Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Đổi mới giáo dục bắt đầu từ con người

Trước thềm năm mới Giáp Ngọ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (ảnh), vị “tư lệnh” ngành giáo dục đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Báo SGGP về những trăn trở, quyết tâm cũng như kỳ vọng của cá nhân ông và toàn ngành giáo dục trước khi mở màn “trận đánh lớn”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Đổi mới giáo dục bắt đầu từ con người

Trước thềm năm mới Giáp Ngọ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (ảnh), vị “tư lệnh” ngành giáo dục đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Báo SGGP về những trăn trở, quyết tâm cũng như kỳ vọng của cá nhân ông và toàn ngành giáo dục trước khi mở màn “trận đánh lớn”.

* Phóng viên: Trước hết, xin Bộ trưởng chia sẻ về những điều tâm đắc mà ngành GD-ĐT đã làm được trong năm 2013 cũng như những trăn trở?

* Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Điều tâm đắc nhất trong năm 2013 đối với cá nhân tôi là Trung ương Đảng ra Nghị quyết (NQ) 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đó là ý chí không chỉ riêng của Đảng mà cả xã hội, trong đó có các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo, HS-SV trong và ngoài nước đã tham gia góp ý, đánh giá, hiến kế để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Trăn trở thì nhiều lắm. Khi Trung ương chưa ra NQ 29 thì chúng tôi lo để góp phần cùng các cơ quan hữu quan chuẩn bị đề án. Giờ có NQ rồi thì phải lo việc tổ chức thực hiện, phối hợp triển khai sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

* Cụ thể hơn, để đưa NQ 29 vào cuộc sống là gì, thưa Bộ trưởng?

* Hiện Thủ tướng đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB-XH và các cơ quan khác xây dựng Dự thảo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 29. Về phía Bộ GD-ĐT, phải xây dựng đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau 2015 để trình Chính phủ. Việc thứ 3 là xây dựng một đề án hành động của ngành GD-ĐT triển khai thực hiện NQ 29. Đề án sẽ bao gồm rất nhiều lĩnh vực. Có những cái nằm trong phạm vi ngành GD-ĐT, có nhiều vấn đề liên quan đến các bộ, ngành, địa phương.

* Bộ trưởng coi đây là một “trận đánh lớn”. Vậy Bộ trưởng cho đâu là yếu tố quan trọng nhất để quyết định thắng lợi?

* Tôi dùng hình ảnh “trận đánh lớn” để ví về lần đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện này, thực chất là để nói đến việc phối hợp của nhiều “binh chủng”, phối hợp nhiều hành động, nhiều mục tiêu, tổ chức nhiều chiến dịch. Tôi cũng lường trước rằng sẽ có nhiều phương án cho trận đánh lớn, nhất là trận đánh mở đầu.

Sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, mỗi người “cầm quân” sẽ có một phương án khác về điểm bắt đầu. Rồi thời điểm đánh cũng vậy, phải từng bước, không thể ngay lập tức đánh thắng trận lớn được. Phải có nhiều bộ phận, từng trận, rồi dần dần chiến thắng.

Vậy trận đánh lớn bắt đầu từ đâu? Chúng tôi thảo luận và quyết định phải bắt đầu từ những khâu không khó nhất. Vì như ông bà đã nói, “đầu xuôi đuôi lọt”, nếu bắt đầu từ việc khó mà hỏng thì không được. Cụ thể, chúng tôi đang tính toán bắt đầu từ khâu chấn chỉnh, thay đổi cách quản lý; tiếp đến là đổi mới thi cử; vấn đề giáo viên. Vừa qua chúng tôi đã công bố về đổi mới thi ĐH-CĐ, rồi sẽ đến đổi mới thi tốt nghiệp THPT...

Có người hỏi tôi, ngành GD-ĐT sẽ bắt đầu từ đâu? Sẽ bắt đầu từ con người, từ nhận thức, từ đội ngũ giáo viên và tất nhiên là cả học sinh nữa. Nhưng tiên quyết là từ đội ngũ giáo viên.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

* Bộ trưởng có thể nói về những việc cần làm ngay trong lần đổi mới này?

* Hiện nay chúng tôi tiến hành đồng bộ nhiều việc. Trong đó có việc thử nghiệm tất cả những điều chúng tôi đề xuất với Trung ương để triển khai, ví dụ như chuyển đổi từ phương pháp dạy và học nặng từ truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực, kỹ năng và phẩm chất học sinh, chuyển từ đọc - chép sang hướng dẫn học sinh cách tự học. Đó là việc hệ trọng mà ngành giáo dục đã triển khai trước khi có NQ 29. Vì nguyên tắc là Bộ GD-ĐT chỉ đề xuất với Trung ương những gì có thể làm được, còn nếu chỉ viết đề án mà sau đó không biết làm như thế nào, làm có thành công hay không thì rất rủi ro. Không được phép thử nghiệm mà chưa biết thắng hay bại, giáo dục phải rất chắc chắn.

Việc chỉ đạo đổi mới hoạt động các trường sư phạm, đổi mới quản lý giáo dục cũng đã được triển khai trong thời gian qua, trong đó đổi mới quản lý giáo dục đại học đã được triển khai ngay từ khi xây dựng Luật Giáo dục ĐH. Hiện nay Bộ GD-ĐT công bố đổi mới tuyển sinh ĐH, giao tự chủ tuyển sinh cho các trường cũng là nằm trong nội dung đổi mới quản lý giáo dục đại học.

Chúng ta phải bắt đầu từ thiết kế chương trình - SGK phổ thông để có mục tiêu đổi mới sư phạm, tức là sư phạm phải lấy đổi mới giáo dục phổ thông làm đích để phục vụ, từ đó sẽ đi đến cấu trúc lại phương pháp đào tạo sư phạm. Hiện Bộ GD-ĐT đã huy động các chuyên gia, trong đó có các giảng viên trường sư phạm thiết kế chương trình - SGK phổ thông, rồi từ đó tính toán đổi mới hệ thống đào tạo sư phạm. Mặt khác, việc đổi mới quản lý giáo dục đại học đã được triển khai rất nhiều bước quan trọng, tới đây sẽ đi vào thực chất, chiều sâu, có trọng điểm hơn nữa.

Cùng với tất cả những vấn đề trên, tôi rất đồng tình với các ý kiến là phải kiên quyết lập lại kỷ cương, kỷ luật trong ngành giáo dục. Một phần là tôn vinh, đãi ngộ, nhưng một phần cũng xử lý, loại bỏ những người không còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

* Với tất cả những gì ngành giáo dục đã, đang và sẽ làm, Bộ trưởng hình dung về giáo dục Việt Nam năm 2014 sẽ ra sao?

* Trong năm 2014, những công việc đang triển khai sẽ được đẩy mạnh, tăng tốc. Trọng tâm có 2 việc: thiết kế xây dựng chương trình - SGK phổ thông và cấu trúc lại các cơ sở đào tạo giáo viên. Hiện đã lựa chọn 6 trường sư phạm lớn làm đầu tàu, động lực để triển khai việc này, gồm các trường ĐH: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm 2, Sư phạm TPHCM, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng.

* Cảm ơn Bộ trưởng!

PHAN THẢO

Văn miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Văn miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục