Các chuyên gia ủng hộ Bộ GD-ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu

Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông:

 (SGGPO). - Hội thảo tham vấn các chuyên gia của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội về đề án đổi mới chương trình-sách giáo khoa (SGK) phổ thông diễn ra trọn ngày 28-8. Dù chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là đề án này được trình ra Quốc hội nhưng cho đến thời điểm này, vẫn còn quá nhiều vấn đề quan trọng của đề án vẫn chưa có được sự thống nhất cao.

Đáng chú ý, ý kiến của các chuyên gia tập trung quanh vấn đề đa dạng SGK và quy trình biên soạn SGK. Đề án đổi mới lần này cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK. Ngoài việc biên soạn chương trình chuẩn, Bộ GD-ĐT cũng đang đưa ra 2 phương án làm SGK: hoặc bộ trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; hoặc ngay từ đầu Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK được biên soạn. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chủ trương áp dụng triển khai bộ SGK mới đồng loạt ở các lớp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây để đỡ mất nhiều thời gian.
 
Tuy còn ý kiến khác nhau, nhưng đại đa số các chuyên gia đều đồng tình một chưong trình, nhiều bộ SGK. Đồng thời tán thành Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn để tránh lộn xộn. PGS-TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng nếu ngay từ đầu Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK được biên soạn mà không biên soạn bộ SGK mẫu thì rất nhiều rủi ro, vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc này. Bà cũng lưu ý thêm, nếu có nhiều bộ SGK thì Bộ GD-ĐT cần đối xử công bằng, không được phân biệt, việc chọn bộ SGK nào hoàn toàn là quyền của người học.

Đáng chú ý, đề án này chưa rõ về kinh phí thực hiện. Nếu trước đó, khi đưa ra đề án này Bộ GD-ĐT đưa ra con số khái toán là 34.000 tỷ đồng thì đến nay, đề án chưa nói rõ. “Đề án  này Quốc hội chỉ quan tâm 2 vấn đề: làm hết bao tiền, tác động đến ngân sách Nhà nước ra sao; có làm phiền dân không?. Nhưng cả 2 đều chưa rõ. Báo cáo tác động mà đề án chỉ ra chỉ là những gì những người biên soạn “tưởng tượng” ra, vì không có thực tiễn, không có dữ liệu chứng minh”, GS Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục