năm qua. Hàng năm, Sở GD-ĐT TPHCM lấy địa điểm của trường tổ chức các kỳ thi và nguồn giấy thi thừa này cũng được kinh doanh bằng việc thu tiền từ học sinh.

Với con số gần 2.000 học sinh, trong đó trên 1.000 học sinh học bán trú, nhà trường tận thu đủ các khoản như tổ chức dịch vụ bán trú, ôn tập, dò bài, hoa hồng đồng phục, dạy Anh văn với người nước ngoài, tin học… Chỉ riêng tiền bán trú, nhà trường cũng thu vượt quy định đến 5 lần và chiếm dụng khoản tiền ăn thừa của học sinh. Đáng nói là chất lượng bữa ăn bán trú chưa đảm bảo khi nhà trường mua thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nấu ăn hàng ngày với giá mua cao hơn giá thị trường, nhiều hóa đơn chứng từ không rõ xuất xứ, quy cách thực phẩm…

Không chỉ sai sót trong cập nhật nguồn thu vào sổ sách, cố tình ghi số thực thu ít hơn thực tế, nhà trường còn nhập nhèm, thiếu công khai trong thu hộ - chi hộ. Theo quy định, nhà trường được trích lại 4% trên tổng số tiền bảo hiểm y tế (BHYT) thực thu từ học sinh để chi hỗ trợ cho những người thực hiện công tác thu BHYT. Vậy mà khoản tiền này cũng bị “ăn chặn” không thương tiếc và nó chảy vào túi của những đối tượng không trực tiếp làm như ban giám hiệu, kế toán, thủ quỹ.

Tương tự, kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu được cơ quan BHXH trích lại 10,8% trên tổng số học sinh tham gia BHYT cũng bị nhà trường chi sai mục đích. Riêng chuyện cho thuê căn tin với giá bèo suốt nhiều năm cũng là dấu hỏi lớn và ai được lợi từ khoản tiền thất thoát cả tỷ đồng này? Trước kiến nghị của tập thể giáo viên, công nhân viên, mới đây giá thuê căn tin của trường ổn định từ 185 triệu đồng/năm mới tăng lên 600 triệu đồng/năm.

Việc đục khoét từ nhiều khoản thu sai quy định, trả lương, thu nhập “khủng” kèm khen thưởng tùy tiện - chỉ ưu ái cho một số ít cá nhân của Hiệu trưởng Kha Lệ Thanh đã ảnh hưởng đến thu nhập tăng thêm của tập thể giáo viên, cán bộ, công nhân viên. Đơn cử trong kết luận của Thanh tra quận 6, các khoản chi sai quy định về khen thưởng, bồi dưỡng lễ tết lên đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt là khoản chi bồi dưỡng quản lý vượt tỷ lệ 15%, trong đó nguồn thu Anh văn bản ngữ (thuê giáo viên nước ngoài giảng dạy) và để ngoài sổ sách lên đến 1,4 tỷ đồng trong 2 năm 2012-2013.

Tuy kết luận thanh tra đã làm sáng tỏ bức tranh tài chính bị che mờ trong nhiều năm qua và nêu rõ những sai phạm lạm quyền, buông lỏng quản lý tài chính của Hiệu trưởng Kha Lệ Thanh, nhưng tập thể giáo viên vẫn còn nhiều ưu tư, thậm chí chưa hài lòng. Họ kiến nghị UBND và Thanh tra quận 6 cần tiếp tục làm rõ một số nội dung trong đơn tố cáo của tập thể giáo viên, cán bộ, công nhân viên đã gửi cho quận. Đó là thanh tra thêm việc sử dụng các loại quỹ, khoản tiền thất thoát tồn quỹ trong nhiều năm qua; các khoản chi tiêu trong quỹ khen thưởng từ năm 2007 đến đầu năm 2014 và phải truy thu các khoản khen thưởng sai quy định; việc tuyển sinh lớp 6 trái tuyến nhưng không thành lập hội đồng tuyển sinh; đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng lãng phí…

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục