Thí điểm sách giáo khoa điện tử bậc tiểu học: Cấp thiết nhưng nhiều băn khoăn

Nhằm giảm gánh nặng cho học sinh phải mang vác quá nhiều sách vở khi đến trường, đồng thời tạo ra môi trường học tập trực quan, sinh động, tăng cường tính tương tác, ngày 18-7, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục, Công ty cổ phần Phát triển công nghệ nghe nhìn giới thiệu đề án “Thí điểm chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử” dành cho học sinh các lớp 1, 2, 3. Nếu được UBND TPHCM phê duyệt, đề án sẽ chính thức triển khai từ năm học 2014 - 2015.

Theo kịp xu hướng phát triển của thời đại

Lý giải về tính cấp thiết của đề án, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, xuất phát từ mong muốn được giảm gánh nặng mang vác sách vở của học sinh TP, tại buổi giao lưu, gặp gỡ giữa các em thiếu nhi với lãnh đạo TPHCM đầu năm 2014, UBND TPHCM đã giao Sở GD-ĐT TPHCM nghiên cứu một đề án nhằm giảm gánh nặng học tập cho các em. Trong đó, việc triển khai “Thí điểm chương trình SGK điện tử” dành cho học sinh các lớp 1, 2, 3 là một trong những mục tiêu hướng đến việc đổi mới cơ bản, toàn diện mô hình giáo dục tiểu học ở TPHCM nói riêng, cả nước nói chung.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các hoạt động ghi chép kiến thức đơn thuần trên lớp chỉ giúp học sinh nắm bắt được 10% khối lượng kiến thức do giáo viên truyền tải. Trong khi đó, nếu kết hợp thêm các thiết bị nghe nhìn, các hình thức tổ chức thảo luận nhóm, thực hành trên lớp sẽ giúp học sinh ghi nhớ được hơn 90% khối lượng kiến thức. Bà Cao Thị Tuyết Mai, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 4, cho biết hầu hết học sinh tiểu học hiện nay sử dụng rất thành thạo các phương tiện điện tử, đặc biệt là máy tính bảng. Do đó, việc tận dụng các tiện ích của công cụ này vào việc truyền tải kiến thức sẽ giúp phụ huynh giảm bớt áp lực dạy học cho con tại nhà, đồng thời hướng các cháu đến việc sử dụng các loại thiết bị công nghệ một cách có định hướng, bổ ích.

Băn khoăn lộ trình và kinh phí thực hiện

 

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, tổng kinh phí thực hiện đề án “Thí điểm chương trình SGK điện tử” từ 3.900 - 4.400 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn thu từ các hoạt động xã hội hóa chỉ chiếm từ 27% - 32% là quá ít, khiến các địa phương rất khó thực hiện.

 

Tuy nhiên khi đề cập đến kinh phí thực hiện đề án, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TPHCM, bày tỏ: “Dành hơn 4.000 tỷ đồng triển khai một đề án thí điểm ở 24 quận, huyện trong vòng 1 năm học không phải việc làm đơn giản. Ngay cả các quận ở trung tâm TP còn kêu khó khi tính toán kinh phí thực hiện thì UBND TP phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, chọn lựa trong đầu tư”. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) thẳng thắn bày tỏ: “Nếu kêu gọi sự đóng góp từ phía phụ huynh thì không phải ai cũng có đủ điều kiện tham gia đóng góp. Nếu chuyển gánh nặng chi phí cho nhà trường càng không thể kham nổi. Nếu ngân sách TP hỗ trợ cũng chỉ thí điểm được 1, 2 lớp/trường, khó tạo sự bình đẳng cho tất cả học sinh”. Bà Cao Thị Tuyết Mai, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 4, lo ngại: “Học sinh tiểu học vốn rất hiếu động, nhiều em mới sử dụng SGK truyền thống được hơn nửa năm đã tróc bìa, bung gáy. Nếu sử dụng SGK điện tử, chi phí dành cho việc bảo quản, sửa chữa sẽ được tính toán như thế nào?”. Nhiều địa phương khẳng định nếu TP không hỗ trợ sẽ không thể nào triển khai đề án.

Bên cạnh đó, độ tuổi học sinh bắt đầu vào lớp 1, các em mới chuyển đổi từ hình thức học tập “Học mà chơi, chơi mà học” sang giai đoạn bắt đầu làm quen với việc dung nạp kiến thức. Trong đó, các yêu cầu về rèn chữ, luyện tập tác phong học tập cơ bản hết sức quan trọng. Do đó, ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, kiến nghị không nên vội vàng thí điểm chương trình SGK điện tử cho học sinh lớp 1 mà nên chuyển qua các khối 4, 5, vì các em đã hình thành ý thức học tập chuyên sâu, có nhu cầu riêng về nghiên cứu, tìm tòi kiến thức. Ngoài ra, theo ông Phạm Quang Bảng, Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương, thực hiện chương trình thí điểm cần tính toán đến lộ trình thực hiện theo chương trình khung SGK của Bộ GD-ĐT. Nếu chỉ triển khai trong năm học 2014 - 2015 thì những năm sau đó mô hình sẽ được nhân rộng như thế nào, tác động của việc thực hiện đề án với phụ huynh và học sinh ra sao.

Trước hàng loạt băn khoăn đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo Sở GD-ĐT TP tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án, từ đầu năm học 2014 - 2015 sẽ tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của phụ huynh. Tuy nhiên, “việc triển khai chương trình SGK điện tử không phải chối bỏ hoàn toàn SGK truyền thống, trong đó 2 phong trào vở sạch chữ đẹp và văn hay chữ tốt cần tiếp tục phát huy”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục